Oai hùng Chiến thắng vàm Cái Sình

20/12/2017 | 07:50 GMT+7

65 năm đã trôi qua, những cán bộ, chiến sĩ từng tham gia trận phục kích thủy lôi tại vàm rạch Cái Sình năm 1952 đến nay không còn được mấy ai, nhưng chiến tích oai hùng đó vẫn được lưu danh sử sách, thế hệ sau sẽ mãi nhớ về chiến thắng vang danh thời chống Pháp này !

Tượng đài tưởng niệm Chiến thắng vàm Cái Sình.

Chiến công cha ông lưu danh sử sách

Chúng tôi tìm về nơi chiến thắng năm xưa, nhưng cũng chẳng còn ai, hỏi vài cụ cao niên còn biết đến trận đánh này, được chỉ vào khu vực 2, phường VII, thành phố Vị Thanh. Tới nơi, thấy ông Tám Đồng (Trần Văn Đồng), ngồi uống trà với ông sui ngồi bên hiên nhà. Mới nghe chúng tôi mở đầu câu chuyện nói về trận đánh tàu ở vàm Cái Sình, ông Tám Đồng hồ hởi: “Tôi còn thuộc nguyên cái bài ca thiệt hay, điệu Kim Tiền ngợi ca trận đánh. Ca nghe thử nghen”.

Nhịp chân vài cái, tằng hắng lấy hơi, ông Tám Đồng hát:

“Tàu kia chở Tây đen nghịt cam chìm tại đây, cùng mấy trăm thây

Thổ, Tây, Ma Rốc, trắng đen

Lính quan, “ông lớn” mấy phen

Nát thây, banh bụng, đứt đùi, đổ ruột,

Đành đậu lại đây, vớt thây mau lẹ, rút dù cho kịp”…

(Trích bài hát: Chiến thắng hạ tàu)

Ca hết bài, ông Tám Đồng vẫn còn như rất hân hoan, chia sẻ: “Tôi đã hơn 80 tuổi rồi, chỉ biết trận đánh năm xưa chứ không có tham gia. Ngày đó, sau trận đánh, hai bên bờ sông Xà No đoạn Di tích vàm Cái Sình lên hướng phường VII quân giặc phơi thây. Nghe người lớn nói lại, bọn chúng đã đào đâu 7- 8 cái hố gì đó để gom thây quân tử nạn mà thiêu”…

Lời kể đó gợi lên sự hiển hách trong chiến công này.

Một phần xác tàu chiến của giặc Pháp còn được bảo quản tại di tích.

Dù thấy rất tiếc vì không được gặp người năm xưa chỉ huy hay đánh trực tiếp trận này, nhưng chúng tôi mừng vì thấy được tập giấy viết tay mang tên “Hồi ký Chiến thắng Cái Sình” của đại tá, Anh hùng lực lượng vũ trang Trần Hiền Quang viết vào tháng 10-2003. Ông là người trực tiếp chỉ huy trận đánh, đến nay cũng đã mất.

Lật từng trang hồi ký đã ố màu thời gian, lại càng thấy tự hào chiến tích của cha ông ngày trước… Những năm 1951-1952, địch hay càn vùng kháng chiến tại các xã Hỏa Lựu, Vĩnh Viễn, Vị Thủy. Chúng đi bằng tàu vận chuyển đường sông, có tàu chiến đi cùng, hỏa lực mạnh, càn từ thị trấn Vị Thanh đến tận chợ Vàm Xáng, phà Cái Tư. Để ngăn chặn, Tỉnh đội Cần Thơ đã chủ trương đánh một trận phục kích, để bảo vệ căn cứ kháng chiến ven hai bên bờ kênh xáng Xà No. Năm 1952, Bộ Tư lệnh Phân liên khu miền Tây tăng cường Đội thủy lôi thuộc Đại đội 4053, Tiểu đoàn 410 cho Tỉnh đội Cần Thơ để phối hợp với bộ đội địa phương đánh thọc sâu trong lòng địch với mục đích tiêu hao, tiêu diệt sinh lực địch. Đội thủy lôi do đồng chí Trần Hiền Quang làm Đội trưởng.

Sau khi nắm bắt tình hình địch và quân ta đã chuẩn bị sẵn sàng. Sáng ngày 20-12-1952, cánh quân địch tại Vị Thanh bắt đầu hành quân càn quét, chúng chia làm hai hướng: một hướng tiến vào Nàng Mau (Vị Thủy) rồi kéo xuống Vịnh Chèo (xã Vĩnh Thuận Đông); hướng thứ hai có một bộ phận hành quân trên bộ, một bộ phận đi tàu tiến xuống Hỏa Lựu. Lực lượng địch tiến xuống Hỏa Lựu chủ yếu là Tiểu đoàn 14 hải quân cơ động tỉnh Sóc Trăng. Khoảng 15 giờ ngày 20-12-1952, quân địch đã tiến đến vàm rạch Cái Sình thì dừng lại do cầu Cái Sình bị sập. Quân địch co cụm chờ tàu đến đưa qua rạch. Một lúc sau, đoàn tàu từ hướng ngã ba Cầu Đúc chạy vào, một chiếc tàu sắt LCT (loại tàu chở quân) đã ghé vào bến đậu, mở hàm chở binh lính để đưa qua rạch. Bọn địch đi bộ đã nhanh chóng tiến xuống tàu. Trong lúc đó, tổ phục kích của ta vẫn kiên nhẫn chờ bọn địch xuống đầy tới mõm tàu, tàu nổ máy lui ra giữa rạch để đưa quân về phía bờ Tây của rạch Cái Sình. Quan sát thân tàu đã nằm đúng vào vị trí đặt hai quả thủy lôi ta bố trí, Đội trưởng Trần Hiền Quang đã ra lệnh châm điện, ngay lập tức một tiếng nổ vang dội phát ra, nhấn chìm chiếc tàu LCT và binh lính xuống rạch Cái Sình. Bọn địch sống sót còn lại hết sức hoang mang lo sợ. Trong lúc đó, tổ phục kích đánh tàu đã lợi dụng cây cối rậm rạp nhanh chóng rút quân về nơi tập kết ở ngã ba Vườn Cò - Cái Su an toàn. Sau khi củng cố, ổn định đội hình, địch đã tập trung lực lượng lùng sục dọc theo hai bên bờ rạch Cái Sình và kênh xáng Xà No để tìm quân ta tiêu diệt, nhưng chúng không phát hiện được gì.

Trận phục kích đánh tàu địch bằng thủy lôi tại vàm rạch Cái Sình, ta thu được thắng lợi to lớn, đánh chìm 1 tàu LCT, tiêu diệt một phân đội hải quân trên tàu và Tiểu đoàn 14 hải quân cơ động tỉnh Sóc Trăng, loại khỏi vòng chiến đấu gần 400 tên địch, trong đó có 10 sĩ quan người Pháp. Sau khi quân địch bỏ chạy, ta thu được 2 khẩu súng máy 20 ly, 2 khẩu 13,2 ly, 5 khẩu carbine, 12 súng trường, 1 khẩu súng ngắn 12 ly, 1 bản đồ hành quân và khoảng 10.000 viên đạn các loại.

Trong kháng chiến chống Pháp trên chiến trường Hậu Giang - Cần Thơ, quân dân Hậu Giang - Cần Thơ đã lập hai chiến công hiển hách, diệt nhiều địch nhất, đó là trận đánh xe cơ giới ở 4 trận Tầm Vu, lấy khẩu đại bác 105 ly ở trận Tầm Vu IV và trận đánh tàu tại Cái Sình, làm nên chiến công vang dội ở miền Tây và cả nước. Chiến thắng Cái Sình có ý nghĩa quan trọng, đã góp phần tiêu hao, tiêu diệt sinh lực địch để phối hợp với chiến trường chính ở Chiến dịch biên giới Việt Bắc, cùng các chiến trường khác trong cả nước đẩy địch vào tình thế bị động, tạo ra thế và lực mới, thúc đẩy cuộc kháng chiến phát triển mạnh mẽ…

Đời sống mới ở nơi từng diễn ra trận đánh vang danh

Chúng tôi đến thăm chiến tích năm xưa vào một chiều cuối năm lộng gió, những cơn gió bấc xào xạt lại càng làm cho chúng tôi bồi hồi khi đứng trước những di vật còn lại cách nay 65 năm. Di tích lịch sử Chiến thắng vàm Cái Sình hiện nay nằm trên địa bàn của khu vực 2, phường VII, những người dân nơi đây chia sẻ rằng họ rất tự hào khi trên quê hương của mình có di tích cấp quốc gia. Từ niềm tự hào đó, ai cũng quyết tâm xây dựng đời sống mới, nhờ vậy bộ mặt vùng nông thôn ngày nào giờ đã đổi thay nhiều.

Cuộc sống mới trên địa bàn khu vực 2, phường VII.

Như để minh chứng cho điều này, ông Nguyễn Trọng Tài, Bí thư Chi bộ, Trưởng khu vực 2, dẫn chúng tôi đi một vòng quanh ấp, rồi hân hoan giới thiệu: “Đây là đường dẫn vào các tổ nhân dân tự quản kiểu mẫu của khu vực chúng tôi vừa được công nhận. Lộ làng quanh ấp giờ tốt rồi, nắng mưa gì đi cũng êm ru, khỏe lắm, nhà nào người dân ý thức xây dựng con đường đẹp, cảnh quan đẹp, cố gắng làm ăn khấm khá, vươn lên cho bằng xóm giềng”.

Đúng như lời ông Tài chia sẻ, trên đoạn đường của Tổ nhân dân tự quản kiểu mẫu số 11, hai bên đường những cây xanh, cây kiểng đua nhau khoe sắc, một số loại đã trổ hoa sau khi đón những cơn gió bấc lạnh đầu mùa. Đang ngồi làm cỏ bên vệ đường, bà Nguyễn Thị Của vừa nhanh tay cắt cỏ, trồng bông, vừa nói: “Đời sống giờ bảnh lắm rồi, nhà nào cũng có xe máy, có ti vi, tủ lạnh. Mừng nhất là con cháu được đi học hết, lộ làng tráng xi măng đạp xe tới trường ngon lành. Quanh xóm này nhà tường nhiều lắm, chứ hồi trước khó khăn, ít ai có tiền bạc cất nhà tường”.

Ở khu vực 2 có 550 hộ dân, trong đó còn 27 hộ nghèo, 31 hộ cận nghèo. Con số này tuy vẫn còn tỷ lệ khá cao với phường, nhưng theo Bí thư Chi bộ khu vực 2 Nguyễn Trọng Tài, đã giảm rất nhiều so với 2, 3 năm trước. Hồi trước, hộ nghèo, cận nghèo còn cả trăm hộ. Phát huy truyền thống của cha ông đi trước, khu vực 2 có nhiều phong trào nổi bật được khen ngợi liên quan đến xây dựng đời sống văn hóa, giảm nghèo…

Theo những người dân cao niên ở khu vực 2, những năm kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ đa phần người dân ở vùng này di tản kiếm những nơi ít đạn lạc, bom rơi mà sinh sống. Chỉ sau ngày giải phóng, khi hòa bình đã đến với tất cả mọi nơi, người dân mới về đây nhiều hơn để gầy dựng cuộc sống mới - cuộc sống độc lập, tự do. Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam phường VII Trần Văn Cần chia sẻ thêm: “Cũng nghe ông bà kể lại, sau giải phóng nhiều gia đình còn khổ lắm, nhưng tinh thần vươn lên, nghị lực chiến thắng đói nghèo thì vững vàng, ai cũng cố gắng làm, quyết liệt sản xuất… rồi cuộc sống cũng ổn định. Niềm tin, sự giỏi giang của thế hệ đi trước truyền lại cho lớp trẻ đi sau, để giờ đây cuộc sống cũng khá hơn”.

Trải dài từ Di tích Chiến thắng vàm Cái Sình đến địa phận xã Tân Tiến trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, đồn bót địch đóng nhiều, đời sống người dân cùng khổ, cơ cực, sống trong bao nỗi lo và nỗi buồn chia ly. Còn nay, đã nhường chỗ cho những con đường thẳng tắp, hai bên lộ là những căn nhà khang trang, cảnh người dân buôn bán nhộn nhịp, nơi trận đánh oai hùng năm xưa giờ đã được xây dựng thành di tích và chiến thắng đó sẽ mãi được đời sau nhớ đến, nhắc đến với niềm tự hào, như lời bài hát năm nào đến nay vẫn còn vang vọng:

“Nhân dân Cái Sình hòa vang câu hát,

Mừng hạ tàu tây, máu nhuộm sông này,

Ba trăm quân thù, xương tan thịt nát

Cái Sình nơi đây là mồ chôn Tây”…

(Trích bài hát: Chiến thắng  Cái Sình)

Bài, ảnh: HOÀNG NGUYÊN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>