Quyết liệt, mạnh mẽ hơn nữa với tham nhũng

09/11/2017 | 11:27 GMT+7

“Vẫn tiếp tục xảy ra một số vụ tham nhũng, có dấu hiệu tham nhũng ngay trong các cơ quan bảo vệ pháp luật, cơ quan thanh tra và cơ quan có chức năng phòng, chống tham nhũng”, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho biết như vậy khi thẩm tra báo cáo của Chính phủ mới đây.

Thật vậy thì niềm tin đã lung lay, hụt hẫng!

Khẳng định một điều rằng, điều đó phát sinh ở giai đoạn chống tham nhũng khi mà “cây kim trong bọc” lòi ra, bị phanh phui, bắt bớ. Chống quốc nạn này, hiện nay ở nước ta không nhiều lắm cơ quan có quyền. Vậy mà khi được giao quyền chống, những cán bộ ấy lại… “góp gió cho bão”.

Có còn lòng tin nữa không khi muốn tố cáo tham nhũng, muốn đưa “sâu dân mọt nước” ra pháp luật? Bởi nếu có đeo đuổi, kỳ vọng thì chắc gì có kết quả khi nó được nghi phạm, can phạm hay ai đó ra giá với cơ quan chống tham nhũng để sai phạm nhẹ bớt, đổi trắng thay đen.

Còn nữa.

“Sẽ tạo ra thế hệ tham nhũng thứ hai xuất hiện vì khi chạy chức mất tiền, đến khi có quyền thì tính bài thu lại và không cách nào khác là tham nhũng”.

Xót xa quá khi nghe những lời thật!

Đó là thực trạng tham nhũng trong công tác cán bộ. Đại biểu Quốc hội Nguyễn Mai Bộ, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội, nói thật sự có tình trạng trên. Cảnh báo nếu không chống tham nhũng trong công tác cán bộ thì hệ quả sẽ tạo ra đội ngũ cán bộ mà Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XII) đánh giá là “rất đau lòng”, đội ngũ cán bộ yếu kém.

Vậy thì bài học đầu tiên của những “bậc chiếu trên” dạy cho “bậc hậu sinh”, cả người thân của họ là phải có tiền mới được việc, có tiền mới có quyền…

Cách đây tròn 1 năm, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng được ban hành nhấn mạnh: Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi, có mặt, có bộ phận còn diễn biến tinh vi, phức tạp hơn; tham nhũng, lãng phí, tiêu cực vẫn còn nghiêm trọng, tập trung vào số đảng viên có chức vụ trong bộ máy nhà nước.

Trung ương đã thấy rất rõ và sau 1 năm thực hiện nghị quyết, chắc gì đời sống chính trị của những cán bộ biến chất ấy có nghị quyết mang bên mình.

Khi đất nước có ngoại xâm, ai nấy một lòng ao ước duy nhất là có hòa bình; hòa bình, thống nhất, ai nấy đều ao ước có cơm ăn, áo mặc; có rồi thì ước ao ăn sung, mặc sướng. Nay thỏa mãn thì lòng tham trỗi dậy, muốn vơ vét của công, muốn có tiền, quyền nhiều hơn những gì ao ước. Họ “tích lũy” một cách… hoang dã như thể ngày mai…

Trung ương Đảng khẳng định: Chính việc xử lý cán bộ, đảng viên vi phạm còn nương nhẹ, nể nang, thiếu cương quyết. Chưa có cơ chế khen thưởng những tập thể, cá nhân, tổ chức thực hiện nghị quyết sáng tạo, có hiệu quả và xử lý nghiêm những tập thể, cá nhân không thực hiện hoặc thực hiện không nghiêm túc là một trong những nguyên nhân dẫn đến sinh ra những cá nhân chỉ nghĩ đến tư lợi hơn là phục vụ. Nếu có phục vụ thì cũng vì tư lợi mà xớ rớ động tay động chân.

Chủ trương, giải pháp, biện pháp, luật pháp đều có đủ để chống quốc nạn tham nhũng, song “Đâu đó ngoài kia dân vẫn kêu ca”. Quyết liệt hơn nữa, mạnh tay hơn nữa, mở rộng hơn nữa và dứt khoát không để tham nhũng tồn tại phải chăng là giải pháp bức thiết cần nhắc lại?

TRÍ THỨC

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>