Sinh nhật Bác - Nhớ Di chúc Người !

19/05/2017 | 07:32 GMT+7

Xã luận của Báo Granma, Cơ quan Trung ương của Đảng Cộng sản Cuba, số đặc biệt ra ngày 14-9-1969, có đoạn: “Hồ Chủ tịch đã cống hiến cả cuộc đời mình cho dân tộc Việt Nam và Người sẽ tiếp tục cống hiến. Bởi vì, khi nói về Người thì khái niệm thông thường về cái chết không còn đúng nghĩa nữa; và giờ đây, đồng chí Hồ Chí Minh như một đóa hoa thơm, đỏ thắm và bất diệt, luôn luôn tươi mát, gieo khắp đất nước Việt Nam”.

Lãnh đạo tỉnh, sở, ban, ngành, địa phương và nhân dân Hậu Giang viếng Bác nhân dịp Sinh nhật Bác hàng năm.  Ảnh: NHẬT TÂN

Không thể khác hơn vì Người vẫn sống mãi với non sông đất nước, với bao thế hệ con cháu Hồ Chí Minh. Kể từ ngày 19-5-1946, lần đầu tiên nhân dân ta kỷ niệm Sinh nhật Người cũng là ngần ấy bao năm lớp lớp cháu con ra sức lập công thành kính dâng lên Bác.

Sinh nhật Cha già, bùi ngùi nhớ lại Di chúc thiêng liêng! Đã lâu rồi chúng con ca hát nhân dịp Sinh nhật của Người cũng không quên dặn nhau làm theo Di huấn ấy để “xây dựng một nước Việt Nam dân chủ và giàu mạnh”. Thường xuyên thực hiện Di chúc Bác, Hậu Giang không ngừng phát triển sau 13 năm thành lập. Những điều tốt đẹp Người hằng mong muốn vẫn mãi là kim chỉ nam cho mọi hành động vì Đảng, vì dân, vì sự tiến bộ của quê hương, đất nước.

“Trước hết nói về Đảng”

Nói về Di chúc, đoạn Bác “để sẵn mấy lời” mà “trước hết nói về Đảng”, ông Trần Công Chánh, Bí thư Tỉnh ủy, nhắc đến sự “đoàn kết”, về “tự phê bình và phê bình”, “đạo đức cách mạng” của cán bộ, đảng viên được Bác ưu tiên dặn dò. Di huấn ấy đã thấm nhuần trong nhận thức, hành động của từng người. “Nhờ đoàn kết, biết tự phê bình và phê bình, nâng cao đạo đức cách mạng, giữ gìn Đảng thật trong sạch, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân mà Hậu Giang có những thành tựu nổi bật như hôm nay. Chúng ta đã đi đến bến bờ chân lý là: Không có gì quý hơn độc lập, tự do; dân ta đã có cơm ăn áo mặc, cơm no áo ấm - điều mà Bác dặn dò trước lúc đi xa”, ông Trần Công Chánh nhấn mạnh.

Ông Trần Công Chánh cũng cho rằng, trải qua từng giai đoạn khác nhau theo quy luật thăng, trầm của cuộc sống, Đảng bộ và nhân dân Hậu Giang vẫn kế thừa, phát huy truyền thống yêu nước, tự lực, tự cường, tinh thần đoàn kết. Để rồi hôm nay nhìn lại tỉnh có những đổi mới, bứt phá.

Hơn 13 năm thành lập, từ một tỉnh có rất nhiều khó khăn, điểm xuất phát thấp so với các tỉnh trong vùng, Hậu Giang đã nỗ lực phấn đấu, vươn lên và đạt được những kết quả quan trọng trên tất cả các lĩnh vực: kinh tế ngày càng phát triển với tốc độ tăng trưởng năm 2004 là 10,51% thì năm 2016 là 13,5%; thu nhập bình quân đầu người từ 5 triệu đồng năm 2004, tăng lên 31 triệu đồng năm 2016; hộ nghèo từ 23% năm 2004 giảm còn 12,19% năm 2016; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư tương đối đồng bộ; nông nghiệp, nông thôn có nhiều khởi sắc, có 17 xã đạt chuẩn nông thôn mới; các khu, cụm công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp đang dần tạo nhiều công ăn việc làm, thu nhập cho người lao động. Hoạt động đền ơn đáp nghĩa được duy trì thường xuyên, từ các nguồn vận động xã hội hóa đã sửa chữa, xây dựng mới với trên 33.000 căn nhà tình nghĩa, tình thương. Công tác xây dựng Đảng bộ ngày càng vững mạnh, chất lượng và số lượng đảng viên được nâng lên.

“Đằng sau những thành tựu có một vài “cung bậc lỗi nhịp”, song tổng thể là bức tranh về một Hậu Giang ngày càng đổi khác. Những lời dặn dò của Bác được chúng tôi đã cụ thể hóa thành hành động thiết thực, vì quê hương tiến bộ, như: thu hút đầu tư hiệu quả, xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, tích cực chăm lo đời sống nhân dân, đền ơn đáp nghĩa… Cũng từ đó mà khi nhắc đến thì người ta nhớ về một Hậu Giang “đoàn kết - nghĩa tình - thủy chung - năng động”, ông Trần Công Chánh nhấn mạnh.

Cũng nói về điều “trước hết” của Bác, bà Phạm Thị Phượng, Tỉnh ủy viên, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tổ chức Tỉnh ủy, nhắc lại nội dung “nghiêm túc tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng” mà Bác “để lại”.

13 năm qua, nhiệm vụ này ở tỉnh đã trở thành công việc thường xuyên trong Đảng, góp phần siết lại kỷ luật, kỷ cương, có tác dụng cảnh báo, răn đe, cảnh tỉnh và góp phần ngăn chặn các hành vi tiêu cực, các biểu hiện suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên. “Đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, nhất là người đứng đầu đã chú trọng việc nâng cao tinh thần trách nhiệm, đổi mới phương thức lãnh đạo và lề lối làm việc; nêu cao tinh thần nêu gương, giữ gìn đạo đức, lối sống, tự giác sửa chữa khuyết điểm, điều chỉnh hành vi trong công tác, trong sinh hoạt của bản thân, của gia đình, người thân của cán bộ”, bà Phạm Thị Phượng nói.

“Không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”

Hôm nay, con cháu của Người tề tựu về bên mái nhà chung - Đền thờ Bác Hồ, ở xã Lương Tâm, huyện Long Mỹ, để thành kính dâng hương. Năm nào cũng vậy, mâm lễ vật được chuẩn bị chu đáo, đầy đủ, phong phú hơn như thầm báo với Người cuộc sống chúng con từng ngày càng no đủ, sung túc.

65 tuổi, hơn 25 năm gắn bó với các hoạt động tổ chức viếng Bác tại Đền thờ, nhưng năm nay bà Nguyễn Thị Bé, người dân xã Lương Tâm, vẫn chưa cho mình nghỉ ngơi trong việc chuẩn bị nấu nướng, phục vụ việc viếng Bác. “Đền thờ Bác Hồ đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần của người dân chúng tôi. Sinh nhật Người năm nay, khoảng 7 ngày trước tôi đã đến quét lá cây, dọn dẹp vệ sinh sạch sẽ, chuẩn bị bánh trái, trà nước để phục vụ lễ một cách chu đáo. Tôi còn sức khỏe làm cho Bác được gì thì sẽ cố gắng hết sức, đây là cách mà tôi muốn tỏ lòng biết ơn chân thành với vị Cha già kính yêu của dân tộc”, bè Bé nói.

Với nội dung “không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”, huyện Long Mỹ có lẽ là địa phương… đi trước về sau. Con người vùng đất anh hùng Long Mỹ ngay từ ngày Bác đi xa đã lập bàn thờ để tưởng nhớ, “quyết chiến quyết thắng giặc Mỹ xâm lược, giải phóng miền Nam”, “ra sức trau dồi mình thành những con người mới”.

Huyện Long Mỹ (trước chia tách năm 2015) sau giải phóng và giai đoạn đổi mới có những đột phá rất tiến bộ (đi trước), sau chia tách, huyện Long Mỹ… lùi về để tiếp tục làm mới; cái nghèo, cái khó vẫn còn đeo bám. “Với tinh thần quật cường, sáng tạo, biết khắc phục khó khăn, và “có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”, huyện Long Mỹ ngày nay có sự phát triển khá trong tỉnh và khu vực”, ông Lê Hữu Phước, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Long Mỹ, nói.

Cụ thể là sau khi chia tách, huyện Long Mỹ đã biết dựa vào thế mạnh nông nghiệp để phát triển; biến thách thức, khó khăn trong sản xuất nông nghiệp thành cơ hội để đi lên tiến bộ. Hàng trăm diện tích ruộng, vườn kém hiệu quả, có nguy cơ bị mặn xâm nhập của nông dân được chuyển đổi để thích ứng; diện tích, sản lượng nông nghiệp tăng nhiều so năm 2015; năm 2106, hộ thoát nghèo vượt 2,1% so chỉ tiêu… Huyện Long Mỹ cũng là địa phương đạt hạng nhất về công tác xây dựng Đảng năm 2016 của tỉnh. “Giữ gìn Đảng ta thật trong sạch đã giúp nội bộ Đảng, chính quyền và đoàn thể huyện rất đoàn kết, có tiếng nói chung trong khắc phục cái khó, phát huy cái mới, chăm lo, phát triển đời sống vật chất, tinh thần của người dân. Đây là một trong những nội dung “đạo đức cách mạng” được Bác dặn, chúng tôi đã làm được và sẽ báo công lên Người”, ông Lê Hữu Phước nói.

Trong khi đó, thành phố Vị Thanh những năm gần đây cũng “thay da đổi thịt”. Từ một đô thị nhỏ nay bề thế hơn thấy rõ. Ai về tỉnh lỵ Hậu Giang sau vài năm đi xa sẽ thấy đổi khác. Khi chưa là tỉnh lỵ, Vị Thanh độc đạo một lối, nay nhiều người đến - đi phải hỏi thăm đường. Thay đổi dễ thấy nhất này ai cũng công nhận.

Sau 13 năm trở thành tỉnh lỵ Hậu Giang, từ một thành phố non trẻ, cơ cấu kinh tế chủ yếu là nông nghiệp, kết cấu hạ tầng thiếu đồng bộ, nhưng với bản lĩnh, trí tuệ, sự năng động, nhạy bén cùng với tinh thần đoàn kết, thống nhất ý chí, quyết đưa thành phố xứng đáng với vị thế của trung tâm tỉnh, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân đã nỗ lực phấn đấu đạt những kết quả quan trọng. Trong đó, nếu giá trị sản xuất năm 2010 đạt 2.200 tỉ đồng thì năm 2016 đạt gần 6.000 tỉ đồng; 100% cơ sở có trường mẫu giáo, trạm y tế, 100% phường được công nhận văn minh đô thị, 2/4 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; hộ nghèo giảm còn 9% theo tiêu chí đa chiều. Bên cạnh đó là kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư tương đối đồng bộ, nhiều công trình lớn được đầu tư xây dựng, như: Công viên - kè kênh xáng Xà No, Di tích Chiến thắng Chương Thiện, cầu Cái Tư, cầu Xà No, Quốc lộ 61C; Cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp từng bước hoàn thiện…

Ông Võ Minh Tâm, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Vị Thanh, nhận xét: “Chính chỗ thấm nhuần Di huấn của Người đã thôi thúc chúng tôi có những việc làm cụ thể để thực hiện nhiệm vụ chính trị, xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh. Muốn Đảng bộ trong sạch, vững mạnh thì nhiệm vụ chính trị phải hoàn thành, nhiệm vụ chính trị hoàn thành thì kinh tế - xã hội phát triển, đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được nâng lên. Đó chính là thực hiện những gì Bác dặn trước lúc đi xa”.

***

Tháng 10-1947, khi viết tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, Bác đã nhìn thấy và chỉ ra nhiều tiêu cực, bệnh trong nội bộ Đảng, chính quyền lúc ấy. Vậy mà khi “để sẵn mấy lời”, vị Cha già chỉ nhỏ nhẹ dặn con cháu “phải giữ gìn”, “cần phải chăm lo”, “phải có kế hoạch”, “mong rằng”, “tin chắc”… Nghe thật tha thiết, sâu sắc, chất chứa đầy tình cảm, thôi thúc hành động!

Sinh nhật Bác - Nhớ Di chúc Người! Lớp lớp cháu con ở Hậu Giang một lòng theo Đảng, theo Bác Hồ; thành kính dâng lên Người nhiều “chiến công” mới về nhận thức đúng đắn, hành động tích cực, cách mạng. Nhưng thưa Bác! Dù đã tận tâm, tận lực vì sự tiến bộ của quê hương, đất nước thì thế hệ con cháu Hồ Chí Minh khi nghĩ lại còn những điều chưa hài lòng và cúi đầu xin hứa với Bác…

Người vẫn còn sống mãi!

Năm 1965, Bác viết bản Di chúc gồm 3 trang do chính Bác đánh máy, ở cuối đề ngày 15-5-1965. Đây là bản Di chúc hoàn chỉnh có chữ ký của Bác và bên cạnh có chữ ký của đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng lúc bấy giờ.

Năm 1968, Bác viết bổ sung thêm một số đoạn, gồm 6 trang viết tay.

Ngày 10-5-1969, Bác viết lại toàn bộ đoạn mở đầu Di chúc gồm 1 trang viết tay.

Năm 1966, 1967, Bác không có những bản viết riêng.

 

TRÍ THỨC

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>
Liên kết hữu ích