Nghĩa tình và trách nhiệm với người có công

28/04/2020 | 06:56 GMT+7

Những năm mới thành lập tỉnh, dẫu điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, nhưng với lòng tri ân sâu sắc, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân trong tỉnh luôn dành những tình cảm tốt đẹp và thực hiện tốt công tác “Đền ơn đáp nghĩa”. Hành trình tri ân ấy sẽ được tiếp tục với những hành động cụ thể, những việc làm thiết thực... Nhân Kỷ niệm 45 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, xin nhắc lại hành trình đầy tính nhân văn này.

Công tác chăm lo gia đình chính sách, người có công với cách mạng luôn được quan tâm thực hiện từ tỉnh đến cơ sở.

Đời sống người có công được nâng lên

Vừa cho cá điêu hồng ăn xong, ông Lê Văn Ngởi, thương binh 4/4, ở ấp Xẻo Trâm, xã Hòa An, huyện Phụng Hiệp, cho biết: “Tui đang nuôi 10kg cá điêu hồng, đến nay cũng được trên nửa ký/con. Hy vọng đợt nuôi này mang lại thu nhập cao cho gia đình”.

Năm 1983, ông Ngởi tham gia nghĩa vụ quốc tế ở chiến trường Campuchia. Trong thời gian đó, ông đã bị thương. Đến năm 1986, ông về nước. Trở về cuộc sống đời thường, ông tiếp tục chiến đấu với đói nghèo, để xây dựng cuộc sống mới. Dẫu có nhiều nỗ lực nhưng kinh tế gia đình vẫn không được cải thiện, cứ mãi thiếu trước hụt sau.

Chia sẻ trước khó khăn của gia đình cũng như thực hiện đầy đủ các chế độ ưu đãi với gia đình chính sách, người có công với cách mạng, địa phương đã hỗ trợ ông căn nhà tình nghĩa, đồng thời tạo điều kiện để gia đình vay vốn phát triển kinh tế. “Tôi rất biết ơn Đảng, Nhà nước đã quan tâm hỗ trợ, để gia đình chính sách chúng tôi có điều kiện vươn lên. Dẫu cuộc sống phía trước vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng với bản lĩnh của người lính, chúng tôi sẽ tiếp tục phấn đấu, để đời sống kinh tế càng ổn định hơn”, ông Ngởi bày tỏ.

Xác định công tác chăm lo đời sống gia đình chính sách, người có công với cách mạng không chỉ là nghĩa vụ của cả hệ thống chính trị mà còn là nghĩa cử cao đẹo của thế hệ hôm nay đối với những người đã hy sinh hoặc để lại một phần cơ thể nơi chiến trường vì độc lập dân tộc.

Nếu như năm 2016, toàn tỉnh có 514 người có công thuộc diện hộ nghèo, thì đến cuối năm 2019 giảm còn 97 hộ. Để thực hiện đạt kết quả đó là sự nỗ lực của các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở trong việc chăm lo, giúp đỡ người có công với cách mạng. Sau 16 năm thành lập, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, nhưng cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh vẫn luôn quan tâm, chăm lo đặc biệt đến đời sống cho các gia đình thương binh, thân nhân liệt sĩ và người có công với cách mạng. Ông Huỳnh Minh Chắc, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang, từng chia sẻ, thời điểm mới thành lập tỉnh, Hậu Giang gặp muôn vàn khó khăn, thế nhưng địa phương luôn xác định nhiệm vụ trước mắt là phải chăm lo đời sống gia đình chính sách. Và Hậu Giang luôn xem đó là đạo lý, là trách nhiệm đối với những người đã có nhiều đóng góp cho ngày toàn thắng của quê hương, đất nước.

Chính sự quan tâm kịp thời là niềm động viên, chỗ dựa tinh thần vững chắc giúp người có công và thân nhân của họ có thêm niềm tin vào cuộc sống. Cũng từ đó, nhiều gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh đã nêu cao ý chí tự lực, tự cường khắc phục khó khăn, phát triển kinh tế gia đình.

Tri ân là mãi mãi

Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, Hậu Giang đã tiễn đưa hàng ngàn người tham gia cách mạng, trong số đó, có những cha, những anh, những bà, những chị đã mãi nằm lại nơi đất mẹ, những người may mắn trở về, phần lớn đã và đang nỗ lực vươn lên xóa đói giảm nghèo, xây dựng cuộc sống mới, nhưng cũng còn rất nhiều người vì trực tiếp chiến đấu, phục vụ chiến đấu đang mang thương tật suốt đời, chịu sự tổn hại sức khỏe nặng nề do ảnh hưởng bom đạn, hay chất độc da cam…

Toàn tỉnh hiện quản lý trên 35.000 đối tượng chính sách. Trong đó, có trên 12.500 liệt sĩ, 2.006 Bà mẹ Việt Nam anh hùng... Những con số trên đã cho thấy sự tàn khốc của chiến tranh. Thấu hiểu những mất mát, hy sinh ấy, tỉnh nhà đã huy động mọi nguồn lực để làm tốt công tác đền ơn, đáp nghĩa, góp phần xoa dịu nỗi đau, bù đắp phần nào những mất mát, hy sinh của những gia đình có công với đất nước… Ông Phan Thạch Em, Bí thư Huyện ủy Châu Thành A, cho biết: “Để đền đáp công lao của người có công, những năm qua, địa phương đã chủ động triển khai, thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách của Đảng và Nhà nước với người có công với cách mạng. Hầu hết người có công và thân nhân của họ đều được hưởng chế độ ưu đãi về chăm sóc sức khỏe, cải thiện nhà ở, ưu đãi giáo dục, đào tạo, dạy nghề, tạo việc làm. Điều đáng phấn khởi hiện nay là huyện không còn gia đình chính sách thuộc diện hộ nghèo”.

Từ năm 2016-2020, đã xây dựng mới và sửa chữa trên 6.000 căn nhà tình nghĩa cho gia đình chính sách, người có công với cách mạng. Vào dịp lễ, tết, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ Việt Nam tỉnh và các địa phương đều tổ chức các đoàn chúc tết, họp mặt, thăm viếng và tặng hàng trăm nghìn phần quà cho các mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, gia đình chính sách, người có công với cách mạng, thương binh, bệnh binh… Mẹ Việt Nam anh hùng Lê Thị Ba, ở xã Long Trị A, thị xã Long Mỹ, cho biết: “Ngày xưa chồng, con lên đường đánh giặc, chỉ mong đất nước mau giải phóng nào ngờ họ đã mãi mãi ra đi. Dẫu mất mát, nhưng mẹ rất tự hào vì có những người thân biết hy sinh cho cách mạng. Thời gian qua, Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương rất quan tâm, chăm lo cho gia đình mẹ, mẹ cảm thấy rất vui”.

Phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, hàng năm tỉnh đều tổ chức các hoạt động thiết thực để khơi dậy tinh thần và trách nhiệm của toàn xã hội trong việc chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho gia đình chính sách, người có công với cách mạng. Ông Lê Tiến Châu, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, từng chia sẻ, thời gian qua, công tác chăm lo người có công với cách mạng luôn được các cấp ủy, chính quyền quan tâm thông qua những việc làm thiết thực và đầy ý nghĩa, góp phần chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng một cách khá toàn diện.

Thấm nhuần sâu sắc đạo lý và truyền thống tốt đẹp của dân tộc, những năm qua, cùng với cả nước, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Hậu Giang luôn trân trọng ghi nhớ công ơn và thực hiện nhiều phần việc để tỏ lòng tri ân đối với những người có công với nước. Những việc làm cụ thể để tri ân những anh hùng, liệt sĩ, các mẹ Việt Nam anh hùng, anh hùng lực lượng vũ trang... không chỉ thực hiện một ngày, một đợt mà đó chính là trách nhiệm của thế hệ hôm nay và cả mai sau, hành trình tri ân là mãi mãi…

Phải tạo điều kiện để người có công và gia đình có mức sống ngang bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của dân cư

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Tiến Châu đã nhấn mạnh, công tác chăm lo gia đình chính sách, người có công với cách mạng thời gian qua bù đắp một phần nhỏ so với sự mất mát, hy sinh to lớn của các thế hệ đi trước. Ông đề nghị, các cấp, các ngành, đoàn thể và địa phương tiếp tục tổ chức thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách cho người có công với cách mạng, đặc biệt quan tâm đến công tác giáo dục đào tạo, dạy nghề, tạo việc làm cho những người có công, thân nhân người có công. Giúp đỡ thiết thực và có hiệu quả cho gia đình chính sách về vật chất, tinh thần, trước hết là đối với những người, những gia đình còn gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống để thực hiện bằng được mục tiêu các gia đình người có công với cách mạng đều có mức sống ngang bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của dân cư…

 

Từ năm 2016 đến nay, đã cấp trên 115.500 thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) cho người có công và thân nhân của người có công, đạt tỷ lệ 100%, tổng kinh phí trên 30 tỉ đồng. Việc chăm lo đời sống về vật chất và tinh thần cho người có công còn được các địa phương tập trung thực hiện thông qua việc thực hiện 6 tiêu chuẩn, điều kiện để được xét công nhận xã, phường làm tốt công tác người có công ở các địa phương hàng năm. Kết quả, đến năm 2019 có 100% xã, phường được công nhận làm tốt công tác người có công.

 

Bài, ảnh: BÍCH CHÂU

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>