Thạnh Hòa ngày ấy, bây giờ

04/01/2018 | 07:52 GMT+7

Từ một vùng đất chịu nhiều bom đạn trong chiến tranh, sau hơn 40 năm giải phóng (1975-2018), Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân xã Thạnh Hòa, huyện Phụng Hiệp, đã xây dựng quê hương ngày thêm đổi mới.

Niềm vui của người lao động nông thôn khi được đào tạo nghề, có việc làm tăng thêm thu nhập.

Là người con sinh ra và lớn lên trên quê hương Thạnh Hòa, sau nhiều năm xa xứ, chị Kim Loan không khỏi ngỡ ngàng trước những đổi thay của quê mình. Chị nhớ năm nào đường đi lại còn khó khăn, cầu tre lắt lẻo, dân cư thưa thớt, vườn tược hoang sơ, nay dân cư đông đúc, nhà ở khang trang, ruộng vườn, cây trái xum xuê xanh tốt. Trường, trạm kiên cố, điện nước đầy đủ, đường sá thông thương, xe máy đi lại dễ dàng suốt hai mùa mưa nắng. Kinh tế cũng đang trên đà phát triển theo hướng công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp. Chợ Thạnh Hòa, chợ Phú Khởi, đông người mua bán, hàng hóa cũng dồi dào không thua chợ thành, chợ thị. Bên cạnh đó, người chăn nuôi heo, gà, cá giống, lươn, rắn, cua đinh, ba ba… cũng mở rộng quy mô ngày một thêm nhiều. Những vườn cây ăn trái kém hiệu quả giờ đã thay thế bằng những loại cây có giá trị kinh tế cao như cam, bưởi, sầu riêng, măng cụt…

Nhấp miếng trà thơm, ông Tư Trách (Trần Văn Trách), một lão nông đã bước sang tuổi 78, ông cũng là người cao niên cố cựu ở cái kênh Chày Đạp, thuộc ấp 4, xã Thạnh Hòa, suốt ngần ấy thời gian. Ông nói rằng hồi ông còn là cậu bé tắm sông, ông thường nghe người lớn tuổi hơn kể lại, xã Thạnh Hòa xưa kia còn có tên gọi khác là làng Thạnh Hưng, thuộc tổng Định Hòa, quận Phụng Hiệp, tỉnh Cần Thơ. Khoảng năm 1930 về trước, vùng đất này hoang sơ, chỉ mọc toàn lau sậy và cây tràm, rắn, cá nhiều vô số kể.

Từ vùng đất khó khăn, nhưng với tinh thần đoàn kết của 3 dân tộc Kinh, Hoa, Khmer, hàng ngàn người đã hội tụ về đây dựng cột, cất nhà khai khẩn đất hoang trồng khoai, cấy lúa. Sau nhiều năm sinh sống, không ít người buộc phải bỏ làng, rời xứ ra đi. Những người ở lại, vẫn cố bám đất giữ làng, đấu tranh chống lại chế độ độc tài của bọn thực dân, giành lấy chính quyền về tay Nhân dân trong những ngày khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám năm 1945.

Trang sử Thạnh Hòa còn ghi chép thời chống Mỹ, vùng đất này chịu không ít bom đạn, bởi đây là nơi đóng quân thường xuyên của lực lượng vũ trang quân giải phóng. Và cũng là căn cứ của một bộ phận Khu ủy Huyện ủy Phụng Hiệp, cùng Tỉnh đội Cần Thơ dọc 2 tuyến kênh Tha La - Chày Đạp, thuộc ấp 2 và ấp 4 ngày nay. Vào những năm 1960-1964, địch liên tục xua quân càn quét, bắn phá vùng căn cứ cách mạng này, nhưng với quyết tâm của Đảng bộ và nhân dân xã Thạnh Hòa bám đất giữ làng “một tấc không đi, một ly không rời”, bọn địch đã gặp phải sự kháng cự, đánh trả quyết liệt của lực lượng du kích địa phương phối hợp với quân chủ lực giải phóng, làm cho địch nhiều phen thất bại. Đặc biệt là 2 trận đánh tại Tha La - Chày Đạp và Chày Đạp - Đường Gỗ vào năm 1960-1964, lực lượng du kích địa phương, kết hợp với Tiểu đoàn chủ lực Tây Đô chặn đánh 2 tiểu đoàn lính địch và diệt hàng trăm tên nên người dân Thạnh Hòa vui mừng ca ngợi chiến công qua những vần thơ:

Ai về Chày Đạp - Thạnh Hòa

Đi qua Đường Gỗ nghe hò hát vang

Mùa thu lá úa đổ vàng

Áo rằn Mỹ - Diệm trăm thằng phơi thây

Kết thúc chiến tranh, sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước 30-4-1975, xã Thạnh Hòa có đến 390 người con ưu tú của quê hương đã anh dũng hy sinh và 110 anh, chị em thương binh về lại cuộc sống đời thường. Là một xã đi lên trong gian khó, hàng ngàn hộ dân sống chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp nên tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo còn chiếm khá cao. Xác định được khó khăn, Đảng bộ xã Thạnh Hòa tập trung dồn sức với sự tham gia vào cuộc của các ban, ngành, đoàn thể đẩy mạnh công tác vận động hội viên, cũng như phối hợp với ngành nông nghiệp triển khai xây dựng các mô hình trình diễn. Qua đó, giúp người dân lựa chọn được mô hình phù hợp với từng vùng đất, từng hộ gia đình chuyển đổi cây, con giống mới có giá trị kinh tế cao. Bên cạnh đó, còn có sự quan tâm của Nhà nước, của tỉnh đã tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ dân vay vốn đầu tư sản xuất.

Ông Trần Minh Hoàng, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Thạnh Hòa, cho biết đến nay có hơn 800ha đất vườn tạp của hơn 4.500 hộ dân trong xã đã được chuyển đổi sang trồng cây ăn trái có giá trị kinh tế cao như cam, bưởi, xoài, nhãn… và đã có hơn 130 mô hình cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/ha/năm. Ngoài ra, còn có 6 mô hình trang trại chăn nuôi gà, cá, lươn, rắn, ba ba… có thu nhâp hàng tỉ đồng/hộ/năm, nâng số hộ khá, giàu trong toàn xã lên hơn 400 hộ. Bên cạnh đó, các cấp chính quyền, đoàn thể địa phương còn quan tâm đến việc đào tạo nghề cho nhiều đối tượng lao động nông thôn. Tạo cho họ nhiều cơ hội tìm được việc làm ổn định ở công ty, nhà máy nên thu nhập bình quân đầu người từng bước được tăng lên từ 34.818.000 đồng/người/năm 2016 lên 37.500.000 đồng/người/năm 2017. Tỷ lệ hộ nghèo cũng giảm từ 10% năm 2016 về trước, nay còn 5,38%, tương đương 242 hộ. Gắn với phát triển kinh tế, xã Thạnh Hòa luôn đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, 10/10 ấp có đường giao thông nông thôn liên xã, hệ thống đê bao thủy lợi cơ bản được khép kín đáp ứng yêu cầu sản xuất, dân sinh. Bên cạnh việc phát triển kinh tế, Đảng bộ xã Thạnh Hòa cũng rất chú trọng việc chăm lo các gia đình chính sách, hộ nghèo, nhiều hoạt động thiết thực luôn được quan tâm.

Câu chuyện về mảnh đất anh hùng ngày càng được nhiều người biết đến khi Đảng bộ, chính quyền địa phương đang xúc tiến phát triển kinh tế gắn với du lịch vừa để tăng thêm nguồn thu, vừa tạo thêm việc làm cho người dân, đồng thời tôn vinh những giá trị lịch sử văn hóa trên quê hương cách mạng Thạnh Hòa.

Bài, ảnh: QUANG HẢI

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>