Thi đua sâu rộng trên mặt trận giảm nghèo

01/06/2018 | 08:15 GMT+7

Với mục đích tạo phong trào thi đua sâu rộng trong toàn xã hội, giúp người nghèo có cuộc sống tốt hơn, các địa phương, đơn vị trong tỉnh đã xây dựng nhiều mô hình giảm nghèo, cách làm thiết thực. Từ đó, giúp người nghèo có cuộc sống tốt hơn.

Nhờ thực hiện mô hình làm ăn hiệu quả, gia đình anh Hậu đã thoát nghèo.

Giảm nghèo bền vững từ sự quyết tâm, gắn kết

Nhờ thực hiện mô hình hiệu quả, gia đình anh Trần Văn Hậu, ở ấp Phương Quới C, xã Phương Bình, huyện Phụng Hiệp có cuộc sống ổn định. Hiện nay, anh làm nghề bó cán chổi, sau đó giao cho các cơ sở làm chổi, bình quân mỗi tháng thu nhập cũng gần 20 triệu đồng. Trò chuyện cùng chúng tôi, anh Hậu kể về những ngày gian khó của gia đình, rồi nhận được sự hỗ trợ, giúp đỡ của địa phương, vợ chồng anh mới có cuộc sống như ngày hôm nay.

Trước đây, cuộc sống gia đình anh vất vả, hàng ngày anh đi mua trúc, sau đó cắt khúc rồi giao cho các công ty, doanh nghiệp làm chổi ở tỉnh Tây Ninh. Tuy nhiên, cuộc sống vẫn túng thiếu, khó khăn. Trong một lần tình cờ thấy một công ty ở Thành phố Hồ Chí Minh có nhiều vải vụn, vợ chồng anh đã bàn bạc rồi quyết định chuyển sang nghề đan thảm. Lúc ấy, được địa phương tạo điều kiện cho vay 10 triệu đồng, với số tiền có được, anh chị đã mua vải vụn về đan thảm. Nhờ siêng năng, chăm chỉ, chẳng quản ngại thức khuya dậy sớm, gia đình anh có nguồn thu nhập ổn định từ công việc này, rồi vươn lên thoát nghèo. Thời gian gần đây, mặt hàng thảm hơi chựng lại, nên vợ chồng anh Hậu nghỉ làm gia công mà chủ động chuyển sang bỏ mối, đồng thời trở lại làm nghề bó cán chổi. Để có thêm nguồn vốn, anh tiếp tục vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội để đầu tư vào công việc làm ăn. “Bình quân 1 tuần hoặc 10 ngày thì tôi giao hàng một lần. Nhờ có công việc này, đời sống kinh tế ổn định, vợ chồng tôi cũng có thêm điều kiện mua sắm thêm vật dụng trong nhà. Nói thiệt chứ, lúc trước làm việc đầu tắt mặt tối, đâu có thời gian nghỉ ngơi”, anh Hậu chia sẻ.

Hiện nay, xã Phương Bình có 156 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 3,98%. Con số mơ ước của xã này vài năm trước. Để đạt được kết quả trên, cùng với sự hỗ trợ của tuyến trên, địa phương đã thực hiện nhiều giải pháp, để giúp mọi người nâng cao chất lượng cuộc sống. Đồng thời, gắn phong trào xây dựng nông thôn mới với giảm nghèo bền vững. Ông Trần Văn Sang, Phó Chủ tịch UBND xã Phương Bình, cho biết: “Địa phương bắt tay vào xây dựng nông thôn mới năm 2012, lúc đó ở xã có 476 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 12,46%. Sau nhiều năm nỗ lực, đến nay, tỷ lệ hộ nghèo ở xã còn dưới 4%. Đây là kết quả của sự chung tay của cả hệ thống chính trị, đến ý thức tự vươn lên của người dân”. Theo ông Sang, để chăm lo đời sống hộ nghèo, thời gian qua, Đảng ủy, UBND xã cùng các hội, đoàn thể, ấp đã tăng cường công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức người dân về công tác xóa đói giảm nghèo. Đồng thời, tranh thủ các nguồn lực từ tuyến trên để hỗ trợ người nghèo về nhà ở, vốn sản xuất.

Cũng nhờ thực hiện tiêu chí xây dựng xã nông thôn mới gắn với giảm nghèo bền vững, diện mạo xã Phú An, huyện Châu Thành có nhiều thay đổi, kết cấu hạ tầng được tăng cường đầu tư, đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân được nâng lên rõ nét. Bà Võ Thùy Linh, Phó Chủ tịch UBND xã Phú An, cho biết: “Hiện nay, toàn xã có 35 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 3,44% và là một trong những xã, thị trấn có tỷ lệ hộ nghèo thấp nhất huyện, thu nhập bình quân gần 38 triệu đồng/người/năm”.

Không chỉ có Phương Bình, Phú An, các địa phương cơ sở từ đầu nhiệm kỳ đến nay đều rất nỗ lực trong công tác giảm nghèo. Giảm nghèo đã trở thành phong trào thi đua thường xuyên của các ấp, các xã, các địa phương và cả những người dân trong cùng xóm. Trong hành trình thi đua giảm nghèo đó, có sự tương trợ, chung tay, chia sẻ và nỗ lực, gắn kết...

Mô hình mới hứa hẹn hiệu quả

Năm 2018, tỉnh sẽ giảm trên 2% hộ nghèo, các huyện, thị xã, thành phố đã xây dựng kế hoạch giảm nghèo và đưa ra chỉ tiêu để từng xã, phường, thị trấn thực hiện. Bên cạnh đó, xây dựng các mô hình, giải pháp thực hiện cụ thể.

Năm nay, khu vực 5, phường III, thành phố Vị Thanh, tiếp tục thực hiện mô hình giảm nghèo bền vững. Theo ông Hồ Hoàng Liệt, Bí thư Chi bộ, Trưởng khu vực V, công tác giảm nghèo đã trở thành phong trào rộng rãi, được cấp ủy, chính quyền và Nhân dân nhiệt tình tham gia. Nếu như năm 2016, khu vực có 43 hộ nghèo, nhờ thực hiện mô hình giảm nghèo bền vững, đến nay, địa phương còn 27 hộ nghèo. Trong năm 2018 địa phương nỗ lực giảm 7 hộ nghèo. “Để thực hiện đạt chỉ tiêu này, ngay từ đầu năm, chúng tôi đã cho hộ nghèo tự đăng ký thoát nghèo. Căn cứ trên nhu cầu của gia đình chúng tôi sẽ tìm giải pháp hỗ trợ”, ông Liệt cho biết. Trong tổng số 27 hộ nghèo, khu vực có 2 hộ thuộc đối tượng bảo trợ xã hội, những hộ này hoàn cảnh rất khó khăn, nên khó có thể thoát nghèo. Vì vậy, địa phương nỗ lực giảm nghèo 25 hộ.

Để thực hiện chỉ tiêu giảm 1,5% hộ nghèo, đồng thời, tạo không khí thi đua cho các xã, thị trấn, năm nay, huyện Châu Thành thực hiện mô hình mỗi xã, thị trấn đăng ký mỗi đơn vị có một ấp không có hộ nghèo. Theo bà Nguyễn Thị Hoàng Oanh, Trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Châu Thành, để thực hiện mô hình, địa phương sẽ tổ chức đối thoại giữa hộ nghèo với các phòng, ban, đoàn thể ở địa phương, để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng cũng như những khó khăn mà hộ nghèo đang gặp phải, để có hướng hỗ trợ. Tiếp tục vận động xã hội hóa để chăm lo nhà ở cho hộ nghèo, đồng thời, tạo điều kiện để mọi người vay vốn xây dựng nhà theo Quyết định 33, để hộ nghèo có mái ấm an cư. Ngoài ra, thực hiện đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm, hỗ trợ vốn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho người dân…

Công tác giảm nghèo đã trở thành phong trào rộng rãi, được cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đoàn thể, tổ chức xã hội mọi tầng lớp Nhân dân nhiệt tình tham gia. Từ đó, cùng chung tay thực hiện phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bỏ lại phía sau”.

Khen thưởng những hộ tự nguyện đăng ký thoát nghèo

Để động viên về mặt tinh thần, giúp hộ nghèo vươn lên ổn định cuộc sống, thời gian qua, xã Hỏa Lựu đã trích phần kinh phí để khen thưởng những hộ nỗ lực thoát nghèo. Ông Nguyễn Ngọc Lợi, Phó Chủ tịch UBND xã Hỏa Lựu, cho biết: “Năm 2017, chúng tôi đã khen thưởng 2 hộ dân nỗ lực vượt khó vươn lên thoát nghèo. Năm 2018 này, với những hộ cố gắng vươn lên, chúng tôi tiếp tục khen thưởng. Dẫu trị giá khen thưởng không nhiều, nhưng đó là niềm động viên đối với người dân”.

Đây là sự chủ động rất tốt từ cơ sở, khơi gợi được phong trào thi đua tại các địa phương.

 

Bài, ảnh: BÍCH CHÂU

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>