Những anh lính làm báo

20/06/2017 | 08:28 GMT+7

Cùng làm nghề báo, nhưng những người lính làm báo có những đặc thù và cái chất rất riêng.

Vừa là nhiệm vụ, vừa là đam mê

Thượng úy Trần Thế Phong, công tác tại Đội tuyên truyền, Phòng Công tác chính trị, Công an tỉnh, luôn có mặt ở nơi nào xảy ra án, những nơi có tội phạm. Anh Thế Phong nói vui: “Điện thoại phải để 24/24 giờ, nhiều khi đang đi chơi cùng với gia đình, hay đang đi học, được nghỉ phép… nhưng khi có lệnh là tôi sách ba lô đi ngay để kịp phối hợp cùng đồng chí của mình. Đây là nhiệm vụ nhưng cũng vừa là niềm đam mê của tôi”. Những thông tin mới, những bức ảnh chụp ngay tại hiện trường, những góc quay rất thật được ghi lại sẽ là tài liệu, thông tin hữu ích cho đồng nghiệp phá án. Đó cũng là thông tin nóng, thời sự được gửi đến bạn đọc qua những phóng sự, đoạn tin. Từ những vụ án, cướp của, giết người… có khi là lời cảnh báo để người dân cảnh giác hơn với thủ đoạn tinh vi của tội phạm, cũng có khi là những câu chuyện, mô hình, gương người tốt - việc tốt.

Thượng úy Trần Thế Phong (phía trước) và thiếu úy Châu Hoài Xuyên của Đội tuyên truyền, Phòng Công tác chính trị, Công an tỉnh, cùng trao đổi nghiệp vụ báo chí.

Anh Phong tốt nghiệp đại học kỹ thuật môi trường, Trường Đại học Cần Thơ. Trước khi làm việc tại đây anh từng là phóng viên, biên tập viên Phòng Thời sự của VTV Cần Thơ (nay là VTV9). Vì nhiều lý do, anh xin về làm tại Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường, Công an tỉnh năm 2009, đến năm 2011, anh được lệnh điều động về công tác tại Đội tuyên truyền, Phòng Công tác chính trị. Nhận nhiệm vụ mới nhưng thật ra chính là một cơ hội để anh theo đuổi tiếp niềm đam mê làm “nhà báo” của mình. Anh Phong kể: “Kỷ niệm mà tôi nhớ nhất khi về công tác tại đây là một lần cùng đồng nghiệp đi quay lò mổ bơm nước trâu, phải “nằm vùng” để theo dõi cơ sở vi phạm cũng gần cả tuần. Lúc đó cũng nguy hiểm lắm, khi tôi đang leo lên vách tường, thấy động nhìn xuống, 2 đồng chí hỗ trợ phía dưới đâu mất tiêu. Lúc đó, mới vào ngành mà nên tôi cũng thấy hoảng, nhảy ngay xuống, núp vào bụi cây để không bị đối tượng phát hiện. Khi đó, không may cho mình là có người chạy xe tới lò mổ, đi tìm nơi vệ sinh, mà chọn ngay bụi rậm mà tôi đang núp nữa. Sợ bị phát hiện sẽ nguy hiểm đến tính mạng, tôi đâu dám đi ra, nằm im trong đó đến khi người ta đi khỏi. 1 tuần nằm núp dưới sình, đất để nắm rõ thời gian, địa điểm, đối tượng bơm nước vào trâu, chúng tôi ập vào bắt. Chạy băng băng trên thành ghe bé xíu, tay cầm máy ảnh ấy vậy mà không bị té. Từ những vụ việc đó, luôn là sự động viên, động lực để tôi gắn bó với ngành cho tới ngày nay”…

Như những nhà báo thực thụ

Cùng chung sự máu lửa, niềm đam mê như anh Thế Phong, đại úy Nguyễn Trung Nghĩa, Ban Tuyên huấn, Phòng Chính trị, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh cũng có những kỷ niệm vui đáng nhớ. Đại úy Nguyễn Trung Nghĩa, chia sẻ: “Cách nay khoảng 3, 4 năm, khi đi công tác ở huyện Long Mỹ để chuẩn bị viết bài “Vững vàng thế trận lòng dân”, cũng gặp khó trong việc gặp nhân vật, lãnh đạo địa phương. Để có thể lấy được thông tin tôi phải gọi điện về xin giấy giới thiệu. Quả thật lúc đó, mình cũng không nghĩ là sẽ gặp rắc rối khi lấy thông tin từ cấp xã như vậy. Cũng may, 10 ngày chạy đi chạy về giữa Vị Thanh và Long Mỹ tôi cũng đã hoàn thành bài viết gần 5 trang A4, niềm vui hơn là khi gửi đăng hết cả trang báo, mà còn nhận được lời nhận xét bài viết hay, không phải sửa một chữ nào”… Nhìn vào chiếc ba lô của anh với ít nhất 2 cái máy ảnh, ống kính đủ cỡ mới thấy anh mê và yêu thích nghề này thế nào. Anh Nghĩa nói: “Mình cũng tự trang bị cho mình một số máy ảnh, vừa để tự nâng cao tay nghề, vừa là phục vụ nhiệm vụ chính trị được tốt hơn”.

Được theo trực tiếp các đơn vị phá án, được là người chứng kiến hiện trường đầu tiên, là sự may mắn của những người lính làm báo, nhưng cũng có những nguy hiểm cận kề. Thiếu úy Châu Hoài Xuyên, cán bộ Đội tuyên truyền, Phòng Công tác chính trị, Công an tỉnh, chia sẻ: “Đi quay những vụ án đánh nhau, giết người, hay tai nạn giao thông, có những cảnh cận bắt buộc mình phải tiếp xúc gần với nhân vật, hiện trường bê bết máu, chân mang giày nhưng thật tâm mỗi người chúng tôi đều lo sợ mức độ nguy hiểm của máu”. Anh Xuyên chia sẻ: “Có một lần vào quay xong 1 vụ giết người yêu. Bác sĩ pháp y thấy phổi nạn nhân hơi lạ, hỏi người yêu cô ta thì mới biết, cô đã bị nhiễm HIV. Khi đó, cả đội về ngồi bên mâm cơm mà nuốt không trôi”.

Các cán bộ Đội tuyên truyền, Phòng Công tác chính trị làm nhiệm vụ cũng như những nhà báo thực thụ, cũng quay phim, chụp ảnh, viết tin, bài thời sự, khai thác nhiều góc cạnh của cuộc sống như tuyên truyền lộ giao thông nông thôn, gương người tốt việc tốt, mô hình hiệu quả… Tuy nhiên, họ khác ở chỗ là thực hiện cùng lúc 2 nhiệm vụ là: quay phim, chụp ảnh, viết tin bài để tuyên truyền và nhiệm vụ thứ 2 là phục vụ cho công tác điều tra. Thế nên, một nguyên tắc bất di, bất dịch của các phóng viên trong ngành này là thông tin trước tiên phải được sự đồng ý của lãnh đạo đơn vị. Làm việc theo nguyên tắc, khuôn khổ, điều lệ.

Niềm vui của những người làm báo đó không phải là bài mình đăng ở đâu, vị trí nào mà chính là sự phản hồi từ độc giả, dù được khen hay chê cũng là động lực để các anh gắn bó với công việc của mình.

Bài, ảnh: CAO OANH

 

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>