Phía sau những danh hiệu, huân chương

29/07/2019 | 05:08 GMT+7

Trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, nhiều gia đình đã nuôi dưỡng, cống hiến những người con ưu tú cho quê hương, đất nước, để có được độc lập, tự do hôm nay. Phía sau những danh hiệu, những huân, huy chương là những câu chuyện đáng nhớ.

Anh Hữu luôn nỗ lực trong công việc và cuộc sống, để xứng đáng với truyền thống của gia đình.

Tự hào truyền thống gia đình

Đến thị trấn Bảy Ngàn, huyện Châu Thành A, hỏi gia đình ông Lê Thành Tâm và bà Lê Thị Chơi, hầu như ai cũng biết, bởi gia đình có nhiều liệt sĩ hy sinh trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc. Gia đình cũng vừa được nhận Huân chương Độc lập hạng Nhất. Gặp anh Lê Thành Hữu, cháu nội ông Lê Thành Tâm và bà Lê Thị Chơi, để nghe anh kể về truyền thống cách mạng của gia đình càng thấy trân quý hơn. Chỉ tay vào những tấm bằng Tổ quốc ghi công, huân chương, bằng khen treo ngay ngắn trên tường nhà, anh Hữu chia sẻ, lúc ông nội và các bác hy sinh, tôi còn chưa sinh ra nên có biết gì đâu, chủ yếu qua lời kể của bà nội lúc còn khỏe, cha mẹ và các chú, bác lớn tuổi tại địa phương.

Ông nội của anh Hữu là liệt sĩ Lê Thành Tâm tham gia bộ đội, bị địch bắt rồi bắn chết, còn bà nội anh lúc trước cũng từng bị địch bắt, tra tấn dã man, song bọn chúng không khai thác được gì ở bà nên đành thả về. Năm 1994, bà Lê Thị Chơi được phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng (có chồng và năm người con là liệt sĩ), đến năm 2002 bà mất do bệnh. Trong cuộc kháng chiến của dân tộc, sau khi ông nội của anh hy sinh, năm người bác của anh cũng hăng hái lên đường làm nghĩa vụ của người trai đối với Tổ quốc và lần lượt hy sinh: Liệt sĩ Lê Văn Lăng hy sinh năm 1963, liệt sĩ Lê Văn Lộc, liệt sĩ Lê Văn Sang hy sinh năm 1969, liệt sĩ Lê Văn Thọ hy sinh năm 1972 và liệt sĩ Lê Hoàng Minh hy sinh năm 1973. Trong năm người bác của anh Hữu hy sinh, chỉ có liệt sĩ Lê Văn Lộc là có gia đình, còn lại đều hy sinh khi còn rất trẻ, đang ở độ tuổi mười tám, đôi mươi.

Giọng anh trầm hẳn rồi anh chầm chậm tiến đến bàn thờ, nơi ấy là có năm bát hương của ông bà nội và năm người bác của anh. Thắp nén nhang lên bàn thờ, anh Hữu nói: “Chiến tranh đã cướp mất đi nhiều người thân trong gia đình của tôi, song chúng tôi luôn tự hào vì ông bà nội, các bác đã không tiếc hy sinh xương máu của mình vì nền độc lập tự do mà thế hệ chúng tôi được hưởng hôm nay. Trong công việc cũng như trong cuộc sống, tôi sẽ cố gắng hơn nữa, để xứng đáng với truyền thống cách mạng của gia đình”. Gia đình anh Hữu luôn động viên nhau phải biết trân quý, tự hào về truyền thống gia đình, quê hương và đất nước.

Với vai trò là Bí thư Chi bộ, Trưởng ấp Thị Tứ, thị trấn Bảy Ngàn, anh Hữu luôn tích cực thực hiện và tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến người dân. Ngoài ra, tích cực tham gia các hoạt động tại địa phương. Hiện nay, ấp Thị Tứ có 28 hộ nghèo. Để giúp người dân thoát nghèo, anh cùng với các thành viên ở ấp đã hướng dẫn mô hình làm ăn, cách làm hiệu quả, để nâng cao thu nhập hướng đến thoát nghèo bền vững.

Quyết sống xứng đáng

Cũng như gia đình ông Lê Thành Tâm và bà Lê Thị Chơi, gia đình ông Trần Văn Kế và bà Lê Thị Mười, ở phường I, thành phố Vị Thanh, cũng có nhiều người hy sinh trong cuộc kháng chiến của dân tộc. Nhắc đến những năm tháng đã qua của gia đình, bà Trần Thị Lắm (cháu nội ông Kế và bà Mười) bồi hồi nhớ lại những mất mát, hy sinh và truyền thống tốt đẹp của gia đình. Những hồi ức lần lượt được hồi tưởng như thước phim quay chậm.

Gia đình bà từ nhiều thế hệ trước đã tham gia kháng chiến. Ông nội là Trần Văn Kế tham gia kháng chiến chống Pháp, bà nội của bà bị giặc đập đầu đến chết sau đó còn bị mổ bụng. Bà Lê Thị Mười được Chủ tịch nước truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Ông bà nội của bà có chín người con thì có ba người tham gia kháng chiến và cả ba người đều hy sinh. Nhắc đến bà nội, bà Lắm rươm rướm nước mắt, bà nói, trước đây bà nội là cán bộ binh vận xã Vị Đông, huyện Vị Thanh (cũ), bà đã cung cấp nhiều tin tức quan trọng cho cách mạng. Một lần đi vận động binh lính làm nội ứng cho cách mạng bị lộ, bà đã bị địch bắt tra tấn dã man, song bà vẫn giữ vững khí tiết cách mạng. Bọn địch điên cuồng đã mổ bụng bà tại bót Nàng Mau vào năm 1959.

Trước sự hy sinh của bà Mười, đã thúc giục các con lên đường chiến đấu, quyết tâm vì nợ nước thù nhà. Người chú thứ tám của bà Lắm là liệt sĩ Trần Phú Vình đi bộ đội xã Vị Thủy khi tuổi đời còn khá trẻ, sau đó, được rút lên Thốt Nốt giữ chức Chính trị viên Huyện đội Thốt Nốt. Trong trận chống càn, ông đã hy sinh vào năm 1969. Noi theo gương anh, liệt sĩ Trần Văn Lình (chú thứ chín của bà Lắm) cũng hăng hái tham gia cách mạng tại địa phương. Năm 1960, ông hy sinh khi tham gia trận chống càn tại kênh Hội Đồng, xã Vị Đông. Liệt sĩ Trần Thị Lẹ (cô út của bà Lắm) làm Phó Ban Chấp hành Phụ nữ xã Vị Thủy hy sinh năm 1963. Với những cống hiến cho cách mạng, gia đình ông Trần Văn Kế và bà Lê Thị Mười đã được tặng Huân chương Độc lập hạng Nhì.

Phát huy truyền thống cách mạng của gia đình, khi mới 12, 13 tuổi, bà Lắm đã tham gia cách mạng hoạt động ở Đội võ trang tuyên truyền của huyện. Bà kể, hồi đó ở xã Vị Thủy có đồn Nước Đục khét tiếng tàn bạo. Nó còn khét tiếng bởi tên đồn trưởng có biệt tài bắn theo tiếng động. Điều này gây cho quân ta không ít khó khăn, đặc biệt là Đội tuyên truyền võ trang những khi dùng tiếng hát làm lung lạc tinh thần quân thù. Song mỗi khi nghe tiếng hát của bà Lắm, chúng không bắn. Bà hoạt động đến năm 1967 thì nghỉ sinh con. Dẫu sinh con chỉ mới 2 tháng, bà lại tiếp tục với nhiệm vụ của mình. Bà Lắm kể: “Sau khi cùng Đội võ trang tuyên truyền hát để quân địch im tiếng súng, hơn nửa đêm tôi mới về tới nhà. Lúc ấy, đứa con trai mới 2 tháng tuổi lả đi trên tay chồng tôi, vì cháu khóc đòi mẹ. Nhìn con, tôi khóc biết bao nhiêu. Và từ đó, tôi bỏ nghề hát”, bà Lắm chia sẻ.

Từ đó, bà chuyển sang làm công tác phụ nữ, rồi bị chỉ điểm bắt bỏ tù. Dù vậy, bà vẫn một lòng với cách mạng. Hòa bình lập lại, bà cố gắng lao động sản xuất, cùng chồng lo cho các con khôn lớn, ăn học đàng hoàng. Bà luôn tâm niệm một điều, dù làm gì, ở đâu, cũng phải thật xứng đáng với truyền thống cách mạng của gia đình.

Những đóng góp và hy sinh của gia đình ông Lê Thành Tâm, bà Lê Thị Chơi và gia đình ông Trần Văn Kế và bà Lê Thị Mười trong kháng chiến không khỏi khiến người khác khâm phục. Nhìn vào những tấm gương như thế, thế hệ trẻ hôm nay sẽ tiếp tục ra sức để bảo vệ, giữ gìn những thành quả xương máu mà cha ông đã đánh đổi để đất nước có được cuộc sống bình yên ngày hôm nay.

Bài, ảnh: BÍCH CHÂU

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>