Mẹ và Quê hương

10/02/2019 | 08:51 GMT+7

Từ những ngày đầu chia tách, trên địa bàn tỉnh Hậu Giang có 505 mẹ được phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Đến nay, hiện 141 mẹ còn sống, trong đó, huyện Long Mỹ còn 33 mẹ, huyện Phụng Hiệp 29 mẹ, huyện Vị Thủy 24 mẹ, thành phố Vị Thanh 15 mẹ, thị xã Long Mỹ 12 mẹ, huyện Châu Thành 11 mẹ, huyện Châu Thành A 11 mẹ và thị xã Ngã Bảy 6 mẹ. Hiện tại, tất cả các Bà mẹ Việt Nam anh hùng trên địa bàn tỉnh đều được các đơn vị, doanh nghiệp... nhận chăm sóc, phụng dưỡng đến cuối đời.

“Ba lần tiễn con đi, hai lần khóc thầm lặng lẽ

Các anh không về, mình mẹ lặng im...”

(Đất nước - Nhạc Phạm Minh Tuấn)

Mỗi lần nghe câu hát ấy, khiến ai trong mỗi chúng ta cũng phải bồi hồi nhớ về hình ảnh những Bà mẹ Việt Nam anh hùng (VNAH), đã một thời mòn mỏi đợi chồng, chờ con trở về từ những cuộc chiến. Vì đất nước, vì khát vọng độc lập, tự do của dân tộc, những người chồng, người con của mẹ đã lần lượt ra đi. Nỗi đau, sự mất mát theo năm tháng đã hóa đá trong lòng mỗi người mẹ, nhưng các mẹ không cô đơn vì lớp lớp thế hệ hôm nay, đã nguyện thay các con của mẹ chăm sóc, phụng dưỡng mẹ suốt đời.

Bên mẹ vẫn có chúng con

Dưới cái nắng chiều của những ngày cuối năm, theo con đường nông thôn nhỏ về xã Vị Bình, huyện Vị Thủy, chúng tôi tìm đến thăm Bà mẹ VNAH Phạm Thị Ba, người mẹ đã tình nguyện cho đứa con duy nhất của mình lên đường bảo vệ Tổ quốc. Qua làn khói trắng của bếp củi đang đỏ lửa để chuẩn bị cơm chiều, thấy chúng tôi đến mẹ tươi cười bảo: “Mấy đứa lại đến thăm mẹ rồi à, chiều nay ở lại cùng mẹ ăn cơm rồi mới được về đó nghe”. Nghe mẹ bảo thế, ai trong chúng tôi cũng không nỡ chối từ. Trong bữa cơm chiều đạm bạc của mẹ Ba, dù chỉ có nồi canh được nấu bằng mớ rau đồng và ít cá kho, nhưng chúng tôi ai cũng thấy đầm ấm đến lạ thường.

Ở cái tuổi 96, Bà mẹ VNAH Phạm Thị Ba vẫn cảm thấy ấm lòng bởi quanh mẹ luôn còn những đứa con của quê hương.

Nhìn chúng tôi với ánh mắt trìu mến và nụ cười ấm áp, mẹ Ba nói: “Phải thằng Hùng con trai của mẹ còn sống, thì chắc cũng bằng tuổi với mấy đứa bạn nó bây giờ rồi. Nhớ hồi đó, khi mới 10 mấy tuổi nghe mấy chú, mấy anh ở địa phương nói chiến tranh làm biết bao đồng bào ta phải thiệt mạng, thì nó cũng về nhà đòi sẽ xung phong đi bộ đội. Lúc đó, trong lòng mẹ vừa mừng lại vừa lo, vì chỉ có mình nó là con không biết đi rồi có trở về được không. Thấy con quyết tâm quá, mẹ cũng đành cho nó đi để góp sức giành lấy tự do, độc lập cho dân tộc”.

Mẹ Ba có một người con trai duy nhất là liệt sĩ Trần Văn Hùng, sinh năm 1952, khi mới 13 tuổi chứng kiến sự ác liệt của chiến tranh, anh đã từ giã mẹ già để xông pha chiến trường góp sức đánh giặc. Không chỉ có con trai, trong những ngày giặc giã bom đạn khi đối đầu với thực dân Pháp, chồng mẹ cũng anh dũng hy sinh. Mẹ Ba tâm sự: “Lúc mới sinh con, cũng là lúc mẹ nhận được tin dữ về chồng. Lúc đó, một mình vừa phải vượt cạn, rồi còn chăm sóc mẹ già, nên mẹ cũng không có thời gian đâu để đau buồn nữa”.

Nén nỗi buồn khi nhớ về chồng và con trai, nhìn chúng tôi ai cũng buồn khi nghe câu chuyện của mình, mẹ Ba nói: “Cũng nhờ có các cô chú ở xã, huyện, tỉnh và mấy đứa đến thăm, nên mấy chục năm nay mẹ đâu còn thấy buồn nữa. Tuy mẹ không còn những đứa con ruột, nhưng mẹ vẫn còn rất nhiều đứa con luôn gọi mẹ là mẹ, luôn quan tâm và kính trọng mẹ chẳng khác gì những đứa con ruột cả. Đây là niềm an ủi rất lớn, giúp mẹ cảm thấy vui và hạnh phúc hơn ở cái tuổi xế chiều này”.

Cùng với việc nhận chăm sóc, phụng dưỡng đến cuối đời ở địa phương, Chi cục Thuế huyện Vị Thủy cũng thường xuyên cử người đến để chăm sóc, giúp mẹ làm các công việc lặt vặt trong nhà. Dù đã lớn tuổi, đi đứng cũng khó khăn, nhưng hễ ai đến thăm được nghe gọi mình bằng mẹ, thì mẹ Ba lại quý lắm tấm lòng của các con dành cho mình. Chỉ vào gian nhà sau, mẹ nói: “Nhà mẹ giờ sống đầy đủ tiện nghi lắm, thấy mẹ đi đứng khó khăn, nên tụi nó nào sắm bếp gas, nào may quần áo cho mẹ đủ thứ hết… nhưng mẹ có xài tới đâu”. 

 ”Mẹ“ những tượng đài bất diệt

Chia tay mẹ Ba, chúng tôi về huyện Phụng Hiệp, để ghé thăm Bà mẹ VNAH Phạm Thị Bê, ở ấp Phương Quới, xã Phương Bình. Nén nỗi đau mất chồng và con trai trong chiến tranh ngày nay, mẹ Bê cảm thấy ấm lòng hơn bởi sự quan tâm của Đảng, Nhà nước. Mẹ Bê năm nay đã 95 tuổi, dù còn hai người con nhưng hiện mẹ đang sống cùng vợ chồng đứa cháu trai. Được gặp và nghe mẹ kể về quãng thời gian khó khăn để vượt qua nỗi đau, mới thấy hết vóc người nhỏ bé này đã kiên cường như thế nào để vượt lên tất cả.

Bà mẹ VNAH Phạm Thị Bê luôn được địa phương, đơn vị chăm sóc, phụng dưỡng.

Trong căn nhà tình nghĩa khang trang, vừa được Bộ Công an hỗ trợ để sửa chữa lại, nhìn tấm bằng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng do Chủ tịch nước trao tặng, mẹ Bê kể: “Ngày xưa khổ lắm, nhà nghèo, chiến tranh không có chồng bên cạnh, mẹ phải một mình gồng gánh để nuôi nấng mấy đứa con. Không những vậy thằng con trai thứ ba, khi mới 14 tuổi đầu cũng lén nhà đi bộ đội. Thế rồi, cha con nó đi mãi không thấy về”. Mẹ Bê có chồng là liệt sĩ Lê Văn Phiên và con trai thứ ba là liệt sĩ Lê Văn Trung đã vĩnh viễn nằm lại chiến trường khi tuổi đời còn rất trẻ. Dù ngày nay, những người thân thương nhất của mẹ đã không còn, nhưng mẹ vẫn sẽ ấm lòng hơn bởi bên mẹ còn những đứa con của quê hương luôn quan tâm, chăm lo cho mẹ.

Trải qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, có biết bao người mẹ đã tiễn chồng, con ra trận, trong số đó, có những người đã vĩnh viễn nằm lại nơi chiến trường. Chồng, các con của mẹ ra đi mãi mãi không trở về nhưng các bác, các anh đã hóa thân vào đất mẹ, tỏa sáng soi rọi con đường cách mạng cho mỗi bước ta đi. Hình ảnh Bà mẹ VNAH chất phác, nồng hậu như những người bà, người mẹ rất đỗi bình dị khác trong các gia đình Việt Nam. Vậy mà, những người phụ nữ tưởng chừng nhỏ bé ấy, đã phải oằn mình gánh chịu nỗi đau tiễn biệt chồng, con lên đường đấu tranh cho độc lập của đất nước.

Từ sau ngày thành lập tỉnh đến nay, mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng việc quan tâm, chăm lo cho gia đình chính sách, Bà mẹ VNAH luôn được các cấp ủy đảng, chính quyền đặt lên hàng đầu. Nhằm thực hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” gần 15 năm thành lập, tỉnh Hậu Giang luôn thực hiện nhiều phong trào vận động xã hội hóa để mạnh thường quân, nhà hảo tâm, tổ chức, cá nhân… chung tay chăm lo cho gia đình chính sách, Bà mẹ VNAH. Ngoài thực hiện đầy đủ các chính sách của Đảng, Nhà nước thời gian qua, các cấp ủy đảng, chính quyền và các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh đã có những việc làm thiết thực để chăm lo đời sống vật chất lẫn tinh thần cho các mẹ như: phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, chăm sóc, phụng dưỡng các Mẹ VNAH đến cuối đời…

Cuộc đời mỗi mẹ là một hoàn cảnh khác nhau, với nỗi niềm riêng, nhưng các mẹ đều giống nhau ở sự thủy chung, son sắt, đức tính kiên cường và lòng yêu nước nồng nàn. “Mỗi mùa xuân sang, mẹ tôi già thêm một tuổi/ Mỗi mùa xuân sang, ngày tôi xa mẹ càng gần…” những lời hát như nhắc nhở chúng ta rằng, thời gian vẫn cứ trôi đi, biết rằng ngày mai có còn nhìn thấy mái tóc bạc phơ và khuôn mặt đầy nếp nhăn của các mẹ. Dẫu rằng năm tháng vẫn sẽ qua đi, nhưng các Mẹ VNAH luôn là biểu tượng cao đẹp của đức hy sinh, mà thế hệ chúng ta và cả sau này mãi mãi tri ân, tưởng nhớ.

AN NHIÊN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>