Nghị quyết Về chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV

22/09/2017 | 06:10 GMT+7

(Tiếp theo)

QUYẾT NGHỊ:

4. Đối với lĩnh vực y tế

- Tiếp tục thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân, đặc biệt là chất lượng khám bệnh, chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế. Nâng cao tinh thần, thái độ phục vụ, thực hiện tốt Quy tắc ứng xử của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh. Tiếp tục cải tiến quy trình, thủ tục, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong khám bệnh, chữa bệnh, liên thông kết quả xét nghiệm, bảo đảm an toàn, thuận lợi cho người bệnh; có cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan liên quan để khắc phục tình trạng lạm dụng sử dụng dịch vụ, trục lợi từ Quỹ bảo hiểm y tế; tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiên quyết xử lý nghiêm minh các vi phạm trong lĩnh vực y tế.

Cần tập trung bố trí đủ vốn cho các dự án được ưu tiên.

- Thực hiện có hiệu quả các giải pháp về huy động vốn đầu tư trong nước và ngoài nước cho y tế; đổi mới phương thức quản lý, cơ chế tài chính cho các bệnh viện; giao quyền tự chủ cho các cơ sở y tế công lập gắn với nâng cao chất lượng phục vụ; khai thác hiệu quả cơ sở hạ tầng, trang thiết bị của các cơ sở y tế; thực hiện lộ trình thông tuyến khám bệnh, chữa bệnh; nâng cao chất lượng công tác y tế dự phòng, chăm sóc sức khỏe ban đầu... để giảm tải cho bệnh viện tuyến trên qua từng năm; phấn đấu đến năm 2020 về cơ bản không còn tình trạng quá tải bệnh viện.

- Hoàn thiện cơ chế, chính sách liên quan đến tổ chức, hoạt động, tài chính và huy động các nguồn lực nhằm phát huy vai trò của hệ thống y tế cơ sở; tiếp tục tạo sự chuyển biến chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân của hệ thống y tế cơ sở qua từng năm, đặc biệt là tại vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; thực hiện theo dõi, quản lý sức khỏe đến từng người dân tại trạm y tế xã và bác sĩ gia đình; bảo đảm quyền thụ hưởng dịch vụ y tế của các đối tượng nghèo, đặc biệt khó khăn; tăng cường quản lý và phát huy vai trò của y tế tư nhân; phối hợp các bộ, ngành liên quan ban hành, triển khai có hiệu quả cơ chế, chính sách về xã hội hóa y tế.

- Thực hiện tốt Chiến lược quốc gia phát triển ngành Dược, tăng cường kiểm soát chất lượng dược liệu, phát huy nguồn dược liệu trong nước; sớm sửa đổi quy định về đấu thầu thuốc biệt dược; bảo đảm công tác đấu thầu thuốc phát huy hiệu quả và đúng quy định của pháp luật; triển khai các giải pháp để quản lý chặt chẽ giá thuốc, chất lượng thuốc, vật tư, thiết bị y tế; kiểm tra, quản lý chặt chẽ hoạt động quảng cáo, kinh doanh dược phẩm, thực phẩm chức năng.

5. Đối với lĩnh vực kế hoạch và đầu tư

- Thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương trong đầu tư công; rà soát, kịp thời sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật theo hướng bảo đảm đơn giản hóa các thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt đầu tư công, tránh chồng chéo, mâu thuẫn. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền và đề cao trách nhiệm của các cấp trong quản lý đầu tư công, khắc phục tình trạng giao vốn đầu tư chậm; tập trung bố trí đủ vốn cho các dự án được ưu tiên, đảm bảo tiến độ, không để tình trạng kéo dài, đội vốn đầu tư, thất thoát, lãng phí.

- Tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện khung pháp lý, triển khai mở rộng các hình thức đầu tư để huy động vốn từ khu vực tư nhân, vốn đầu tư nước ngoài; sử dụng có hiệu quả nguồn vốn ODA, vốn trái phiếu Chính phủ, các chương trình mục tiêu quốc gia; hoàn thiện khung pháp lý cho việc phát triển thị trường vốn, hoạt động mua bán nợ với sự tham gia của cả khu vực doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Đánh giá toàn diện về thu hút đầu tư nước ngoài để có giải pháp cụ thể về huy động vốn, khuyến khích chuyển giao công nghệ, nâng cao tính cạnh tranh của nền kinh tế, giảm thiểu những tác động tiêu cực đến môi trường và kinh tế - xã hội trong nước.

- Trong năm 2017, ban hành các giải pháp đẩy mạnh phát triển kinh tế tư nhân. Có chính sách đẩy mạnh đầu tư cho vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số, miền núi, hải đảo, vùng chịu nhiều thiệt hại do biến đổi khí hậu, ưu tiên nguồn vốn để hỗ trợ cho người có công với cách mạng, đối tượng bảo trợ xã hội.

- Tăng cường công tác phối hợp giữa bộ, ngành, địa phương, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, xóa bỏ tiêu cực trong việc lập, thẩm định, phê duyệt, phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công; kiên quyết xử lý, cắt giảm vốn đầu tư, đình, hoãn đối với dự án, công trình chậm tiến độ, kém hiệu quả.

- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong đầu tư công, đề cao vai trò tham gia giám sát của cộng đồng dân cư trong các vùng ảnh hưởng của dự án; làm rõ trách nhiệm, xử lý nghiêm minh đối với cơ quan, đơn vị, cá nhân vi phạm các quy định của pháp luật, gây lãng phí, thất thoát trong đầu tư công.

- Khẩn trương hoàn thiện hồ sơ trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án quan trọng quốc gia theo quy định của pháp luật.

Điều 2. Trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân

1. Quốc hội giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội xem xét những vấn đề quan trọng, được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm và cử tri kiến nghị để tổ chức chất vấn và trả lời chất vấn tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tổ chức hoạt động giải trình tại Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội.

2. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước, các cơ quan, tổ chức hữu quan, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm thực hiện Nghị quyết.

3. Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm giám sát việc thực hiện Nghị quyết.

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>