Những tháng ngày không quên…

11/05/2021 | 08:58 GMT+7

Chịu biết bao roi đòn tra tấn dã man như thời trung cổ của kẻ thù, song những chiến sĩ cách mạng vẫn một lòng kiên trung với Đảng, Bác Hồ. Cống hiến tuổi thanh xuân cho Tổ quốc, cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc là niềm tự hào và là những hồi ức không thể nào quên của những nhân vật đã làm nên một phần của lịch sử...

Thẻ căn cước từ ngày xưa tên Nguyễn Thị Út được bà Thu giữ đến bây giờ.

Ký ức tự hào

16 tuổi, bà Cao Thị Thu, hiện ở xã Phương Bình, huyện Phụng Hiệp, trốn gia đình đi theo cách mạng. Bà được tổ chức phân công nhiệm vụ giao liên - giao thư, tài liệu cho cán bộ, chiến sĩ cách mạng...

Ở tuổi gần 70, mái đầu đã bạc, nhưng kỷ niệm về một thời chiến tranh khói lửa vẫn in đậm trong tâm trí của bà. Bà kể, sinh ra trong gia đình có truyền thống cách mạng, cha của bà tham gia Địa phương quân của huyện Phụng Hiệp. Tháng giêng năm 1969, trong lần đi công tác ông bị quân địch phát hiện, bắn hy sinh. Trước sự ra đi của cha, nợ nước thù nhà, bà quyết tâm lên đường đánh đuổi quân thù xâm lược, vì thế, khi mới 16 tuổi, cái tuổi trăng tròn của người thiếu nữ, bà đã nối gót theo cha làm cách mạng. Được sự dẫn dắt của các cô, chú đi trước, bà được đưa vào cơ quan Tỉnh ủy, đảm nhận nhiệm vụ giao liên - công việc đầy nguy hiểm và khó khăn.

Bà Bảy luôn tự hào khi đã cống hiến cho cách mạng.

Thực hiện nhiệm vụ bà được tổ chức làm giấy tờ với tên gọi Nguyễn Thị Út. Nhiệt huyết của tuổi trẻ luôn được thể hiện trong những hành động gan dạ và mưu trí của bà, nhờ ứng xử linh hoạt nên đã nhiều lần bà qua mặt kẻ thù, chuyển tài liệu cho cán bộ chiến sĩ cách mạng thành công. Năm 1972, trong lần thực hiện nhiệm vụ đem tài liệu từ Cà Mau về để chuẩn bị đánh giải phóng đại bộ phận nông thôn, thì bị quân địch phát hiện. “Lúc đó, tài liệu được để phía dưới của 2 thùng, phía trên tôi đổ xăng, dầu. Vì vậy, dù bị địch bắt nhưng tài liệu vẫn không bị lộ”, bà Thu nhớ lại.

Quân địch bắt giam bà ở Ngan Dừa, đưa về Long Mỹ rồi chuyển bà về Vị Thanh. Những ngày tháng bị giam cầm, bà Thu chịu biết bao đòn roi tra tấn dã man của kẻ thù. Nào là chúng đánh, ghim điện, cho bà uống nước mắm, uống xà phòng… và nhiều hình thức độc ác khác hòng khai thác những bí mật của bộ đội ta. “Kể làm sao hết những đau đớn mà những người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày chúng tôi phải chịu. Tôi nhớ, hôm bọn chúng đưa chúng tôi về Vị Thanh, tôi với một chị nữa bị đánh đi không nổi. Còn ở trong tù, quân địch cạy răng chúng tôi đến chảy máu để đổ nước mắm, xà phòng vào. Có hôm chúng dùng đinh đóng vào ngón tay, đau đớn đến ngất xỉu. Dù vậy, chúng tôi vẫn kiên quyết, cắn răng chịu đựng, quyết không khai nửa lời”, bà Thu chia sẻ.

Sau thời gian giam giữ, quân địch không khai thác được gì ở bà lại không có chứng cứ buộc tội nên chúng đành trả tự do cho bà. Khi ra tù, bà được đơn vị đưa đi chữa trị, khi sức khỏe ổn định, bà tiếp tục hoạt động cách mạng cho đến ngày giải phóng, thống nhất đất nước!...

Đòn roi không lung lạc được ý chí cách mạng

Đó là chia sẻ của bà Hồ Thị Bảy, ở xã Hòa An, huyện Phụng Hiệp khi được hỏi về những năm tháng hào hùng của tuổi trẻ mà bà đã cống hiến cho cách mạng. Năm nay, bà Bảy đã 72 tuổi, nhưng những ký ức về những ngày bị tra tấn trong ngục tù luôn hằn sâu trong tâm trí của bà. Nhấp ly trà nóng, nhìn vào Kỷ niệm chương Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày do Thủ tướng Chính phủ trao tặng, bà Bảy bảo rằng, năm 1968 khi 18 tuổi, bà tham gia cách mạng, nhiệm vụ của bà vận động, giải thích chính sách của cách mạng, khơi dậy tinh thần dân tộc. Đồng thời, truyền tin cho bộ đội. Năm 1969, trong lần đặt chất nổ để giết hai tên ác ôn chuyên đánh đập bà con ta, bà cùng một người chị em đã bị bắt. Trong 12 tháng tù đày, bà Bảy chịu biết bao roi đòn tra tấn, giờ đây mỗi lần nhắc lại bà bảo chỉ có tình yêu quê hương đất nước, lòng căm thù giặc sâu sắc mới có thể giúp bà vượt qua. Bà Bảy nhớ lại: “Trong thời gian bị giam giữ, nào là quân địch ghim điện hai bên tai, đánh đến nỗi hai mắt tôi không thấy tròng trắng, cơ thể hầu như không có chỗ nào lành lặn, muốn chết đi sống lại”.

Cơm tù khó nuốt, đòn tù thường xuyên giáng xuống nhưng không làm lung lạc ý chí của người chiến sĩ cách mạng kiên cường. Theo bà Bảy, bọn địch tra khảo những người tù cách mạng rất dã man, chúng bảo rằng “không có đánh cho có, nếu có đánh cho chừa”. Với bà đã xác định một lòng theo Đảng, theo Bác Hồ, vì vậy dù có chết cũng không khai về đơn vị mình.

Sau 12 tháng bị giam giữ, bà được trả tự do. Ra ngoài bà tiếp tục đóng góp công sức cho cách mạng cho đến ngày thống nhất đất nước. Hòa bình lập lại, vì cha mẹ già nên bà Bảy xin nghỉ để về lo cho gia đình. Bà Bảy bộc bạch: “Chiến tranh qua đi, nhìn đất nước ngày càng đổi mới, phát triển chúng tôi thấy vui mừng lắm. Dẫu còn mang trong người thương tích của chiến tranh, nhưng tôi luôn tự hào trước những việc mình đã làm cho cách mạng. Với tôi, đó là những ký ức đẹp, đầy tự hào của một thời tuổi trẻ. Trong cuộc sống hôm nay, tôi luôn răn dạy con cháu phải cố gắng học tập, lao động sản xuất, để trở thành công dân có ích cho xã hội”.

Khi bị địch giam cầm trong nhà tù là thế “ngàn cân treo sợi tóc”, giữa sự sống và cái chết, nhưng với lòng quả cảm, tinh thần “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, các chiến sĩ cách mạng đã đoàn kết, giữ vững ý chí để chống lại âm mưu của kẻ thù. Trở về với cuộc sống đời thường dẫu nhiều người vẫn còn gặp khó khăn trong cuộc sống, những vết thương trong ngục tù luôn hành hạ thể xác những lúc trái gió trở trời, song những người lính năm nào luôn phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, nỗ lực vượt qua khó khăn để xây dựng cuộc sống mới!

Toàn tỉnh có trên 35.000 gia đình chính sách, người có công với cách mạng. Trong đó, có 2.021 bà mẹ Việt Nam anh hùng, trên 5.700 thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, trên 12.000 gia đình liệt sĩ, trên 1.100 người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày...

 

Bài, ảnh: BÍCH CHÂU

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>