Quà dâng lên Bác: Tôn trọng Nhân dân, chăm lo đời sống Nhân dân

18/05/2020 | 16:49 GMT+7

Sinh nhật Bác năm nay, thế hệ con cháu của Người ở Hậu Giang tiếp tục dâng lên những món quà vật chất phong phú, tinh thần tích cực. Đó là hàng ngàn cách làm hay, mô hình hiệu quả hướng về cơ sở, chăm lo cho dân theo gương Bác của tổ chức, cá nhân...

Ông Trần Văn Huyến, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, khi nói về các mô hình học tập và làm theo Người chăm lo cho dân, đánh giá, đó là những mô hình hay góp phần củng cố hơn nữa lòng tin của Nhân dân đối với Đảng, với Bác Hồ.

Mô hình “Chính quyền thân thiện” ở huyện Châu Thành A làm người dân rất hài lòng.

Chính quyền thân thiện

Năm 2019, với chuyên đề “Xây dựng ý thức tôn trọng Nhân dân, phát huy dân chủ, chăm lo đời sống Nhân dân theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, Hậu Giang xây dựng và nhân rộng 652 cách làm hay, mô hình hiệu quả trong học tập và làm theo. Ở huyện Châu Thành A có mô hình “Chính quyền thân thiện” rất được lòng dân.

Đã ngoài 70 tuổi nhưng có lẽ chưa lần nào ông Trần Việt Thanh, ở ấp Thị Tứ, thị trấn Rạch Gòi, huyện Châu Thành A, cảm thấy làm bằng khoán nhanh chóng, tiện lợi như bây giờ.

Cách đó vài hôm, ông nhận chuyển nhượng hơn 200m2 đất gần nhà. Sau khi thực hiện một số thủ tục, ông đến Bưu điện huyện để hợp thức hóa. Khi đến đây, ông được cán bộ hướng dẫn làm một số giấy tờ cần thiết sau cùng và thông báo khoảng 2 tuần sau có giấy. Đặc biệt, ông không cần đến đây lấy kết quả mà cán bộ trực tiếp đến tận nhà đưa. “Không ngờ nhanh gọn đến vậy, nhất là có người đưa kết quả đến tận nhà nên đỡ tốn công sức, thời gian. Như thế thì quá tiện cho bà con chúng tôi”, ông Thanh nói.

Còn ông Nguyễn Văn Út, ở xã Đông Thạnh, huyện Châu Thành, đến đây làm một số giấy tờ để kinh doanh xăng dầu tại xã Trường Long Tây. Theo ông Út, khi tiếp xúc, ngoài niềm nở, vui vẻ, cán bộ nơi đây còn giải quyết hồ sơ nhanh; trong quá trình ngồi chờ còn được xem ti vi, sử dụng wifi, nước uống miễn phí... “Không chỉ tôi mà hầu hết ai đến đây đều cảm thấy hài lòng”, ông Út cho biết.

Theo ông Lê Thanh Việt, Chánh Văn phòng UBND huyện Châu Thành A, mô hình “Chính quyền thân thiện” tại Bộ phận một cửa của UBND huyện thực hiện qua việc học ở Bác tinh thần tận tụy phục vụ Nhân dân. Nâng chất mô hình, từ tháng 8-2019, UBND huyện phối hợp với ngành chức năng chuyển giao tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả hành chính từ UBND sang Bưu điện huyện.

Để đảm bảo vận hành thông suốt, đúng quy định, UBND huyện bố trí cán bộ, công chức, viên chức sang Bưu điện huyện thực hiện tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả hành chính cho tổ chức, cá nhân trên các lĩnh vực đất đai, tài nguyên và môi trường, tư pháp, kinh doanh…

Làm sâu sắc hơn sự thân thiện, ngoài bàn ghế, máy điều hòa, nước uống được trang bị, mỗi cán bộ ở đây khi giải quyết việc công phải biết xin chào, xin hỏi, xin lỗi, xin cảm ơn và luôn mỉm cười, luôn lắng nghe, luôn nhẹ nhàng, luôn sẵn lòng giúp đỡ.

Thực hiện giám sát để phát huy mặt tích cực hay nhắc nhở công chức phục vụ chưa tốt, UBND huyện gắn hẳn camera theo dõi và cung cấp số điện thoại đường dây nóng để dân khen ngợi hay phản ánh. “Từ khi thành lập mô hình đến nay, chúng tôi chưa nhận phản ánh tiêu cực nào của người dân về thái độ phục vụ, tác phong của công chức”, ông Lê Thanh Việt khẳng định.

Đến nay, 10/10 xã, thị trấn của huyện Châu Thành A đều có mô hình và vận hành theo phương thức trên. Nhiều địa phương còn củng cố, nâng chất hơn khi tổ chức ngày thứ bảy, chủ nhật đến nhà người già, neo đơn làm lại một số loại giấy tờ; khi người dân ở xa về nghỉ lễ, tết cần giải quyết nhanh một số loại giấy tờ thì xã, thị trấn của huyện sẵn sàng đáp ứng.

Ngoài Châu Thành A, nhiều địa phương khác trên địa bàn tỉnh cũng xây dựng mô hình, cách làm vì Nhân dân phục vụ. Như mô hình “Ngày thứ sáu nghe dân nói” (xã Đông Phước A, huyện Châu Thành), “Ba trong một” (phường Ngã Bảy, thành phố Ngã Bảy); “Đối thoại với hộ nghèo, cận nghèo” (xã Vĩnh Trung, huyện Vị Thủy)... Tất cả đều hướng về Nhân dân, làm cho dân hài lòng trên các mặt kinh tế, văn hóa, xã hội, từ đó tự nguyện cùng với địa phương ra sức thi đua lao động, sản xuất, phát triển quê hương.

Chăm lo đời sống Nhân dân

Ở phường Lái Hiếu, thành phố Ngã Bảy, cán bộ, đảng viên và đoàn viên chủ động thành lập Câu lạc bộ “Những người tình nguyện xây dựng và sửa chữa nhà tình thương cho hộ nghèo, cận nghèo khó khăn về nhà ở” (CLB). Từ khi ra đời đến nay, CLB xây dựng, sửa chữa 142 căn ở phường và một số địa phương lân cận, mỗi căn trị giá từ 12-22 triệu đồng.

Theo ông Trần Thanh Tâm, Chủ nhiệm CLB, để hoạt động hiệu quả, các thành viên đã cùng nhau vận động mạnh thường quân, nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh ủng hộ như An Giang, Đồng Tháp, thành phố Cần Thơ, Thành phố Hồ Chí Minh... Lúc đầu vận động, nhiều người nghi ngờ sự thành thật của CLB nên ít mở lòng, nhưng qua vài lần thực hiện, thấy niềm vui của bà con khi có nhà mới thì nhà hảo tâm ủng hộ mạnh tay hơn. Bằng chứng là nhiều người góp tiền không cần đến nghiệm thu nhà đã hỗ trợ mà chỉ cần CLB gửi hình khi nhà hoàn thành. “Học và làm theo gương Bác, chúng tôi có một tâm niệm là làm thật nhiều việc để người dân khó khăn có chỗ ở ổn định, tập trung phát triển kinh tế gia đình”, ông Tâm chia sẻ.

Hơn 5 năm trước, ông Phạm Văn Tiến, ở khu vực 3, phường Lái Hiếu, sống một mình trong căn nhà lá ven kênh. Điều ông Tiến trăn trở nhất là căn nhà xiêu vẹo không tiền sửa sang, bệnh hoạn triền miên… Khi biết được, thành viên CLB đến khảo sát và xây cho ông căn nhà mới trị giá 22 triệu đồng.

Liên tục những tháng sau đó, một số thành viên CLB thường đến thăm, tặng quà, động viên ông vượt qua khó khăn. “Nếu lúc đó không có sự giúp đỡ của CLB thì chẳng biết tôi ở đâu. CLB chẳng khác nào phao cứu sinh cuộc đời tôi”, ông Tiến xúc động nói.

Ngoài xây dựng, sửa chữa nhà, CLB còn vận động xã hội hóa ủng hộ gần 80.000 quyển tập tặng cho học sinh vượt khó, học giỏi.

Theo tìm hiểu, gia cảnh của các thành viên trong CLB chỉ đủ ăn nhưng họ chưa bao giờ nghĩ sẽ ngừng tham gia. Bởi lời dạy của Bác về “đoàn kết, yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau” đã hằn sâu trong tâm trí họ.

Còn mô hình “Phiên chợ 0 đồng” ở xã Long Bình, thị xã Long Mỹ, thành lập vào năm 2016 được duy trì hoạt động đến nay rất hiệu quả. Điều đặc biệt của mô hình là hộ nghèo không có tiền vẫn đi chợ và mua được hàng hóa thiết yếu từ phiếu mua hàng do Hội Liên hiệp Phụ nữ xã tặng, khoảng 200.000 đồng/phiếu.

Theo chị Lê Thị Kiều Thu, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Long Bình, phiên chợ hoạt động 2 lần/năm, chủ yếu vào dịp Tết Nguyên đán. Tuy mỗi phiếu mua hàng giá trị không lớn nhưng đã tạo điều kiện cho phụ nữ nghèo có nhu yếu phẩm để sử dụng. “Chúng tôi sẽ tiếp tục duy trì mô hình này nhằm hỗ trợ một phần nhỏ trong cuộc sống chị em nghèo trên địa bàn”, chị Thu cho hay.

Ngoài hai mô hình trên, tỉnh còn duy trì, nhân rộng nhiều mô hình thể hiện tinh thần tương thân tương ái lẫn nhau. Như mô hình “Tôn giáo đồng hành với công tác giảm nghèo bền vững” ở xã Vĩnh Thuận Tây, huyện Vị Thủy; “Câu lạc bộ hùn vốn, vận động cất nhà tình thương” ở xã Bình Thành, huyện Phụng Hiệp; “Đồng bào Công giáo học tập và làm theo Bác, quyết tâm thoát nghèo bền vững” ở xã Thuận Hòa, huyện Long Mỹ...

Quà dâng lên Sinh nhật Người hôm nay, Hậu Giang còn tự hào báo rằng, sau thành lập năm 2004 tỉnh không có xã nông thôn mới nào thì nay là 33 (tính chung các đơn vị được công nhận), thu nhập bình quân đầu người ở các xã nông thôn mới trên 42 triệu đồng/người/năm; 3 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Từ một tỉnh nghèo khó có 1 thị xã thì nay Hậu Giang có 2 thành phố và 1 thị xã trực thuộc tỉnh; tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm từ 8,92% năm 2010 nay còn 5,13% (số liệu báo cáo năm 2019)…

Tỉnh ủy Hậu Giang đánh giá, những năm qua, tích cực học tập và làm theo Bác, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên và Nhân dân có nhiều hành động, việc làm ý nghĩa thiết thực; nhiều đồng chí đứng đầu cấp ủy, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể, cán bộ, đảng viên đi đầu trong phòng, chống suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, xây dựng phong cách làm việc, tác phong công tác, xây dựng ý thức tôn trọng Nhân dân, phát huy dân chủ, chăm lo đời sống Nhân dân, được Nhân dân đồng tình.

Thành tựu xây dựng quê hương Hậu Giang hôm nay cho thấy, cán bộ, đảng viên và Nhân dân tỉnh nhà đã học tập, làm theo gương Bác từ những việc làm nhỏ nhưng rất thiết thực, đóng góp rất tích cực vào quá trình kiến thiết quê hương không ngừng tiến bộ…

Ông Phan Thạch Em, Bí thư Huyện ủy Châu Thành A:

 

- “Muốn được dân tin Đảng, tin Nhà nước thì người lãnh đạo và quản lý, trước hết phải dân chủ với dân, tôn trọng dân như tôn trọng chính bản thân mình. Vì vậy, mô hình “Chính quyền thân thiện” của huyện sẽ được duy trì và sáng tạo hơn nữa để lòng tin trong dân đối với Đảng, Bác Hồ ngày càng được vun đắp vững chắc”.

 

Ông Trần Văn Huyến, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy:

 

- “Ngoài quan tâm triển khai thực hiện tốt chuyên đề học tập, làm theo gương Bác năm 2020, chúng tôi còn yêu cầu các cấp dân vận chủ động thực hiện, phối hợp chặt với chính quyền thực hiện hiệu quả các mô hình học tập và làm theo Bác về dân vận, dân chủ, trọng dân, chăm lo đời sống Nhân dân, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân để nhân lên tinh thần đoàn kết trong xã hội, làm sâu sắc hơn mối quan hệ giữa Đảng, chính quyền và Nhân dân”. 

 

Bài, ảnh: TRÍ THỨC - NHẬT TÂN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>