Nhớ xuân giải phóng

13/02/2018 | 09:11 GMT+7

Vậy là hơn 40 cái tết đã qua từ ngày giải phóng. Với nhiều người từng sống, chiến đấu và chứng kiến thời khắc hòa bình làm sao quên được niềm vui tết giải phóng vào năm 1976 - Tết Nguyên đán Bính Thìn.

Ông Tám Lộ vẫn nhớ nhiều những niềm vui của cái tết sau ngày đất nước thống nhất.

Nhớ mùa xuân độc lập

Nằm trên cái võng bên hiên nhà, vừa đu đưa, ông Tám Lộ (Nguyễn Văn Tám, nguyên Phó ban Nông dân tỉnh Cần Thơ, ở khu vực 7, phường IV, thành phố Vị Thanh) vừa hát:

“Đất nước ta bốn mùa là xuân hoa nở

Quyết lòng dựng xây nước nhà

Toàn dân ta hát một bài ca”…

Nghe ông Tám Lộ hát, bà Tám, vợ ông cười nói: “Hồi đó khổ muốn chết mà nhớ hoài”.

Ký ức như hiện về sau khi nghe bà Tám nói “khổ muốn chết”, ông nhìn xuống đôi tay chai sần theo năm tháng của mình, rồi khẽ khàng cất tiếng: “Đó là những điều tôi nhớ mãi đó bà. Xưa kia, những năm ăn tết ở chiến khu, ở rừng rú, lung bàu khổ vậy nhưng thắm tình đồng đội, mà vui nhất phải nói đến cái tết năm 1976, khi giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước mới hơn nửa năm”.

Ở tuổi gần 80, nhiều chuyện đã quên, nhưng mùa xuân giải phóng đầu tiên thì ông Tám Lộ không sao quên được. Ngày giải phóng, vợ chồng ông dắt díu nhau về thị xã Vị Thanh ở cùng hai đứa con còn nhỏ. Hai vợ chồng không đất cắm dùi, nhưng nhờ được tôi rèn trong khói lửa, trưởng thành trong những năm đất nước chưa yên, từng đứng giữa lằn ranh của sự sống và cái chết, nên niềm tin vững chãi lắm. Với hai vợ chồng ông, hòa bình là “tài sản chung” quý giá nhất, đất đai, lúa thóc ắt sẽ “tìm đến” khi cuộc sống độc lập, tự do.

Với nhiều cô chú tham gia kháng chiến, mùa xuân đầu tiên sau giải phóng là một mùa xuân đặc biệt, thấm đượm nghĩa đồng bào, tình đồng chí.

Thấy vợ chồng ông khổ quá, bà con lối xóm xúm nhau đỡ đần. Người cho cây, người cho lá dừa nước, mấy chị em phụ nữ lớp chằm lá, chẻ lạt, nấu cơm, các anh thanh niên đẽo cột, bốn, năm ông thợ hì hụi một ngày, căn nhà tranh “đúng chuẩn” hiện ra. Hai vợ chồng ông Tám gọi nhau đó là “căn nhà nghĩa tình”.

Không riêng gì vợ chồng ông Tám Lộ, sau giải phóng, cuộc sống ai cũng khó và trong khốn khó, tình cảm xóm giềng, tình đoàn kết đồng bào thêm thắt chặt, chẳng ai tính toán, chỉ có sự san sẻ với nhau. Một con cá cũng chia cho mấy nhà, gạo bữa nào ít thì vài nhà cùng nấu cháo, để ai cũng có cái ăn. Nghị lực phi thường của người Việt Nam được chứng minh từ những ngày như thế. Vợ ông Tám Lộ chia sẻ, những năm đó người người, nhà nhà cố gắng gầy dựng cuộc sống mới, cuộc sống độc lập, tự do sau nhiều năm chìm trong chiến tranh.

Câu chuyện những năm kháng chiến, về tết giải phóng luôn ấn tượng với những người trẻ.

Ở mỗi gia đình, mùa xuân đầu tiên vui nhất là gia đình có đủ đầy các thành viên, “Nhưng có những gia đình có chồng, có con mãi mãi nằm xuống đất mẹ, không kịp trở về ăn tết hòa bình, hoặc không biết tung tích ở đâu, nên mọi người đã cùng chia sớt mất mát đó, để cái tết đặc biệt của đất nước, của dân tộc thật sự đầm ấm, vui tươi, ngập tràn tình cảm yêu thương, gắn kết”, bà Năm Thu (Huỳnh Như Ngọc), cán bộ phụ nữ của Thị xã ủy Vị Thanh khi đó, nhớ lại.

Còn với cô Năm Trinh (Nguyễn Ngọc Trinh), nguyên Hội trưởng Hội Phụ nữ thị xã Vị Thanh, ký ức về những cái tết sau ngày giải phóng là các đợt thăm thương binh, bệnh binh nằm bệnh viện quân y ở tỉnh Cần Thơ (nay là Bệnh viện 121). Chị em phụ nữ ra sức vận động hội viên, người dân mang những thứ cây nhà lá vườn, nào cá mắm, mít, chuối, bưởi, cam, quýt đủ loại, lùm đùm lên tận tỉnh Cần Thơ để thăm hỏi, động viên đồng chí, đồng đội của mình an tâm dưỡng bệnh. Đó là những cái tết ấm lòng, nặng tình, nặng nghĩa.

Tết đượm nghĩa đồng bào, thắm tình đồng chí

Trong những ngày tháng giữ từng tấc đất quê hương, những năm vui tết dưới bom rơi đạn lạc, cán bộ, chiến sĩ nào cũng mong có cái tết độc lập đến thật sớm, mong chiến tranh qua đi thật mau. Trong cuốn hồi ký Long Mỹ quê tôi, chiến sĩ Lê Văn Kỉnh từng làm một bài thơ, thể hiện niềm ước mơ về một mùa xuân thống nhất:

“Một mùa xuân rực rỡ ngày mai,

Xuân độc lập, tự do, thống nhất,

Hoa xuân nở trên khắp miền đất nước

Xuân ấm no hạnh phúc hòa bình”.

Rồi ước muốn đó cũng thành hiện thực trong niềm hân hoan vô bờ bến. Nhiều cán bộ lão thành chia sẻ, ngày giải phóng đến Tết Nguyên đán năm 1976, người dân Vị Thanh và toàn tỉnh Cần Thơ như được ăn 2 cái tết: Tết hòa bình khi đất nước thống nhất, miền Nam giải phóng và Tết Nguyên đán Bính Thìn 1976 - là Tết dân tộc. Tết độc lập và Tết dân tộc như hòa quyện với nhau, người người vui hân hoan trong ngày vui đại thắng, trong xuân hòa bình.

Ông Lê Hồng Bông (bìa trái), nguyên Bí thư Thị xã ủy Vị Thanh, trong một lần họp mặt Kỷ niệm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Ngay sau ngày đất nước thống nhất, tại thị xã Vị Thanh, cũng như toàn tỉnh Cần Thơ bắt tay ngay vào việc xây dựng chính quyền cách mạng, giúp nhân dân ổn định cuộc sống, khắc phục hậu quả chiến tranh, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Nhiều gia đình ly tán, thất lạc, chia ly trong chiến tranh về đoàn tụ, bởi vậy ngày giải phóng mọi người coi như ngày tết đặc biệt. Trong cả giai đoạn đó, người dân tỉnh Cần Thơ luôn nêu cao truyền thống đấu tranh cách mạng kiên cường, phát huy tinh thần tự lực, tự cường, sức mạnh toàn dân.

Thị xã Vị Thanh những năm kháng chiến được Mỹ ngụy xây dựng làm căn cứ trung tâm hành quân của tỉnh Chương Thiện, làm bàn đạp đánh phá căn cứ địa cách mạng U Minh. Đây là nơi đóng căn cứ tiền phương Sư đoàn 21 và Trung đoàn 31 ngụy, là căn cứ quân sự tiếp giáp với Cần Thơ, nơi có Bộ Tư lệnh Vùng IV chiến thuật của ngụy.

Sau ngày giải phóng, với mục tiêu sớm ổn định sản xuất và đời sống Nhân dân, trước Tết Nguyên đán, Thị xã ủy Vị Thanh đã vận động nhân dân quyên góp với tinh thần “nhường cơm sẻ áo”, huy động được hơn 14.200kg gạo, gần 569.000 đồng để giải quyết cứu trợ cho 2.466 gia đình nghèo đói. Những cái tết sau giải phóng, còn có chiến dịch diệt dốt lấy tên “Mùa xuân diệt dốt lập công dâng Đảng”. Sau ngày giải phóng, cả thị xã Vị Thanh có hơn 1.500 người mù chữ, phần lớn là người dân lao động. Ông Lê Hồng Bông (Ba Tình), nguyên Bí thư Thị xã ủy Vị Thanh, nhớ lại 6 tháng cuối năm 1975, Nghị quyết Thị xã ủy đã xác định là tập trung sức của Đảng bộ, quân dân tích cực phát động quần chúng ở thị xã cả nội ô và ven, xây dựng chính quyền cách mạng tận phường, khóm, ấp thật vững mạnh, thực hiện quyền làm chủ thật sự của Nhân dân để có đầy đủ sức mạnh và hoàn thành căn bản, triệt để các yêu cầu tiếp tục truy quét, cải tạo tàn binh, trấn áp bọn phản động, củng cố an ninh trật tự, khôi phục kinh tế - văn hóa, thiết thực ổn định đời sống Nhân dân, đưa số quần chúng không có công ăn việc làm về nông thôn… Niềm vui giải phóng thật sự đã biến thành hành động để cả hệ thống chính trị, cùng người người, nhà nhà cùng quyết tâm xây dựng cuộc sống mới đàng hoàng hơn, tốt đẹp hơn.

Với bà Năm Thu (áo trắng), cái tết giải phóng đầu tiên luôn mang nhiều kỷ niệm.

Bính Thìn 1976 cái tết đặc biệt, khi một sinh khí mới bừng dậy khắp nơi, từ đô thị cho đến những vùng nông thôn sâu, đồng bào ai cũng hồ hởi, phấn khởi vì được sống trong hòa bình, không còn cảnh chết chóc, đau thương bởi chiến tranh. Đó là cái tết vui nhất của những người từng sống qua thời chiến tranh, khói lửa. Ai ai gặp nhau cũng mừng mừng, tủi tủi: “Sau ba mươi năm nay mới gặp nhau, vui sao nước mắt lại trào…”.

Những ngày xuân đó, vẫn còn nhiều gia đình đau đáu tìm nhau, bặt tin nhau, nhiều liệt sĩ hy sinh chưa tìm thấy hài cốt, nhưng niềm vui nào bằng niềm vui độc lập của dân tộc, nên mọi người gác lại sự riêng tư!

HOÀNG NGUYÊN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>