Thi đua chứ đừng... ganh đua !

06/06/2018 | 08:18 GMT+7

Đặt vấn đề này vì trong phong trào thi đua đâu đó vẫn còn mang nặng tính chất… ganh đua.

Trong một lần tìm hiểu các mô hình tuyên truyền về công tác bầu cử trưởng ấp, khu vực, chỉ định phó trưởng ấp, khu vực nhiệm kỳ 2018-2023; bầu thành viên ban thanh tra nhân dân cấp xã nhiệm kỳ 2018-2020, ở xã nọ có mô hình tuyên truyền rất hay và không “đụng hàng” với các xã khác. Ngỏ ý viết bài về mô hình này nhưng một lãnh đạo xã lại không muốn cho đăng báo. Họ giải thích rằng nếu đăng báo thì các xã khác sẽ biết và “nhảy vô” làm khiến họ mất điểm thi đua.

Biết vị lãnh đạo này chưa… thông lắm về ý nghĩa của công tác thi đua nên tôi cố gắng dùng lý lẽ giải thích, đại loại là thi đua để cùng nhau tiến bộ, cùng nhau thực hiện hiệu quả hơn nhiệm vụ chính trị chung; nếu mô hình này có hiệu quả và được nhân rộng ra toàn huyện sẽ giúp công tác tuyên truyền đạt kết quả cao hơn… Cuối cùng, vị này cũng hiểu !

Tôi có người quen là cán bộ trong Ban Thi đua - Khen thưởng, Sở Nội vụ. Người này nói các cuộc họp để bình xét kết quả các cụm, khối thi đua cuối năm đều rất… sôi nổi, vì mỗi đơn vị đều muốn cộng thêm điểm cho mình, hạ điểm đơn vị khác để giành… phần thắng thi đua. Thậm chí còn tranh cãi nảy lửa qua lại chỉ vì 1 hoặc 2 điểm số, biến không khí thi đua trở thành sự… ganh đua khốc liệt.

Phát biểu tại Hội nghị tổng kết phong trào thi đua yêu nước năm 2017 và phát động phong trào thi đua năm 2018, ông Lê Tiến Châu, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng tỉnh, từng nói: “Trong thi đua khối và cụm, các đơn vị, địa phương chưa thể hiện tinh thần giao lưu, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm, từng lúc có dấu hiệu chạy theo thành tích, thiếu công khai, minh bạch”.

Qua các dẫn chứng trên để thấy phong trào thi đua đâu đó vẫn còn mang nặng tính chất… ganh đua, đi ngược lại với ý nghĩa, tính chất tốt đẹp của công tác thi đua là cùng nhau tiến bộ; là công cụ để thúc đẩy mỗi cơ quan, đơn vị hay cá nhân nỗ lực thực hiện đạt kết quả cao hơn nhiệm vụ được giao; là khuyến khích, cổ vũ cho sự suy nghĩ, tìm tòi, sáng tạo nên những mô hình mới, cách làm hay để nhân rộng.

Khi cơ quan, đơn vị hay cá nhân nào đó có cách làm mới, tìm tòi ra cách làm hay thì đó là điều vinh dự và được mọi người công nhận, trân trọng, nhưng sẽ càng đáng quý hơn nếu sẵn sàng chia sẻ những điều đó cho mọi người cùng áp dụng thực hiện để nâng cao hơn hiệu quả công việc, năng suất lao động trên cùng một nhiệm vụ. Điều đó khẳng định hơn giá trị căn nguyên tốt đẹp của phong trào thi đua yêu nước.

Nếu có ý định giấu giếm cái hay của mình để giành thứ hạng cao trong thi đua thì chỉ là có ý nghĩ cục bộ, thiếu tinh thần thi đua chân chính. Chưa kể đó còn là tiền lệ xấu, bởi nếu ai cũng có suy nghĩ ấy sẽ kìm hãm tính hiệu quả của các phong trào thi đua.

Dẫu biết cơ quan, đơn vị, địa phương nào đạt thứ hạng cao trong thi đua là chuyện đáng… nở mặt nở mày, nhưng chỉ vì điều này mà dẫn đến mâu thuẫn, tranh luận quyết liệt về điểm số khi bình xét kết quả thi đua thì có nên chăng? Đôi khi mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương quyết tâm tranh luận, giành giật từng điểm số cho mình nhưng không phù hợp với tình hình thực tế trong phong trào thi đua chung, dẫn đến những đòi hỏi vô lý. Để rồi…

Qua đây cũng cần lưu ý về vai trò, trách nhiệm của cơ quan phụ trách tổ chức các phong trào thi đua. Cụ thể là phải xây dựng kế hoạch, tiêu chí thi đua rõ ràng, sát hợp với từng phong trào thi đua; trong bình xét kết quả phải công tâm, minh bạch, nơi nào có phong trào thi đua mạnh mẽ, đều khắp thì khen nhiều, phong trào thi đua xuất sắc thì khen cao. Một khi khen thưởng đúng người, đúng việc góp phần khuyến khích, cổ vũ và tạo sự lan tỏa mạnh mẽ trong phong trào thi đua yêu nước.

Tóm lại, muốn phong trào thi đua đạt kết quả cao thì các cơ quan, đơn vị, địa phương hay mỗi cá nhân phải có nhận thức đầy đủ và tâm thế đúng đắn về vai trò của mình. Hãy nghĩ thi đua là cơ hội để mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương hay các cá nhân cùng nhau… thi đua để thực hiện tốt hơn chức trách, nhiệm vụ, trong đó cũng cần đề cao sự giao lưu, học hỏi, chia sẻ, nhân rộng những cách làm hay, mô hình mới.

Chưa hết, nội dung, mục tiêu phong trào thi đua phải được cụ thể hóa, phù hợp với thực tế và gắn với trách nhiệm của người đứng đầu. Có vậy thì phong trào thi đua mới được triển khai có hiệu quả và trở thành động lực quan trọng thúc đẩy tỉnh nhà phát triển !

TRƯỜNG SƠN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>