Ông Hai Đảo vệ sĩ...

01/10/2020 | 09:16 GMT+7

Ông tên là Võ Sĩ Đảo, ở ấp 5, xã Lương Tâm, huyện Long Mỹ, là một trong 4 vệ sĩ của Chủ tịch nước Lê Đức Anh trong thời gian Chủ tịch nước ở Khu căn cứ Ba Lào (ấp 5, xã Lương Tâm) chỉ đạo lực lượng vũ trang các tỉnh vùng ĐBSCL đánh đuổi Mỹ - ngụy (giai đoạn tháng 10-1970 - đầu năm 1974), khi ấy, Chủ tịch nước Lê Đức Anh (Sáu Nam) là Tư lệnh Quân khu 9.

Ông Hai Đảo (thứ ba từ phải qua) trong lần hướng dẫn lãnh đạo tỉnh, nguyên lãnh đạo tỉnh thăm lại khu căn cứ Ba Lào, ở ấp 5, xã Lương Tâm.

Võ Sĩ Đảo làm... vệ sĩ

17 tuổi, chưa biết đánh giặc là gì nhưng khoái hình ảnh oai liệt của cha mình và bộ đội vác súng trên vai đánh giặc nên chàng thiếu niên Sĩ Đảo quyết tâm nhập ngũ. Thấy con có chí hướng tốt nên gia đình cũng thuận lòng. Ở ấp 5 thời đó thanh thiếu niên đăng ký đi đánh giặc không phải chuyện hiếm. Những người bạn, người anh cùng xóm với Sĩ Đảo như: Cồ, Tam, Yên (Tư Yên), Rô... cũng một lòng theo Đảng.

Thấy Sĩ Đảo có tính gan dạ nên tổ chức phân công tham gia Đại đội trinh sát của Trung đoàn 1 - U Minh, đơn vị chịu trách nhiệm trinh sát, dẫn đường cho bộ đội đánh giặc. Cũng vì nhiệm vụ đặc biệt nguy hiểm nên Đảo không ít lần chứng kiến đồng đội hy sinh khi làm nhiệm vụ. Khoảng thời gian đó, ông Đảo được người anh cùng xóm là Nguyễn Văn Yên (Tư Yên) dìu dắt, chỉ cho các thế võ và cách sử dụng vũ khí.

Khi Tư lệnh Quân khu 9 Lê Đức Anh về căn cứ Ba Lào chỉ huy đánh phá kế hoạch bình định, tràn ngập lãnh thổ sau Hiệp định Paris ở địa bàn Quân khu 9 thì cần một tổ vệ sĩ bảo vệ. Đại đội trinh sát và các đơn vị khác được giao tuyển chọn chiến sĩ tham gia gồm 4 người. Nhiều chiến sĩ ưu tú của các đơn vị được đưa vào danh sách tuyển và chàng thanh niên Sĩ Đảo trúng tuyển vì hội đủ các yếu tố: gan dạ, nhanh nhẹn, đặc biệt là có nhân thân tốt (cha là Võ Văn Đông làm Trưởng Công an xã Lương Tâm). “Biết mình được chọn thì mừng rỡ vô cùng, nhưng ý thức được đó là trách nhiệm nặng nề, lớn lao nên luôn dặn với lòng phải làm thật tốt”, ông Hai Đảo nhớ lại.

Tổ vệ sĩ do Ba Lọ làm tổ trưởng; 4 người trong tổ dù tuổi tác, quê quán khác nhau nhưng coi nhau như anh em trong nhà, cùng một mục tiêu là bảo vệ an toàn tuyệt đối cho Tư lệnh. Làm vệ sĩ nên các anh luôn túc trực kề cận chỉ huy ngày lẫn đêm. Mỗi người đều mang bên mình 2 khẩu súng K63, K54, dao bấm để sẵn sàng chiến đấu.

Nhiều lần địch ném bom căn cứ Ba Lào, để đảm bảo an toàn nên tổ vệ sĩ cùng chỉ huy thường xuyên di chuyển trú tránh, mỗi nơi ở khoảng 10 bữa, nửa tháng. Các thành viên trong tổ hầu như không có giấc ngủ ngon vì phải thay nhau bảo vệ an toàn tuyệt đối cho yếu nhân.

Trong thời gian làm vệ sĩ, từ tháng 5-1972 đến đầu năm 1974, chàng thanh niên Sĩ Đảo và đồng đội trải qua nhiều niềm vui, nỗi cơ cực và những kỷ niệm khó quên với chỉ huy. “Có lần Trung đoàn I - U Minh tổ chức đánh diệt đồn Tô Ma, dù đã chỉ đạo rất cặn kẽ Ban Chỉ huy Trung đoàn từ trước nhưng vị Tư lệnh Quân khu 9 vẫn muốn tổ vệ sĩ đưa đi xem diễn biến trận đánh với nguy cơ trúng pháo kích của giặc. Vậy là tổ vẫn phải đưa ông đi với sự canh phòng cẩn mật. Đây thật sự là vị Tư lệnh sâu sát với trận địa, góp phần cổ vũ, thôi thúc chiến sĩ tiêu diệt đồn Tô Ma trong thời gian ngắn”, ông Hai Đảo kể.

Trong ký ức của ông Hai Đảo hiện giờ vẫn còn nhớ như in hình ảnh người chỉ huy thường xuyên thăm hỏi chuyện ăn, ở, sức khỏe của chiến sĩ. “Từng tham gia bảo vệ cho ông Lê Đức Anh khi ông tham dự các cuộc họp chi bộ nên tôi chứng kiến không ít lần chỉ huy cầu thị ghi nhận ý kiến mà đồng chí góp ý. Chỉ huy coi anh em trong tổ như người thân, không hề có sự xa cách”, ông Hai Đảo hồi tưởng.

Nhiệm vụ của tổ bảo vệ hoàn thành khi Tư lệnh Quân khu 9 Lê Đức Anh rời căn cứ trở về Trung ương. Ông Hai Đảo và các thành viên trong tổ tiếp tục tham gia chiến đấu tại Sư đoàn 4 (Quân khu 9) cho đến ngày toàn thắng.

“Nhân chứng sống” của một thời khói lửa

Hòa bình lập lại, ông Hai Đảo tiếp tục tham gia công tác tại xã, ấp góp sức tái thiết lại quê hương. Vợ chồng ông có 4 người con (2 trai, 2 gái) được ông giáo dục nhiều về lòng yêu nước, làm việc có ích cho cộng đồng.

Ông Hai Đảo giờ được xem là “nhân chứng sống” của lịch sử khu căn cứ Ba Lào trong những năm cuối của chiến tranh chống Mỹ cứu nước. Nhiều người viết sử, các đơn vị bảo tàng, cơ quan báo chí trong và ngoài tỉnh muốn tìm hiểu về cuộc đời cách mạng của cố Chủ tịch nước Lê Đức Anh tại vùng đất Lương Tâm anh hùng đều tìm đến ông. Với ông Hai Đảo, được kể lại những câu chuyện lịch sử là niềm vui, là trách nhiệm để giúp thế hệ hôm nay trân quý hơn giá trị của độc lập, tự do, hiểu hơn những hy sinh, mất mát của cha ông ngày trước.

Thỉnh thoảng, ông lại chạy vỏ lãi đến kênh Ba Lào, nhìn cảnh để nhớ lại hình ảnh 4 anh em trong tổ vệ sĩ cùng chia ngọt sẻ bùi, đoàn kết thực hiện nhiệm vụ. “Tôi thương nhất là thằng Vinh, thành viên nhỏ tuổi nhất trong tổ, nghe nó hy sinh trong một lần đi công tác mà tôi rất đau lòng. Còn tổ trưởng Ba Lọ, tổ phó Ba Sơn đã rất lâu rồi không gặp”, ông Hai Đảo bồi hồi.

Ông Hai Đảo cũng may mắn được gặp lại người chỉ huy mà mình từng bảo vệ năm xưa - Chủ tịch nước Lê Đức Anh về thăm Long Mỹ. Nhìn thấy “cận vệ”, Chủ tịch nước mừng rỡ, hỏi thăm đủ điều về gia đình, cuộc sống. Đó cũng là lần cuối cùng ông Đảo được gặp cố nhân.

Bạn bè, đàn anh trong xóm đi bộ đội cùng thời với ông Hai Đảo phần lớn đã... in tên trên bảng vàng của ấp, chỉ còn ông Tư Yên. Hai ông hiện cùng tham gia Chi hội Cựu chiến binh ấp 5, thường hẹn nhau đàm đạo ôn lại kỷ niệm xưa.

“Tính cách thằng Hai Đảo lúc thanh niên và bây giờ vẫn vậy, hiền lành, thật thà, gần gũi với anh em. Có thay đổi chăng là tóc hoa râm, trên gương mặt dày những nếp nhăn và không còn nhanh nhẹn”, ông Hai Yên nói về người em của mình.

Mang trên mình nhiều thương tích do chiến tranh, cuộc sống của ông Hai Đảo hiện tại bám vào ruộng vườn và vui vầy bên con cháu. Hàng ngày, ông làm công việc “vệ sĩ” đưa cháu đến trường. Ngoài là hội viên cựu chiến binh, ông còn tham gia công tác chữ thập đỏ của ấp có trách nhiệm vận động chăm lo cho người dân hoàn cảnh khó khăn. Cuộc sống không giàu sang nhưng ông thấy mình may mắn hơn rất nhiều đồng chí, đồng đội đã vĩnh viễn ngã xuống cho đất mẹ đơm hoa.

Ông thấy mừng vì đất nước phát triển không ngừng và ngày càng nâng tầm vị thế trên trường quốc tế; quê hương Lương Tâm bị tàn phá nặng nề của chiến tranh nay hồi sinh mạnh mẽ và được công nhận nông thôn mới. Đó chính là cái đích, cái lý tưởng và niềm tin để ông cùng biết bao thế hệ người dân Việt Nam quyết cống hiến tuổi thanh xuân, kể cả tính mạng cho nền độc lập - tự do - hạnh phúc...

“Ông Hai Đảo là người có uy tín ở địa phương. Với vai trò là đảng viên, ông gương mẫu đi đầu trong các mặt công tác của xã, ấp. Ông cũng là “nhân chứng sống” của khu căn cứ cách mạng Ba Lào và rất tích cực cung cấp tư liệu lịch sử cho các tổ chức, cá nhân muốn tìm hiểu về khu căn cứ này…”, ông Phạm Minh Hậu, Chủ tịch UBND xã Lương Tâm, cho biết.

 

Bài, ảnh: TRƯỜNG SƠN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>