Quan hệ đặc biệt Việt Nam – Lào

21/07/2017 | 07:07 GMT+7

(Tiếp theo)

Thiết thực hưởng ứng “Năm đoàn kết hữu nghị Việt Nam - Lào 2017, tiến tới kỷ niệm 55 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Lào (5/9/1962 - 5/9/2017) và 40 năm ngày ký Hiệp ước hữu nghị, hợp tác Việt Nam - Lào (18/7/1977 - 18/7/2017), Báo Hậu Giang trích đăng nội dung về quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam, tài liệu do Ban Tuyên giáo Trung ương biên soạn.

Năm 2009, lần đầu sau 20 năm Việt Nam mở đầu tư vào lĩnh vực dịch vụ, Chính phủ Lào đã cấp phép cho dự án đầu tư sân golf có tầm cỡ ở ngoại thành Viêng Chăn, khu Đông Phô Xỉ, huyện Hạt Xai Phong với số vốn khoảng 1 tỉ USD của Công ty Golf Long Thành. 

Về giao thông vận tải, giai đoạn 1996-2000, hai bên đã cùng nhau tìm nguồn đầu tư nâng cấp hệ thống đường thông thương nối liền hai nước, tạo điều kiện cho Lào thông thương qua lãnh thổ và cảng biển Việt Nam ra các nước. Hai bên đã đầu tư Quốc lộ 43 (Mộc Châu - cửa khẩu Pa Háng), 6B (Hủa Phăn), đầu tư xây dựng cửa khẩu Chiềng Khương (Sơn La), Quốc lộ 42 Lai Châu - Tây Trang - Phôngxalỳ); cải tạo nâng cấp Quốc lộ 9A, cửa khẩu Lao Bảo (Quảng Trị) - Xavẳnnakhệt, Quốc lộ 8 đi cửa khẩu Cầu Treo (Hà Tĩnh) - Bolikhămxay, Quốc lộ 7 đi cửa khẩu Nậm Cắn (Nghệ An) - Xiêng Khoảng; Quốc lộ 217 đi cửa khẩu Na Mèo (Thanh Hóa) và 6A (Hủa Phăn), Quốc lộ 12A đi cửa khẩu Chalo (Quảng Bình) - Khăm Muộn. Cải tạo nâng cấp cảng Đà Nẵng, cảng Xuân Hải và hoàn thành bến I cảng Vũng Áng để phía Lào sử dụng. Hai bên phối hợp hoàn thành xây dựng cửa khẩu Cầu Treo và Nặm Phạo. Hai bên ký thỏa thuận về nguyên tắc Việt Nam cho Lào vay ưu đãi xây dựng đường 18B tại Lào.

Kết quả đầu tư trong lĩnh vực giao thông vận tải không những tạo điều kiện thông thương giữa hai nước, giúp Lào có đường ra biển, mà còn làm thay đổi bộ mặt kinh tế của nhiều khu vực và góp phần nâng cao đời sống, trình độ dân trí của các xã vùng cao trên dọc các tuyến thông qua Lào. Nhiều khu kinh tế cửa khẩu mới được hình thành, giao lưu thương mại các chợ biên giới giữa hai nước ngày càng phát triển.

Trong lĩnh vực năng lượng, từ năm 1986 đến năm 1995, hai bên đã phối hợp chặt chẽ, khẩn trương thiết kế và thi công một số tuyến dây tải điện 35 kV từ Việt Nam qua Lào. 

Tháng 7 năm 1998, Việt Nam và Lào đã ký Hiệp định hợp tác năng lượng - điện, hai bên đã trao đổi, bổ sung và thống nhất dự án quy hoạch hệ thống đầu nối điện giữa hai nước. Hai bên xác định cụ thể công trình thủy điện hợp tác, phương thức mua, bán điện và giá điện làm cơ sở để phía Lào đưa vào tiến độ xây dựng và phía Việt Nam đưa vào tổng sơ đồ phát triển điện giai đoạn 2001-2005.

Việt Nam hoàn thành việc giúp Lào quy hoạch đầu nối mạng điện hai nước các tuyến Nặm Mộ - Bạn Vẽ - Vinh (110 kV), Xê Camản - A Vương - Đà Nẵng (220 kV), Nam Lào - Trạm 500 kV Plâycu (500 KV) để chuẩn bị thực hiện thỏa thuận nối mạng năng lượng điện trong những năm tới. Tiếp tục xây dựng Nhà máy thủy điện Xê Camản 3, chuẩn bị đầu tư cụm dự án thủy điện Xê Camản 1, bao gồm cả dự án Xê Camản Xanxay (Xê Camản 0) và các dự án thủy điện Nặm Cắn, Xê Camản 4, Đắc Ymơn, Xê Coong 3 (thượng lưu và hạ lưu) để phục vụ kết nối hệ thống điện giữa hai nước.

Hợp tác về giáo dục và đào tạo luôn được hai Đảng, hai Nhà nước xác định là một nhiệm vụ quan trọng, là lĩnh vực hợp tác chiến lược và là biểu hiện của mối quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào. Việt Nam coi việc đào tạo cho Lào một nguồn nhân lực có trình độ cao là nhu cầu có tính chiến lược lâu dài, không những của Lào mà còn phục vụ cho quá trình hợp tác của Việt Nam với Lào.

Trong những năm đầu đổi mới (1986-1992), Việt Nam đã đào tạo cho Lào 537 cử nhân của các ngành và 252 lưu học sinh trung học chuyên nghiệp; tăng cường đào tạo giúp Lào bậc sau đại học (thạc sĩ, tiến sĩ), để cung cấp cho các ngành mũi nhọn về kinh tế, khoa học - kỹ thuật. Đồng thời, phía Lào còn yêu cầu Việt Nam cử các chuyên gia sang giúp xây dựng chương trình giảng dạy, đào tạo bồi dưỡng giáo viên, hướng dẫn sinh viên làm đồ án tốt nghiệp,... Kể từ năm 1992, Chính phủ hai nước Việt Nam và Lào đã ký kết Hiệp định về đào tạo cán bộ Lào tại Việt Nam và hằng năm, hiệp định này đều được bổ sung, sửa đổi cho phù hợp với tình hình nhiệm vụ mới. Từ năm 1997, hai bên đã nhanh chóng chuyển hướng kết hợp đào tạo dài hạn, chính quy với tăng cường bồi dưỡng và đào tạo lại cán bộ hệ ngắn hạn trên các lĩnh vực quản lý; kết hợp cử chuyên gia đào tạo tại Lào với việc mở rộng hình thức đào tạo tại chức cho Lào tại Việt Nam. Trong năm năm (1996-2000), phía Việt Nam đã tiếp nhận 2.184 cán bộ, học sinh Lào. Chính phủ Lào cũng ngày càng tăng số học bổng đại học cấp cho cán bộ, học sinh Việt Nam tại Lào. Ngoài ra, hằng năm, Đại học Quốc gia Lào còn mở rộng tiếp nhận hàng chục sinh viên Việt Nam sang học tự túc hệ đại học. 

Trong thập niên đầu của thế kỷ XXI, Đảng và Nhà nước hai nước Việt Nam và Lào ngày càng quan tâm hợp tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực. Từ năm 2001 đến năm 2007, hai bên đã thống nhất dùng 49,05% nguồn vốn viện trợ (289,4 tỉ VNĐ) để đào tạo, phát triển nguồn nhân lực của Lào, thông qua việc cấp học bổng cho cán bộ, học sinh Lào có mặt ở Việt Nam và đầu tư vào các cơ sở đào tạo tại Lào.

Hai bên tập trung ưu tiên đào tạo, bồi dưỡng cán bộ chính trị và quản lý của Đảng và Nhà nước Lào, với số lượng từ 130 người năm 2001 tăng lên 225 người năm 2005 và hàng ngàn cán bộ, học sinh tốt nghiệp các bậc đại học và cao đẳng trong năm năm (2001-2005). Kết quả này đã tạo cho Lào một nguồn nhân lực có chất lượng cao trên hầu hết các lĩnh vực quản lý, kinh tế, văn hóa, khoa học - kỹ thuật.

Hợp tác về khoa học - kỹ thuật, nhất là về chuyên gia cũng được hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước coi trọng đổi mới và hoàn thiện cả về cơ chế lẫn hình thức hợp tác. Trong những năm 1996-2000, theo yêu cầu của phía Lào, Việt Nam đã cử 475 lượt chuyên gia, tập trung vào các lĩnh vực kinh tế (63%), quốc phòng - an ninh (28%) và các lĩnh vực khác. Trong những năm này, nhiều đoàn chuyên gia vụ việc quan trọng của Việt Nam được cử sang Lào trao đổi và xử lý các vấn đề về quản lý vĩ mô (1996), đổi mới doanh nghiệp (1998), tiếp nhận viện trợ (1999),... Đặc biệt, sự có mặt kịp thời của Đoàn chuyên gia cao cấp Việt Nam giúp Lào chống lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô năm 1999, được phía Lào đánh giá đạt hiệu quả cao và thiết thực.

Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam tiến hành Đại hội lần thứ X (4/2006) và Đảng Nhân dân cách mạng Lào tổ chức Đại hội lần thứ VIII (3/2006), hai bên thống nhất xác định quan điểm hợp tác trong giai đoạn 2006-2010 là tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp, có hiệu quả trong mối quan hệ đặc biệt giữa hai nước, kết hợp chặt chẽ giữa hợp tác kinh tế với chính trị, an ninh - quốc phòng và đối ngoại. Lấy mục tiêu chính trị làm cơ sở xem xét hiệu quả cho các hoạt động hợp tác kinh tế trên cơ sở phát huy và duy trì các kết quả hợp tác đã đạt được; sử dụng tốt tiềm năng, thế mạnh và bảo đảm sự phát triển bền vững môi trường sinh thái của mỗi nước; nâng cao hiệu quả và tăng cường ảnh hưởng thông qua hợp tác kinh tế; đồng thời có cơ chế hỗ trợ thông thoáng, tạo sức cạnh tranh cho các doanh nghiệp hoạt động đầu tư, thương mại trên thị trường hai bên.

Hợp tác kinh tế, văn hóa, khoa học - kỹ thuật tiếp tục hướng vào mục tiêu ưu tiên đào tạo nguồn nhân lực và nâng cao chất lượng đào tạo; tăng cường hợp tác phát triển bền vững vùng biên giới hai nước; quan tâm thích đáng hợp tác trên lĩnh vực văn hóa; khuyến khích và tạo điều kiện cho các địa phương hợp tác trên cơ sở quản lý thống nhất thông qua các chương trình hợp tác. Như vậy, hợp tác kinh tế đang đóng vai trò trọng tâm, là cơ sở vững chắc để phát triển hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam, nhằm đưa quan hệ hợp tác kinh tế lên ngang tầm hợp tác chính trị.

(Còn tiếp)

(Nguồn: Lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam 1930-2017, Tài liệu do Ban Tuyên giáo Trung ương biên soạn).

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>