Quyết liệt thực hiện các chỉ tiêu phát triển

06/10/2017 | 08:31 GMT+7

Tại Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ 10 (mở rộng) nhiệm kỳ 2015-2020 sơ kết công tác quý III, triển khai chương trình công tác quý IV, lãnh đạo tỉnh, các sở, ngành và các địa phương đánh giá tình hình thực hiện chỉ tiêu nghị quyết năm 2017 còn nhiều khó khăn, đòi hỏi sự nỗ lực nhiều hơn nữa vào những tháng cuối năm.

Tổ chức thành công Hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2017 đã mở ra nhiều cơ hội mới cho sự phát triển của Hậu Giang. Ảnh: TRUNG QUÂN

Nếu như công tác xây dựng Đảng đã được các cấp ủy đảng trong tỉnh quan tâm thực hiện có chiều sâu thì các chỉ tiêu phát triển trên lĩnh vực kinh tế đang để lại nhiều nỗi lo.           

Phát triển nhưng vẫn lo

Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đồng Văn Thanh, tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm tiếp tục đạt nhiều kết quả khá quan trọng, nổi bật là tổ chức thành công Hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2017. Hội nghị này đã mở ra nhiều thời cơ mới cho sự phát triển tỉnh nhà khi được trao chủ trương đầu tư cho 5 dự án với tổng số vốn là 1.944 tỉ đồng; tiếp nhận đóp góp Quỹ an sinh - phúc lợi xã hội của 15 đơn vị, doanh nghiệp với tổng số tiền 32,6 tỉ đồng; thực hiện ký biên bản ghi nhớ hợp tác giữa tỉnh Hậu Giang với các tỉnh Bạc Liêu, Kiên Giang, Sóc Trăng... Bên cạnh đó, các chỉ tiêu chủ yếu về kinh tế - xã hội đều có sự tăng trưởng khá tốt theo kế hoạch và tăng so cùng kỳ. Cụ thể, trong 19 chỉ tiêu chủ yếu về kinh tế - xã hội được UBND tỉnh đề ra trong năm 2017, có 3 chỉ tiêu vượt kế hoạch, 4 chỉ tiêu đã đạt kế hoạch, 5 chỉ tiêu đạt trên 80% kế hoạch...

Mặc dù vậy, ông Đồng Văn Thanh cũng bày tỏ lo lắng vì trong sự phát triển chung của tỉnh vẫn còn tiềm ẩn nhiều khó khăn, hạn chế. Do bị ảnh hưởng nghiêm trọng từ diễn biến bất thường của thời tiết nên tăng trưởng khu vực I đạt thấp. Mặc dù UBND tỉnh đề ra 7 giải pháp trọng tâm để cải thiện, tăng nhanh tốc độ tăng trưởng khu vực I và đã đạt được một số kết quả quan trọng nhưng dự kiến cuối năm 2017, khu vực I chỉ đạt  99,71% kế hoạch. Mặt khác, một số nguồn thu từ doanh nghiệp nhà nước, thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài… đạt thấp; một số công trình, dự án đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội còn chậm tiến độ, trong đó có một số công trình thiếu vốn; thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài còn yếu, nguyên nhân chính là do đáp ứng về hạ tầng, quỹ đất sạch để thu hút, kêu gọi đầu tư còn hạn chế…

Ở huyện Phụng Hiệp, tình hình sản xuất mía cũng gặp nhiều khó khăn. Bí thư Huyện ủy Phụng Hiệp Nguyễn Văn Lẫy thông tin, hiện người dân trên địa bàn đã thu hoạch mía trên diện tích hơn 500ha, năng suất giảm hơn năm trước, đạt khoảng 90 tấn/ha. Bên cạnh đó, giá bán mía thực tế hiện nay là 800-850 đồng/kg, thấp hơn so với giá các nhà máy đường đăng ký bao tiêu cho dân. Để hạn chế thiệt hại cho diện tích mía ngoài vùng đê bao do nước lũ dâng cao như hiện nay, ngành chức năng huyện đang tăng cường liên kết với các nhà máy để đẩy nhanh tiến độ thu hoạch mía.

Một nỗi lo khác là tình hình sạt lở đất và lốc xoáy diễn biến hết sức phức tạp. Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ đầu năm tới nay, trên địa bàn tỉnh ghi nhận 25 điểm sạt lở, còn lốc xoáy cũng gây ra nhiều thiệt hại. Đáng nói là không thể dự báo được khi nào lốc xoáy xảy ra nên các địa phương cần tích cực tuyên truyền, vận động người dân chủ động các biện pháp ứng phó.

Dồn sức thực hiện các chỉ tiêu

Trước những khó khăn, hạn chế tồn tại, UBND tỉnh đề ra nhiều giải pháp tháo gỡ, tập trung vào những chỉ tiêu còn đạt thấp. Về công tác thu ngân sách nhà nước, ông Đồng Văn Thanh cho biết sẽ tăng cường khai thác các nguồn thu còn tiềm năng, nhất là thu thuế bảo vệ môi trường của Công ty Cổ phần đầu tư dầu khí Nam Sông Hậu và các lĩnh vực còn thất thu để bù đắp cho các nguồn thu còn thấp; tập trung thanh tra, kiểm tra và chống thất thu thuế, gian lận về thuế. Bên cạnh đó, rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế chính sách có liên quan đến các khoản thu từ đất để đẩy nhanh tiến độ các dự án phát sinh trên địa bàn, kịp thời phối hợp xử lý khoản ghi thu - ghi chi tiền thuê đất của dự án Nhà máy nhiệt điện Sông Hậu 1 vào ngân sách nhà nước để bù đắp các khoản hụt thu.

Đánh giá về tiến độ thu ngân sách trên địa bàn, ông Nguyễn Hùng Sửu, Cục trưởng Cục Thuế, cung cấp số liệu khá lạc quan khi tiến độ thu từ tháng 7 tới nay đang tăng dần. Cụ thể, tháng 7 thu được 214,5 tỉ đồng, tháng 8 là 222,7 tỉ đồng, còn tháng 9 ước thu khoảng 274 tỉ đồng. “Trong cả quý IV, ước thu đạt khoảng 780 tỉ đồng (không tính tiền thu sử dụng đất), lũy kế của năm là 2.830 tỉ đồng, đạt 102% dự toán thu ngân sách năm nay”, ông Sửu nói.

Để thực hiện tốt các chỉ tiêu phát triển đã đề ra trong năm, ông Lữ Văn Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND tỉnh, yêu cầu các cấp, các ngành cần tập trung phát triển nông nghiệp toàn diện, đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ, đánh giá lại tính khả thi các mô hình sản xuất, canh tác đang hiệu quả để làm cơ sở tuyên truyền, triển khai nhân rộng đến các địa phương có điều kiện phù hợp. Tích cực liên kết, kết nối với các doanh nghiệp, nhà máy để bao tiêu sản phẩm cho người dân. Trong chỉ đạo, điều hành các nhiệm vụ phát triển kinh tế cần có cách tiếp cận mang tính căn cơ, lâu dài, có cân nhắc, tính toán, quản trị rủi ro đối với đầu ra; tránh việc đầu tư manh mún, “nhỏ giọt”, không tạo ra giá trị gia tăng. Tiếp tục đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, trong đó tập trung cho hạ tầng giao thông, thủy lợi, khai thác hiệu quả tiềm năng và lợi thế của từng địa phương để có kế hoạch, giải pháp phát triển đạt hiệu quả thiết thực.

Quý IV là thời gian Đảng bộ tỉnh dồn sức thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết năm 2017 nên Tỉnh ủy đề ra 7 công việc trọng tâm yêu cầu cấp ủy đảng, chính quyền các cấp tập trung thực hiện. Đó là tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp, ưu tiên đầu tư phát triển sản phẩm sạch, chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; chỉ đạo diễn tập khu vực phòng thủ cấp huyện đúng kế hoạch; tổ chức tốt kỳ họp HĐND tỉnh cuối năm; chỉ đạo việc kiểm điểm tập thể, cá nhân và đánh giá, phân loại chất lượng tổ chức cơ sở đảng, đảng viên cuối năm…

“Quý IV có 3 tháng, nhưng việc thực hiện các chỉ tiêu chủ yếu tập trung vào tháng 10, tháng 11 nên đòi hỏi cấp ủy đảng, chính quyền phải nỗ lực và dồn sức hơn nữa”, ông Huỳnh Thanh Tạo, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, nhấn mạnh.

TRƯỜNG SƠN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>