Nhiều biện pháp tích cực triển khai Chỉ thị 43

12/06/2017 | 10:32 GMT+7

Việc giải quyết chế độ cho người tham gia hoạt động kháng chiến bị phơi nhiễm chất độc da cam/dioxin và con đẻ của họ được triển khai sâu rộng trong địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, quá trình thực hiện vẫn còn nhiều vướng mắc, gây lúng túng cho địa phương. Về vấn đề này, phóng viên Báo Hậu Giang có cuộc trao đổi với thượng tướng Nguyễn Văn Rinh (ảnh), Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam.

Ông đánh giá như thế nào về việc thực hiện Chỉ thị số 43-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với việc giải quyết hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam (Chỉ thị 43) ở Hậu Giang ?

- Chúng tôi đánh giá rất cao sự quan tâm của Tỉnh ủy, UBND, các sở, ban, ngành của tỉnh Hậu Giang có nhiều biện pháp tích cực triển khai Chỉ thị 43 của Ban Bí thư Trung ương Đảng. Chỉ thị này đã được triển khai đến cấp cơ sở, các tổ chức chính trị - xã hội, đảng viên. Sau 2 năm thực hiện có những chuyển biến nhất định, nhận thức của người dân được nâng lên. Các hội nạn nhân chất độc da cam các cấp hoạt động hiệu quả hơn. Từ đó, giúp nhiều nạn nhân bị phơi nhiễm chất độc da cam tiếp cận các điều kiện chăm sóc sức khỏe, nhà ở,… góp phần cải thiện cuộc sống.

Ở Hậu Giang và các tỉnh, thành phố khác, việc xác định đối tượng người tham gia hoạt động kháng chiến bị phơi nhiễm chất độc da cam/dioxin còn gặp khó khăn gì, thưa ông ?

- Khó khăn nhất là người tham gia hoạt động kháng chiến bị phơi nhiễm chất độc da cam/dioxin không chứng minh được mình tham gia kháng chiến. Thực tế này ít nhiều gây bức xúc trong người dân. Nguyên nhân là do giấy tờ, hồ sơ thất lạc, khó khăn trong khâu chứng nhận hoặc một số bất cập trong quy định về điều kiện, các loại bệnh nằm trong danh mục với thực tế bệnh nhân chịu di chứng. Ngoài ra, con đẻ của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc da cam bị dị dạng, dị tật bẩm sinh chưa đủ cơ sở để xác lập hồ sơ do thiếu giấy tờ liên quan.

Hậu Giang cần lưu ý gì trong thực hiện xác định đối tượng người tham gia hoạt động kháng chiến bị phơi nhiễm chất độc da cam/dioxin, thưa ông ?

- Tôi thấy, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cần năng động, chủ động, sát dân hơn nữa, để kịp thời phát hiện những người từng có công đóng góp cho cách mạng mà hiện nay bị phơi nhiễm chất độc da cam/dioxin, để hướng dẫn họ làm các thủ tục, nhằm được hưởng đầy đủ các chính sách của Đảng, Nhà nước. Ngoài ra, với những người mất hết giấy tờ, địa phương có thể tổ chức hội nghị hoặc hội đồng ở cấp cơ sở, trong đó mời những người lớn tuổi, để họ xem xét, đánh giá có đúng những người này ngày xưa đã tham gia kháng chiến. Trên cơ sở đó, đề xuất Chính phủ xem xét.

Toàn tỉnh hiện có trên 35.000 người có công với cách mạng đang hưởng chế độ ưu đãi. Trong đó, có 2.911 người bị phơi nhiễm chất độc da cam/dioxin. Từ năm 2013-2016, các cấp hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin trên địa bàn tỉnh đã vận động hơn 35 tỉ đồng. Qua đó, đã hỗ trợ nạn nhân bị ảnh hưởng chất độc da cam/dioxin về nhà ở; khám, cấp thuốc miễn phí; cấp xe lăn, xe lắc; thăm hỏi tặng quà...

 

Xin cảm ơn ông !

BÍCH CHÂU thực hiện

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>