Quan hệ đặc biệt Việt Nam – Lào

31/07/2017 | 08:21 GMT+7

Thiết thực hưởng ứng “Năm đoàn kết hữu nghị Việt Nam - Lào 2017, tiến tới kỷ niệm 55 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Lào (5/9/1962 - 5/9/2017) và 40 năm ngày ký Hiệp ước hữu nghị, hợp tác Việt Nam - Lào (18/7/1977 - 18/7/2017), Báo Hậu Giang trích đăng nội dung về quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam, tài liệu do Ban Tuyên giáo Trung ương biên soạn.

(Tiếp theo)

Hợp tác giữa các địa phương và hợp tác biên giới 

Về hợp tác giữa các địa phương, trong giai đoạn này, các hoạt động trao đổi kinh nghiệm, giao lưu nhằm thúc đẩy phát triển hợp tác toàn diện trên các lĩnh vực: kinh tế - thương mại, đầu tư, du lịch, văn hóa, khoa học - kỹ thuật, giáo dục, y tế, quốc phòng - an ninh, giao lưu nhân dân,… giữa các tỉnh có biên giới Việt Nam và Lào và các tỉnh, thành phố của Việt Nam tiếp tục phát triển sôi động và mang lại hiệu quả cao. Hợp tác, giao lưu giữa các địa phương vừa đóng vai trò quan trong trong phát triển kinh tế - xã hội ở mỗi địa phương, đồng thời củng cố nền tảng và làm sâu sắc hơn quan hệ đặc biệt Việt Nam và Lào trên mọi phương diện.

Trong lĩnh vực hợp tác phát triển bền vững biên giới, chính quyền và hệ thống chính trị của hai nước đều rất chú trọng xây dựng tuyến biên giới Việt Nam - Lào ổn định và phát triển toàn diện; kiên quyết đấu tranh ngăn chặn các hoạt động của các thế lực thù địch lợi dụng các vấn đề tôn giáo, dân tộc để chống phá, chia rẽ mối quan hệ giữa hai nước.

Việc tăng cường kiểm tra dọc tuyến biên giới, tại các cửa khẩu, phòng chống tội phạm xuyên quốc gia; ngăn chặn và xử lý việc khai thác tài nguyên thiên nhiên trái phép, nạn buôn lậu, vận chuyển ma túy, mua bán người và những vấn đề tiêu cực khác nảy sinh tại địa bàn biên giới hai nước được đẩy mạnh trong giai đoạn này; khẩn trương hoàn thành các thủ tục đối nội, đối ngoại để triển khai, phổ biến, tuyên truyền, thực hiện hiệu quả hai văn kiện pháp lý mới được ký kết ngày 16 tháng 3 năm 2016 tại Hà Nội là Hiệp định về Quy chế quản lý biên giới và cửa khẩu biên giới Việt Nam - Lào, Nghị định thư về đường biên giới và mốc quốc giới Việt Nam - Lào.

* * *

Quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam từ năm 1975 đến 2017 là một bước tiến dài và đạt được những thành quả vô cùng to lớn. Từ quan hệ liên minh chiến đấu, hai nước bước sang thời kỳ đoàn kết đặc biệt, hợp tác toàn diện được đánh dấu bằng văn kiện lịch sử: “Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam - Lào” (18/7/1977). Bằng quyết tâm chính trị của hai Đảng và quyết tâm điều hành, quản lý của hai Nhà nước, cùng với sự nỗ lực phấn đấu của các ngành, các cấp, các địa phương và nhân dân hai nước, quan hệ hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam ngày càng phát triển cả về chiều rộng lẫn chiều sâu, từ hợp tác về chính trị, đối ngoại, quốc phòng - an ninh đến hợp tác kinh tế, văn hóa, khoa học - kỹ thuật, hợp tác giữa các địa phương, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ công cuộc xây dựng và phát triển ở mỗi nước.

Trong giai đoạn khảo nghiệm, mở đường đổi mới (1976-1985), điểm nổi bật trong quan hệ hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam không phải là mối quan hệ của một nước giàu đối với một nước nghèo, của một nước đã thành công với một nước mới tiến hành xây dựng chủ nghĩa xã hội, mà là sự giúp đỡ lẫn nhau, nương tựa vào nhau của hai nước có cùng hoàn cảnh vừa ra khỏi chiến tranh với những hậu quả nặng nề của sự tàn phá khốc liệt. Đây là sự cùng nhau chia sẻ những kinh nghiệm trong bước đi ban đầu của thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội với nhiều khó khăn, lúng túng. Đây là sự tương trợ lẫn nhau nhằm khắc phục tình trạng thiếu thốn từ cái ăn, cái mặc, đến cả những nhu cầu thiết yếu của cuộc sống. Và đây còn là sự phối hợp cùng nhau trên mặt trận ngoại giao để cùng vượt qua những khó khăn và thách thức để bảo vệ độc lập, tự chủ, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của mỗi nước. 

Giai đoạn đổi mới bắt đầu từ năm 1986, gắn với việc Việt Nam và Lào cùng chuyển đổi cơ chế quản lý kinh tế, điều chỉnh cơ cấu kinh tế và quan hệ kinh tế đối ngoại, giảm dần tính tập trung, bao cấp, chuyển sang xây dựng kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Tuy nhiên, trong hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam, hai nước luôn xác định tập trung vào những lĩnh vực có thể phát huy được thế mạnh và điều kiện thuận lợi căn bản của mỗi nước, kết hợp thỏa đáng thông lệ và tập quán quốc tế với tính chất đặc biệt của quan hệ Việt Nam và Lào, có sự ưu tiên, ưu đãi cho nhau phù hợp với khả năng của mỗi nước. Các thỏa thuận chiến lược hợp tác kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học - kỹ thuật, các hiệp định, nghị định thư và các thỏa thuận hợp tác được ký kết, tạo thành một hệ thống các cơ chế hợp tác và khung pháp lý quan trọng để các bộ, ngành hai bên áp dụng; nhờ đó tính hiệu quả của quan hệ hợp tác Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam được chú trọng và nâng lên rõ rệt.

Từ năm 2011 đến nay, quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào ngày càng đi vào chiều sâu, thiết thực và có hiệu quả trên các lĩnh vực; góp phần quan trọng vào những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo đảm ổn định chính trị của mỗi nước; tiếp tục củng cố và tăng cường quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt Việt Nam - Lào, đồng thời là nhân tố đặc biệt quan trọng góp phần nâng cao vị thế của cả hai Đảng, hai nước, đóng góp tích cực cho hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới. 

Chặng đường hơn 40 năm bảo vệ và phát triển quan hệ đặc biệt mà Việt Nam và Lào cùng tiến hành đã đạt được những thành tựu to lớn, toàn diện và có ý nghĩa lịch sử sâu sắc. Chặng đường đó cũng chính là thời gian thử thách quan hệ hữu nghị, đoàn kết đặc biệt, hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào. Nhân dân Việt Nam và nhân dân Lào hết sức vui mừng nhận thấy quan hệ hai nước tiếp tục có bước phát triển tốt đẹp trên tất cả các lĩnh vực. Việt Nam và Lào đều dành những ưu tiên cao nhất cho nhau trong mối quan hệ, đồng thời vừa bảo đảm tôn trọng tính pháp lý và những thông lệ quốc tế. Điều đó càng khẳng định mối quan hệ đặc biệt hiếm có Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam là tài sản chung vô giá của hai Đảng, hai dân tộc, là quy luật tồn tại và phát triển, là quan hệ sống còn và là nguồn lực quan trọng đối với sự nghiệp bảo vệ, phát triển ở mỗi nước.

 (Còn tiếp)

(Nguồn: Lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam 1930-2017, Tài liệu do Ban Tuyên giáo Trung ương biên soạn).

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>