Thi đua gắn với phát triển

04/01/2018 | 07:54 GMT+7

Ngày càng đi vào chiều sâu, mang lại hiệu quả thiết thực và có đóng góp quan trọng vào sự phát triển chung của tỉnh là những đánh giá cụ thể về công tác thi đua, khen thưởng (TĐKT) trên địa bàn tỉnh trong năm 2017.

Phong trào thi đua trong xây dựng nông thôn mới đã được huyện Châu Thành A phát động thực hiện có chiều sâu.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đồng Văn Thanh, trong năm 2017, công tác TĐKT của tỉnh đã đi vào nề nếp và có nhiều đổi mới trong cách tổ chức các phong trào thi đua cả về nội dung lẫn hình thức; triển khai, thực hiện các phong trào thi đua có tiêu chí, nội dung rõ ràng, cụ thể. Từ đó, phong trào thi đua ngày càng có sức lan tỏa mạnh mẽ, tạo động lực để thúc đẩy kinh tế - xã hội tỉnh phát triển toàn diện với kết quả năm sau luôn cao hơn năm trước.

Khen đúng người, đúng việc, đúng thành tích

Đó là một trong những yếu tố quan trọng giúp cho công tác TĐKT của tỉnh ngày càng đi vào chiều sâu. Theo lãnh đạo UBND tỉnh, công tác khen thưởng đã được tỉnh thực hiện kịp thời, có chú trọng đến thành tích sản xuất, sáng tạo; tỷ lệ khen thưởng, tuyên dương người lao động trực tiếp, công nhân, nông dân ngày càng được nâng lên. Qua đó đã khích lệ, thu hút được sự hưởng ứng tham gia của đông đảo nhân dân và sự quan tâm của toàn xã hội.

Cụ thể, từ năm 2016 đến ngày 31-11-2017, có 132 trường hợp được phong tặng, truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước Bà mẹ Việt Nam anh hùng; 119 tập thể, cá nhân được Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ khen thưởng; 7.872 tập thể, cá nhân được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen; 2.886 cá nhân được khen thưởng chuyên đề, đột xuất…

Bên cạnh đó, việc tổ chức các phong trào TĐKT có nhiều đổi mới, bám sát nhiệm vụ trọng tâm trong từng thời gian, giai đoạn. Phong trào thi đua đã bám sát yêu cầu, nhiệm vụ chính trị, các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, của mỗi cấp, mỗi ngành và địa phương. Từ đó có tác dụng động viên, giữ vững và phát huy truyền thống yêu nước, tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, tính năng động, sáng tạo, ý thức tự lực tự cường, tạo động lực mới, nhân tố mới giúp tỉnh đạt được những thành tựu toàn diện và quan trọng.

Theo bà Nguyễn Hoài Thúy Hằng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, căn cứ vào hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Sở đã xây dựng kế hoạch phát động phong trào thi đua rộng rãi trong toàn ngành, nhất là tập trung vào phong trào thi đua dạy tốt - học tốt. Sở cũng tổ chức các cuộc thi giáo viên dạy giỏi cấp THCS, THPT, kết quả có 75 giáo viên đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh.

Trong khen thưởng ngành này luôn ưu tiên cho lực lượng giáo viên và học sinh thay vì cho cán bộ quản lý cấp trường. Đặc biệt là lãnh đạo tỉnh luôn quan tâm khen thưởng đột xuất cho những giáo viên, học sinh đạt giải cao tại các hội thi cấp toàn quốc, giúp họ có thêm động lực để phấn đấu nhiều hơn.

Còn khi kiểm tra phong trào thi đua ở huyện Châu Thành A, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Thị Hà đánh giá cao địa phương này đã đạt được nhiều kết quả rất tích cực trong các phong trào thi đua, nhất là trong xây dựng nông thôn mới.

Để có được những lời khen đó, huyện Châu Thành A đã tổ chức các phong trào thi đua sát với điều kiện thực tế địa phương. Cụ thể, đã nhân rộng 1.354 mô hình phát triển kinh tế cho thu nhập cao, 451 gương điển hình tiên tiến. Tổ chức khen thưởng cho 54 tập thể, 310 cá nhân với tỷ lệ khen thưởng trong dân đạt 85,41%. Trong phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới, huyện đã phát động 5 phong trào thi đua đặc thù, tổ chức trên 4.500 lượt tuyên truyền với trên 102.000 lượt người tham dự. Kết quả, đến nay, huyện có 4/6 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Huyện ủy, UBND huyện đề ra mục tiêu phấn đấu đến 2018 được công nhận tiếp xã Trường Long A; năm 2019 công nhận xã Tân Hòa và nỗ lực phấn đấu đạt chuẩn huyện nông thôn mới vào năm 2020.

Theo đánh giá của Tỉnh ủy, điểm nổi bật trong công tác TĐKT của tỉnh năm 2017 là phong trào thi đua của các cơ quan, đơn vị, địa phương luôn bám sát nhiệm vụ chính trị được giao, có kế hoạch thi đua phù hợp, hiệu quả; nhận thức của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp về tầm quan trọng của công tác TĐKT ngày càng được nâng lên. Công tác khen thưởng được thực hiện kịp thời, nhất là khen thưởng đột xuất và trong Nhân dân. Từ đó thúc đẩy phong trào thi đua yêu nước ngày càng có sức lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội.

Làm Trưởng Đoàn công tác của Hội đồng TĐKT Trung ương đến kiểm tra, giám sát công tác TĐKT tại tỉnh năm 2017, bà Đặng Thị Ngọc Thịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng TĐKT Trung ương, đánh giá cao những kết quả mà Hậu Giang đạt được trong công tác TĐKT. Trong đó, đã quan tâm xây dựng các mô hình mới; quan tâm khen thưởng đột xuất và khen nhiều cho người lao động với tỷ lệ khen thưởng hơn 70%. Nhờ công tác TĐKT được thực hiện tốt đã tạo động lực để địa phương thực hiện đạt kết quả cao các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

Để thi đua thêm chất lượng

Dù đạt kết quả đáng phấn khởi, nhưng theo đánh giá của Hội đồng TĐKT tỉnh, phong trào thi đua của tỉnh vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế như: Công tác phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân rộng điển hình tiên tiến có nơi còn mang tính hình thức, thiếu thuyết phục, không đủ sức hút để mọi người học tập, làm theo. Công tác tuyên truyền, nêu gương điển hình tiên tiến đôi lúc chưa được chú trọng. Việc biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc đóng góp cho phong trào thi đua từng lúc, từng nơi thực hiện thiếu tính sâu sát và kịp thời.

Để khắc phục những hạn chế này và thực hiện tốt hơn nữa phong trào TĐKT trong năm 2018, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đồng Văn Thanh cho biết, tỉnh sẽ thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện nhiệm vụ công tác TĐKT; kịp thời phát hiện, biểu dương những tập thể, cá nhân, cơ quan, đơn vị, địa phương làm tốt công tác này; đồng thời sẽ phê bình, góp ý những nơi chưa làm tốt. Qua các đợt thi đua, các cấp, các ngành, đơn vị, địa phương quan tâm chỉ đạo sơ kết, cuối năm phải có tổng kết rút kinh nghiệm. Song song đó, tăng cường phát hiện, bồi dưỡng, giới thiệu các tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến, các mô hình mới để nhân rộng trên địa bàn tỉnh; làm tốt công tác khen thưởng, chú trọng khen cho nông dân, công nhân, người trực tiếp lao động…

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh cho rằng, thời gian tới, Hậu Giang cần tiếp tục đẩy mạnh công tác TĐKT toàn diện, chất lượng hơn; tiếp tục nhân rộng các điển hình, mô hình, nhất là trong các đoàn thể chính trị - xã hội. Tiếp tục tôn vinh những cá nhân, tập thể có cách làm mới, đạt hiệu quả cao trong các phong trào thi đua; phát huy vai trò của báo chí trong tuyên truyền, khuyến khích phong trào thi đua yêu nước. Đặc biệt là cần tăng cường hơn nữa thi đua trong xây dựng nông thôn mới, quyết tâm đến năm 2020 có 50% số xã của tỉnh đạt danh hiệu nông thôn mới theo mục tiêu chung mà Trung ương đề ra.

Bài, ảnh: TRƯỜNG SƠN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>