Quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam - bản chất, thành quả, bài học và triển vọng

07/07/2017 | 08:24 GMT+7

(Tiếp theo)

Hưởng ứng “Năm đoàn kết hữu nghị Việt Nam - Lào 2017, tiến tới kỷ niệm 55 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Lào (5/9/1962 - 5/9/2017) và 40 năm ngày ký Hiệp ước hữu nghị, hợp tác Việt Nam - Lào (18/7/1977 - 18/7/2017)”, Báo Hậu Giang giới thiệu đến Quý độc giả nội dung về quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam.

Ba là, quan hệ Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam tiếp tục phát triển trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của hai dân tộc Việt Nam, Lào (1976-2007).

Trên lĩnh vực chính trị, ngoại giao, quốc phòng - an ninh:

- Sau khi thu được thắng lợi hoàn toàn trong cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, hai nước Việt Nam, Lào ký kết Hiệp ước hữu nghị và hợp tác giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, ngày 18 tháng 7 năm 1977 thúc đẩy sự phát triển quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam trong khung cảnh mới, mang tính chính trị, pháp lý cơ bản, bền vững lâu dài.

Trong 30 năm qua, Hiệp ước ấy luôn khơi dậy nhiều sáng tạo, đưa tới những giải pháp hữu hiệu mà Đảng, Nhà nước Việt Nam và Lào phối hợp thực hiện, như phá tan mưu đồ của đối phương bóp méo vấn đề Việt Nam phối hợp với cách mạng Campuchia đánh đổ chế độ diệt chủng của bè lũ Pôn Pốt và hồi sinh dân tộc Campuchia, dỡ bỏ bao vây, cấm vận, bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và một số quốc gia khác… Đồng thời, Việt Nam hỗ trợ Lào giải quyết khó khăn về lương thực, hàng tiêu dùng khi biên giới phía tây bị đóng cửa, để kịp thời ổn định tình hình xã hội, ngăn chặn dòng người di tản ra nước ngoài.

Việc ký kết Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia Việt Nam - Lào, ngày 18 tháng 7 năm 1977 và hoàn thành hoạch định, cắm mốc trên toàn tuyến biên giới cùng với hoạt động hợp tác về an ninh - quốc phòng, kinh tế, giao lưu văn hóa đã xây dựng nên một biên giới hòa bình, hữu nghị hợp tác và phát triển Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam.

- Trước những khó khăn gay gắt của tình trạng khủng hoảng kinh tế - xã hội ở Việt Nam và Lào từ cuối thập niên 1970 và thập niên 1980, Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Nhân dân cách mạng Lào sử dụng phương châm: nhìn thẳng vào sự thật để phát hiện những sai lầm chủ quan duy ý chí, nóng vội, muốn đi nhanh lên chủ nghĩa xã hội theo mô hình kế hoạch hóa tập trung quan liêu, bao cấp; và quyết định tiến hành công cuộc đổi mới ở hai nước. Hai Đảng cùng phối hợp chặt chẽ trong quá trình nghiên cứu, vận dụng, phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về chủ nghĩa xã hội, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội và áp dụng vào điều kiện cụ thể của hai nước; đồng thời, tìm tòi thử nghiệm trong thực tiễn để mở ra con đường đổi mới và hội nhập quốc tế, đưa cách mạng hai nước thoát khỏi tình trạng khủng hoảng kinh tế - xã hội và tiến bước theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Điều đó chứng tỏ: “Công cuộc đổi mới là tất yếu khách quan, là quá trình có tính chất cách mạng và khoa học”. Thắng lợi này ghi thêm một kỳ tích mới của quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam.

- Trên thế giới, từ năm 1987 đến 1991, Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu lâm vào tình trạng khủng hoảng dẫn tới sụp đổ chế độ xã hội chủ nghĩa do thực hiện đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập, phê phán Đảng Cộng sản và chủ nghĩa Mác - Lênin... Trước tình hình đó, Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Nhân dân cách mạng Lào đưa ra những nguyên tắc đổi mới (năm 1989): giữ vững mục tiêu xã hội chủ nghĩa và nhận thức đúng hơn, có phương pháp phù hợp hơn để xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội; giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa và sự lãnh đạo của Đảng; kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, không chấp nhận đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập.

Cũng vào lúc này, công cuộc đổi mới đã đưa lại hiệu quả bước đầu rõ rệt trong sản xuất và đời sống, gây được niềm tin của nhân dân đối với vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Nhân dân cách mạng Lào cùng con đường phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Các hoạt động trên thể hiện rõ bản lĩnh chính trị và năng lực sáng tạo của hai Đảng đã vượt qua cơn bão táp hiểm nghèo của hệ thống xã hội chủ nghĩa, giữ vững vai trò lãnh đạo của mình và ổn định chính trị của đất nước.

- Từ năm 1976 đến đầu thế kỷ XXI, Việt Nam và Lào bị nhiều thế lực thù địch từ bên ngoài vừa tấn công, xâm phạm chủ quyền lãnh thổ, vừa sử dụng những phần tử phản động lưu vong quay trở về phá hoại an ninh quốc gia. Một lần nữa, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc đặt ra cho ngành quốc phòng - an ninh và nhân dân Việt Nam, Lào nhiều nhiệm vụ mới.

Theo chủ trương, kế hoạch hợp tác giữa hai Đảng và Chính phủ, lực lượng vũ trang và lực lượng an ninh Lào, Việt Nam phối hợp chặt chẽ thực hiện các nhiệm vụ chống ngoại xâm, chống phỉ, dẹp bạo loạn, trừ diệt bọn phản động vượt qua lãnh thổ Lào xâm nhập lãnh thổ Việt Nam… Mặt khác, hai bên giúp nhau đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và trang bị kỹ thuật hậu cần.

Hợp tác phát triển kinh tế, giáo dục và đào tạo cán bộ:

- Trên lĩnh vực kinh tế, hai bên cùng chấp hành nguyên tắc hợp tác là bình đẳng, tôn trọng chủ quyền quốc gia, cùng có lợi và hết lòng giúp đỡ nhau; mặt khác còn căn cứ vào tình hình cụ thể của mỗi nước mà dành ưu tiên, ưu đãi cho nhau.

Phương thức hợp tác ngày càng được mở rộng và nâng cao về quy mô, chất lượng và hiệu quả. Có thể thấy điều đó qua các cuộc hội đàm và gặp gỡ giữa lãnh đạo cấp cao của hai Đảng, hai Nhà nước về những quan điểm kinh tế xoay quanh chủ đề chính yếu nhất là thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội của Việt Nam, Lào và kinh nghiệm chỉ đạo thực hiện tại hai nước. Trên thực tế, sự hợp tác của hai nước diễn ra từ trung ương đến tỉnh, thành phố và các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, dịch vụ… trên các lĩnh vực kinh tế, tài chính, ngân hàng, công thương, nông nghiệp,…

Nội dung hợp tác kinh tế được chuyển dần theo cấp độ từ thấp lên cao: ban đầu là viện trợ, cho vay, tiến đến hợp tác sản xuất, kinh doanh phù hợp công thức: tài nguyên Lào, lao động kỹ thuật Việt Nam, vốn hợp tác hoặc vay của nước thứ ba. Tiếp đó, từ năm 1996 trở đi, một công thức hợp tác mới được áp dụng, đó là hợp tác hai bên cùng có lợi theo thông lệ quốc tế, ưu tiên, ưu đãi hợp lý cho nhau.

Điều đặc sắc nổi bật trong quan hệ hợp tác kinh tế Lào - Việt Nam là tinh thần giúp đỡ nhau mỗi khi nước bạn gặp khó khăn không thể tự giải quyết được. Hành động Việt Nam cùng hợp tác chặt chẽ với Lào nghiên cứu chống lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô năm 1999 đạt được kết quả tốt đẹp, là một mẫu hình tiêu biểu.

- Sự hợp tác giáo dục và đào tạo cán bộ Lào - Việt Nam được lãnh đạo hai Đảng và hai Nhà nước đặt ở tầm chiến lược, mở đầu từ thời kỳ chống đế quốc Mỹ và liên tục phát triển cho dù phải vượt qua nhiều khó khăn, gian khổ của chiến tranh và những biến động hiểm nghèo của hệ thống xã hội chủ nghĩa.

Trong những năm chiến tranh, nhiệm vụ giúp Lào về giáo dục được Việt Nam dành ưu tiên chủ yếu cho giáo dục phổ thông. Song với tầm nhìn chiến lược, chủ động đón những bước phát triển đột biến của cách mạng, từ năm 1962, theo yêu cầu của bạn Lào, Việt Nam đã cử nhiều chuyên gia sang hợp tác nghiên cứu lập phương án giải quyết.

Sau năm 1975, hợp tác giáo dục và đào tạo cán bộ giữa Việt Nam - Lào phát triển khá toàn diện cả về cấp độ và loại hình chuyên môn, nghiệp vụ, với trọng tâm là đại học, trên đại học. Trong đó, số cán bộ thuộc hệ thống chính trị của Lào chiếm tỷ lệ cao, học tập trung và tại chức, dài hạn và ngắn hạn, chủ yếu do Trường Đảng Cao cấp Nguyễn Ái Quốc (nay là Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, đảm nhiệm. Nội dung chương trình đào tạo chứa đựng nhiều kết quả nghiên cứu lý luận và tổng kết thực tiễn trên các chặng đường cách mạng, nhất là công cuộc đổi mới, đó là những kiến thức bổ ích cho đội ngũ cán bộ Lào.

Phía Lào cũng giúp đỡ Việt Nam đào tạo đội ngũ cán bộ nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn về Lào và phiên dịch tiếng Lào, đã phát huy tốt kết quả học tập để giữ gìn và phát triển theo chiều sâu quan hệ hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam.

Nhìn chung quá trình hợp tác Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo cán bộ đã góp phần quan trọng và to lớn tạo nên nguồn lực cơ bản, bền vững cho sự phát triển của quan hệ Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam.

(Còn tiếp)

(Nguồn: Lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam 1930-2007, Tài liệu tuyên truyền, Nxb. CTQG).

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>