Nghị quyết Về đẩy mạnh việc thực hiện chính sách pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2016-2020

25/08/2017 | 07:52 GMT+7

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1.

Tán thành với nội dung Báo cáo kết quả giám sát của Đoàn giám sát về “Việc thực hiện chính sách pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011-2016”. Trong thời gian qua, hệ thống văn bản pháp luật về an toàn thực phẩm được ban hành tương đối đầy đủ, toàn diện; công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, các bộ, ngành, UBND các cấp đã được tăng cường; hệ thống tổ chức quản lý, điều kiện làm việc của các cơ quan quản lý về an toàn thực phẩm từng bước được kiện toàn và tăng cường từ Trung ương đến địa phương; quản lý sản xuất, kinh doanh thực phẩm có chuyển biến tích cực so với giai đoạn trước, hình thành một số vùng sản xuất, kinh doanh rau, quả tươi sống, chăn nuôi an toàn, giết mổ tập trung bảo đảm an toàn thực phẩm; số lượng cơ sở đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn tăng đáng kể. Một số doanh nghiệp lớn đã đầu tư vào sản xuất, kinh doanh thực phẩm với công nghệ cao theo chuỗi khép kín; việc kiểm soát các nguy cơ mất an toàn thực phẩm có tiến bộ; xuất khẩu nông sản, thực phẩm đã tăng nhanh về kim ngạch và có mặt ở nhiều thị trường uy tín trên thế giới. Công tác thông tin, truyền thông, giáo dục phổ biến pháp luật về an toàn thực phẩm được đẩy mạnh; việc kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm được triển khai tương đối đồng bộ, quyết liệt và nghiêm minh hơn.

Chọn thịt heo trước khi mua của người dân ở chợ Phường IV, thành phố Vị Thanh. Ảnh: T.THỨC

Tuy nhiên, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về an toàn thực phẩm chưa được hệ thống hóa, một số quy định còn chưa rõ ràng, còn thiếu cụ thể về phân công trách nhiệm giữa các bộ, ngành và địa phương; tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật còn thiếu. Công tác chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện và cơ chế phối hợp của các cấp, các ngành chưa theo kịp tình hình thực tế, hiệu quả hoạt động của hệ thống cơ quan quản lý nhà nước chưa cao; đầu tư nguồn lực, điều kiện làm việc chưa đáp ứng yêu cầu; chưa kiểm soát được theo chuỗi cung cấp thực phẩm. Việc phân tích, đánh giá nguy cơ ô nhiễm thực phẩm, quản lý sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ, thủ công, thực phẩm tươi sống vẫn là khâu yếu, chưa có biện pháp quản lý hữu hiệu.

Tại một số địa phương, tình trạng vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm còn khá phổ biến; sử dụng chất cấm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm vẫn diễn ra ở nhiều nơi; một lượng lớn thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không bảo đảm an toàn vẫn lưu thông trên thị trường; thực phẩm nhập lậu vẫn diễn ra; điều kiện chăn nuôi, hạ tầng chợ, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, cơ sở giết mổ còn nhiều yếu kém; sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ không kiểm soát được an toàn vẫn còn chiếm tỷ trọng lớn; công nghệ chế biến lạc hậu. Việc truy xuất nguồn gốc thực phẩm còn nhiều khó khăn; thu hồi, xử lý thực phẩm không an toàn thực hiện chưa nghiêm; tình hình ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm diễn ra khá nghiêm trọng; yếu tố môi trường tự nhiên, môi trường sản xuất, kinh doanh thực phẩm chưa được quan tâm đúng mức. Việc quy hoạch vùng sản xuất thực phẩm an toàn chưa gắn với thị trường tiêu thụ, xây dựng thương hiệu, xuất xứ của sản phẩm. Việc thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại về an toàn thực phẩm còn thụ động, xử lý vi phạm chưa kiên quyết, còn có biểu hiện nể nang, né tránh; chế tài xử lý các hành vi vi phạm pháp luật chưa bảo đảm tính răn đe. Công tác vận động, tuyên truyền, giáo dục về an toàn thực phẩm còn hạn chế. Hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng còn chưa được chú trọng đúng mức.

Nguyên nhân các hạn chế, yếu kém do yếu tố chủ quan là chủ yếu, trước hết là do sự buông lỏng quản lý của chính quyền các cấp, sự nhận thức yếu kém và cố tình vi phạm của một số tổ chức, cá nhân sản xuất và kinh doanh nông sản, thực phẩm. Trách nhiệm chính thuộc các cơ quan quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, nhất là ở cấp chính quyền địa phương, các doanh nghiệp, người sản xuất, chế biến, kinh doanh nông sản, thực phẩm có vi phạm và một phần trách nhiệm thuộc về người tiêu dùng.

(Còn tiếp)

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>