Quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào

17/07/2017 | 11:01 GMT+7

Thiết thực hưởng ứng “Năm đoàn kết hữu nghị Việt Nam - Lào 2017, tiến tới kỷ niệm 55 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Lào (5/9/1962 - 5/9/2017) và 40 năm ngày ký Hiệp ước hữu nghị, hợp tác Việt Nam - Lào (18/7/1977 - 18/7/2017), Báo Hậu Giang trích đăng nội dung về quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam, tài liệu do Ban Tuyên giáo Trung ương biên soạn.

Củng cố và tăng cường hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào, giai đoạn 1986-2010

Trong 10 năm tiến hành khôi phục và phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội (1976-1985) Việt Nam và Lào đã có những tìm tòi, thử nghiệm bước đầu về đổi mới cơ chế quản lý kinh tế, tuy nhiên, vẫn duy trì mô hình kinh tế kế hoạch hóa tập trung, bao cấp. Tình hình trên làm cho cả hai nước lâm vào tình trạng khủng hoảng kinh tế - xã hội trầm trọng; trong khi vẫn bị các lực lượng thù địch bao vây cấm vận. Đây cũng là thời gian tình hình quốc tế và khu vực có những biến đổi chưa từng thấy, xu thế toàn cầu hóa và khu vực hóa tiếp tục tác động sâu sắc đến mọi quốc gia. 

Hai nước Việt Nam và Lào đứng trước một yêu cầu tất yếu phải tiến hành đổi mới đường lối xây dựng đất nước theo định hướng chủ nghĩa xã hội. 

Đại hội lần thứ IV của Đảng Nhân dân cách mạng Lào (11/1986) đã thẳng thắn chỉ rõ những khuyết điểm của Đảng trong công tác lãnh đạo công cuộc xây dựng đất nước, đề ra đường lối đổi mới, tạo những tiền đề để từng bước tiến lên chủ nghĩa xã hội.

Đại hội lần thứ VI của Đảng Cộng sản Việt Nam (12/1986) cũng tự phê bình nghiêm khắc: “những sai lầm nghiêm trọng và kéo dài về chủ trương, chính sách lớn, sai lầm về chỉ đạo chiến lược và tổ chức thực hiện”, đề ra đường lối đổi mới xây dựng đất nước trong giai đoạn quá độ lên chủ nghĩa xã hội. 

Cùng tiến hành công cuộc đổi mới, hai nước Việt Nam và Lào có những thuận lợi cơ bản đối với việc củng cố và tăng cường quan hệ đoàn kết đặc biệt: hai nước có thể chế chính trị - xã hội tương đồng, có cùng định hướng và mục tiêu phát triển chiến lược; gắn bó chặt chẽ với nhau về chính trị; hợp tác toàn diện, mật thiết với độ tin cậy cao, được triển khai đều khắp, ngày càng sâu rộng và khăng khít trên cả ba kênh Đảng, Nhà nước và nhân dân, từ Trung ương tới các địa phương, nhất là các địa phương có chung đường biên giới... Đặc biệt, cả Việt Nam và Lào đều coi nhau thuộc ưu tiên số một trong chính sách đối ngoại của mỗi nước. 

Tuy nhiên, trong điều kiện mới của toàn cầu hóa kinh tế, hai nước Việt Nam và Lào không những phải đối mặt với những thách thức chung mang tính toàn cầu mà còn phải vượt qua những cạnh tranh gay gắt từ chính các nước láng giềng có quan hệ gắn bó với Lào và Việt Nam, từ các chương trình hợp tác đa phương mà cả Việt Nam và Lào đều là thành viên, khi cả Việt Nam và Lào đều đang gặp khó khăn lớn về vốn, công nghệ, nguồn nhân lực và trình độ quản lý. Bên cạnh đó, các thế lực phản động, thù địch bên trong và bên ngoài tăng cường chống phá cách mạng hai nước, thực hiện “diễn biến hòa bình” nhằm thay đổi thể chế chính trị, thực hiện các thủ đoạn chia rẽ và phá hoại mối quan hệ Việt Nam - Lào. 

Trong bối cảnh đó, Đảng, Nhà nước và nhân dân hai nước trước sau như một giữ gìn phát triển và đổi mới quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam.

Đại hội VI Đảng Cộng sản Việt Nam đã xác định: “Việc hợp tác kinh tế giữa ba nước (Đông Dương - BBS) phải theo nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng, cùng có lợi, có ưu tiên ưu đãi cho nhau, và phải có những chính sách, phương thức thích hợp, bảo đảm hiệu quả thiết thực”. Ngày 3 tháng 7 năm 1987, Ban Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam chỉ thị: “Trên cơ sở quán triệt đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI, các Nghị quyết 10 và 11 của Bộ Chính trị về tăng cường đoàn kết, hợp tác toàn diện với Lào và Campuchia và nội dung thỏa thuận trong các cuộc hội đàm lần này, các ban, bộ, ngành và các tỉnh trực tiếp làm nhiệm vụ hợp tác với bạn cần kiểm điểm, rút kinh nghiệm, kiên quyết xử lý và có biện pháp chấm dứt các hiện tượng tiêu cực, các quan điểm, nhận thức và hành động sai trái gây phương hại cho quan hệ đặc biệt giữa ta với Lào”. 

Về phía Lào, Ban Bí thư Trung ương Đảng Nhân dân cách mạng Lào cũng khẳng định: “Xuất phát từ truyền thống lịch sử và tình hình, nhiệm vụ chiến lược của cách mạng ba nước, sự tăng cường liên minh hợp tác toàn diện giữa ba Đảng, ba nước Lào - Việt Nam - Campuchia mới trở thành nhiệm vụ chiến lược số một, là nguyên tắc cách mạng bất di bất dịch của mỗi nước, là vấn đề sống còn của mỗi nước”. Đặc biệt, Chỉ thị của Ban Bí thư Đảng Nhân dân cách mạng Lào ghi rõ: “hai bên nhất trí phải tăng cường giáo dục cho cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu rõ quan hệ đoàn kết sống còn và lâu dài, quán triệt quan điểm, phương châm nguyên tắc của mối quan hệ trong giai đoạn cách mạng mới, uốn nắn tư tưởng và tác phong làm việc mới, tránh những bảo thủ, chủ quan, chống mọi hiện tượng lơ là, mất cảnh giác, thiếu trách nhiệm, chống tư tưởng dân tộc hẹp hòi”. Trong hoạt động thực tiễn, từ cấp Trung ương đến cấp cơ sở, việc bảo vệ và phát triển quan hệ đặc biệt Lào - Việt Nam đã trở thành đường lối chiến lược, tình cảm thiêng liêng và nghĩa vụ quốc tế của Đảng, Nhà nước và nhân dân Lào, là một trong những tiêu chuẩn rèn luyện phẩm chất, đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên và nhân dân Lào. 

Đại hội lần thứ V Đảng Nhân dân cách mạng Lào (3/1991) xác định tính chất và giai đoạn của cách mạng Lào hiện nay: “đang ở trong giai đoạn tiếp tục xây dựng và phát triển chế độ dân chủ nhân dân, tạo ra các tiền đề để từng bước tiến lên chủ nghĩa xã hội”.

Đại hội lần thứ VII Đảng Cộng sản Việt Nam (6/1991), tổng kết năm năm đổi mới, thông qua “Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội” và “Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2000”, đồng thời cam kết: “Việt Nam muốn là bạn với tất cả các nước trong cộng đồng thế giới, phấn đấu vì hòa bình, độc lập và phát triển”. 

Việc Việt Nam và Lào xác định chiến lược phát triển kinh tế - xã hội dài hạn của mỗi nước đã tạo điều kiện thúc đẩy quan hệ hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam bước vào giai đoạn phát triển mới cao hơn. Căn cứ vào thỏa thuận giữa lãnh đạo cấp cao hai Đảng, tháng 10 năm 1991 và thực hiện Hiệp định hợp tác giữa hai Chính phủ ký ngày 15 tháng 2 năm 1992, Ủy ban Kế hoạch nhà nước Việt Nam và Ủy ban Kế hoạch và Hợp tác Lào cùng phối hợp đề ra Chiến lược hợp tác về kinh tế, văn hóa, khoa học - kỹ thuật giữa Việt Nam và Lào. Chiến lược này là cơ sở để hai bên phối hợp xây dựng và quyết định các chương trình và dự án kế hoạch hợp tác. 

(Còn tiếp)

(Nguồn: Lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam 1930-2017, Tài liệu do Ban Tuyên giáo Trung ương biên soạn).

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>