Nỗ lực giảm nghèo trong đồng bào dân tộc

18/09/2019 | 08:33 GMT+7

Đến cuối năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số còn 8,78%, giảm gần 3% so năm 2014. Đó là kết quả của nhiều biện pháp mà địa phương thực hiện.

Mỗi tháng, gia đình bà Lý Thị Rinh thu về từ 2-3 triệu đồng từ bán dừa tươi và dừa giống.

Theo Phòng Dân tộc huyện Châu Thành A, hiện toàn huyện có gần 1.000 hộ dân tộc thiểu số, trong đó, dân tộc Khmer 745 hộ, Hoa 244 hộ, Chăm 6 hộ…

Nhiều mô hình thoát nghèo

Nhìn mảnh vườn gồm mít Thái, mãng cầu xiêm, dừa của mình trĩu quả, bà Lý Thị Rinh, ở ấp Long An A, thị trấn Cái Tắc, nói: “Nếu thuận lợi, năm tới gia đình tôi sẽ thu về từ 60-70 triệu đồng từ mảnh vườn này, cuộc sống sẽ sung túc hơn. Một phần là nhờ sự quan tâm, hỗ trợ của địa phương”.

Hộ bà Rinh có 5 công đất, trước năm 2015 làm lúa nhưng năng suất bấp bênh nên cuộc sống nhiều khó khăn. Thực hiện một số quyết định của Thủ tướng Chính phủ, địa phương tạo điều kiện cho gia đình bà vay 2 lần với số tiền là 15 triệu đồng và 30 triệu đồng giúp cải tạo đất để làm vườn.

Rồi gia đình bà lần lượt trồng dừa, mít Thái, mãng cầu xiêm. Với khoảng 80 gốc dừa, hơn 2 năm qua, mỗi tháng gia đình bà thu về từ 2-3 triệu đồng từ bán dừa tươi và dừa giống. Còn mít, mãng cầu, năm 2018 mới cho trái chiếng nên thu về khoảng 30 triệu đồng. Cuối năm 2018, gia đình bà thoát nghèo.

Cách đó không xa, hộ bà Lý Thị Bé cũng thoát nghèo vào năm 2018 với mô hình trồng vú sữa (có 2 người con làm thợ hồ). Gia đình bà Bé thuộc hộ nghèo từ năm 2013-2018 do ít đất sản xuất…

Năm 2016, hộ bà được địa phương tạo điều kiện cho vay 15 triệu đồng để mua cây, con giống phát triển kinh tế. Với số vốn ấy, bà cải tạo 2 công đất và mua vú sữa về trồng. Đầu năm 2018, người thân hỗ trợ gia đình bà cất lại căn nhà khá kiên cố với chi phí trên 100 triệu đồng.

Có được nhà, gia đình bà chuyên tâm hơn trong phát triển kinh tế nên cuối năm 2018 trừ chi phí thu về trên 30 triệu đồng từ bán vú sữa và thoát nghèo. “Tuy chưa khá giàu nhưng thoát nghèo là gia đình tôi mừng rồi, sẽ là bước đệm để cố gắng làm ăn thoát nghèo bền vững”, bà Bé nói.

Theo Phòng Dân tộc huyện Châu Thành A, 5 năm qua, đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện thụ hưởng nhiều chương trình, dự án của Trung ương như: Chương trình 135 giai đoạn 2, Quyết định 1592 về đầu tư công trình nước sinh hoạt tập trung, Quyết định số 134 và Quyết định số 198 hỗ trợ về nhà ở, đất ở, đất sản xuất và nước sinh hoạt đối với những hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo… với tổng số tiền gần 30 tỉ đồng. Các chương trình, dự án trên đều được địa phương triển khai kịp thời, đúng đối tượng, sử dụng đúng mục đích.

Ông Lê Hoàng Liệt, Phó trưởng Phòng Dân tộc huyện Châu Thành A, cho biết: “Hầu hết gia đình được hỗ trợ vay vốn để làm ăn đều tích cực, chí thú; huyện có nhiều mô hình thoát nghèo bền vững trong đồng bào dân tộc thiểu số như: nuôi cá, hoa màu, làm vườn… từ đó tỷ lệ hộ nghèo mỗi năm đều giảm”.

Địa phương quan tâm

Cũng theo Phòng Dân tộc huyện Châu Thành A, ngoài những chính sách của Trung ương thì huyện đã trích một phần kinh phí địa phương và vận động mạnh thường quân, nhà hảo tâm hỗ trợ, giúp đỡ bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số hơn 100 triệu đồng/năm.

Trước năm 2015, tuyến đường dẫn vào chùa Pôtumrăngsây, ở thị trấn Cái Tắc, dài khoảng 200m xuống cấp, ảnh hưởng quá trình đi lại của bà con địa phương và vào chùa. Thấy vậy, huyện trích kinh phí, đồng thời vận động mạnh thường quân để xây mới, tổng kinh phí 270 triệu đồng, nên từ đó đến nay việc đi lại rất thuận lợi. 

“Tết Chol Chnam Thmay, Tết Nguyên đán, Lễ Sene Dolta… địa phương quan tâm tặng quà cho những hộ đồng bào dân tộc nghèo, góp phần giúp họ đón lễ, tết thêm đầm ấm”, ông Lê Hoàng Liệt cho biết.

Ông Nguyễn Hoàng Triệu, Trưởng ban Dân tộc tỉnh, đánh giá: “Những năm qua, công tác giảm nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số huyện Châu Thành A thực hiện tốt do biết rõ nguyên nhân nghèo của từng hộ. Địa phương còn có những cách làm hay trong việc nhân rộng mô hình hiệu quả, khơi gợi tự nỗ lực vươn lên của đồng bào. Đây chính là điểm sáng về giảm nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh nhà”.

Năm 2014, huyện Châu Thành A có 7 ấp đặc biệt khó khăn thì nay còn 1 ấp. Địa phương sẽ tiếp tục có nhiều biện pháp để hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn ngày càng giảm, phấn đấu đến cuối năm không còn ấp đặc biệt khó khăn.

 

Bài, ảnh: NHẬT TÂN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>