Thi đua tạo động lực cho phát triển

11/06/2019 | 06:01 GMT+7

Từ những phong trào thi đua được phát động hàng năm cũng như tổ chức theo chuyên đề và đột xuất đã khuyến khích, thúc đẩy nhà nhà thi đua, người người thi đua để thực hiện đạt kết quả cao hơn trong quá trình công tác, học tập, lao động, sản xuất...

Công tác thi đua, khen thưởng được tỉnh đặc biệt quan tâm, coi đó là động lực để thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Thi đua phục vụ phát triển

Xác định xây dựng nông thôn mới (NTM) là quá trình lâu dài, khó khăn, đòi hỏi quyết tâm của cả hệ thống chính trị và sự đồng lòng, ủng hộ của người dân nên tỉnh rất quan tâm thực hiện phong trào “Cả nước chung sức xây dựng NTM” giai đoạn 2016-2020.

Theo đó, từng địa phương đã có những cách triển khai thực hiện khác nhau nhưng điểm chung là khơi dậy sự quyết tâm, sáng tạo trong lãnh đạo, điều hành thực hiện của cấp ủy, chính quyền, nhất là huy động sức dân nhiệt tình thi đua xây dựng NTM.

Được công nhận xã NTM có thể coi là “kỳ tích” với Đảng bộ, chính quyền xã Hỏa Lựu, thành phố Vị Thanh nếu biết được rằng xã này thuộc diện nghèo nhất của thành phố.

Nhờ thi đua xây dựng NTM mà bộ mặt nông thôn ở xã Hỏa Lựu ngày càng đổi khác.

Đến nay, 100% các con đường chính ở xã không còn lầy lội vào mùa mưa; 100% tuyến đường xã và từ trung tâm xã về thành phố được cứng hóa; 3/3 trường học và một trạm y tế đạt chuẩn quốc gia; tỷ lệ hộ dân sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 98,1% và nước sạch đạt 73,55%... Tất cả nói lên được diện mạo, đời sống người dân Hỏa Lựu được nâng lên một mức so với trước.

Ông Nguyễn Ngọc Lợi, Phó Chủ tịch UBND xã Hỏa Lựu, cho biết: “Ngoài sự quan tâm, đầu tư của tỉnh, thành phố thì chúng tôi đã tận dụng nguồn lực sẵn có ở địa phương để thực hiện các tiêu chí. Trong đó, yếu tố được quan tâm nhất là vận động người dân thi đua lao động, sản xuất để cải thiện cuộc sống; thi đua để làm đẹp cảnh quan từ nhà ra ngõ… Kết quả là kinh tế - xã hội ở địa phương ngày càng phát triển”.

Ông Danh Nè, ở ấp Thạnh Phú, xã Hỏa Lựu, chia sẻ: “Hiểu được xây dựng NTM nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân nên chúng tôi rất đồng tình, ủng hộ. Gia đình tôi cố gắng làm ăn nâng cao chất lượng cuộc sống và góp sức để xây dựng xóm làng sạch đẹp, an vui”.

Đến nay, tỉnh có 29/54 xã được công nhận đạt chuẩn NTM; thị xã Ngã Bảy là đơn vị cấp huyện đầu tiên hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM, sắp tới là thành phố Vị Thanh và huyện Châu Thành A. Có thể nói, phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng NTM” giai đoạn 2016-2020 được triển khai sâu rộng là “chất xúc tác” mang lại kết quả này.

Theo đánh giá của UBND tỉnh, phong trào thi đua trên đã được các sở, ngành, địa phương quan tâm chỉ đạo triển khai có hiệu quả, cụ thể hóa bằng nhiều phong trào thiết thực nhằm tập trung nguồn lực để hoàn thành các tiêu chí NTM.

Trong đó, công tác phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân rất được quan tâm thông qua triển khai thực hiện các chương trình, dự án, xây dựng các mô hình trình diễn, nhân rộng các mô hình sản xuất trong nông nghiệp có hiệu quả kinh tế cao. Đặc biệt là tạo điều kiện cho 798 hộ dân tham gia Đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2014-2016 và định hướng đến 2020 với số tiền hơn 65 tỉ đồng.

Hay tỉnh tiếp tục thực hiện Đề án nâng cao chất lượng hoạt động của hợp tác xã trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2014-2016 và định hướng đến năm 2020. Qua đó, tăng cường mời gọi doanh nghiệp tham gia liên kết, hợp tác sản xuất gắn với tiêu thụ đối với 10 sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh.

Còn phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” cũng được thực hiện đạt nhiều kết quả quan trọng.

Nổi bật là Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức chuyên đề về giảm nghèo, chia sẻ kinh nghiệm và bồi dưỡng kỹ năng tuyên truyền về giảm nghèo cho cán bộ cấp xã, ấp. Các chính sách hỗ trợ người dân thoát nghèo cũng được triển khai đồng bộ. Năm qua, từ nguồn vận động Quỹ vì người nghèo, Chương trình an sinh xã hội và kinh phí do mạnh thường quân đóng góp, tỉnh xây dựng mới 400 căn nhà tình thương cho hộ nghèo với số tiền 16 tỉ đồng; hỗ trợ xây dựng 320 căn nhà cho hộ nghèo theo Quyết định số 33 của Thủ tướng Chính phủ.

“Nhờ thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp đã giúp tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm bình quân 2%/năm. Tính đến cuối năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm còn hơn 7%”, bà Hồ Thu Ánh, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh, cho biết.

Rõ ràng, từng phong trào thi đua được triển khai đã có tác động lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. “Nhờ thực hiện tốt phong trào thi đua, trong đó đã tổ chức được nhiều phong trào thi đua yêu nước gắn với các hoạt động chính trị - văn hóa - xã hội cũng như sản xuất nên đã tạo động lực quan trọng để Hậu Giang thực hiện đạt kết quả khá toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực”, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Tiến Châu từng khẳng định.

Càng khó khăn thì càng phải thi đua

Qua tổ chức các phong trào thi đua, trên địa bàn huyện Vị Thủy xuất hiện ngày càng nhiều mô hình đột phá, thiết thực như: “Nghĩa tình đồng chí”, “Đâu khó có nông dân”, “Tiếp xúc, đối thoại”, “Đảng viên phụ trách hộ”, “Tôn giáo đồng hành với công tác giảm nghèo”, sản xuất dưa hấu theo tiêu chuẩn VietGAP...

Ông Phạm Hoàng Minh, Phó Phòng Nội vụ, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Thi đua - Khen thưởng huyện Vị Thủy, cho biết: “Các phong trào thi đua trên địa bàn đã được phát động với nhiều hình thức phong phú, bám sát nhiệm vụ chính trị được giao, được Nhân dân đồng tình hưởng ứng và tham gia tích cực. Nhiều phong trào thi đua đã tạo ra khí thế mới, là động lực mạnh mẽ góp phần làm thay đổi cơ bản bộ mặt nông thôn, sản xuất phát triển, đời sống Nhân dân cải thiện”.

Đánh giá chung về tình hình tổ chức các phong trào thi đua trên địa bàn tỉnh thời gian qua, ông Nguyễn Minh Trí, Phó Giám đốc Sở Nội vụ, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Thi đua - Khen thưởng tỉnh, cho biết: “Công tác thi đua, khen thưởng đã đi vào nề nếp, các phong trào được triển khai có tiêu chí, nội dung rõ ràng, cụ thể, bám sát tình hình phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà. Thông qua các phong trào thi đua đã xuất hiện nhiều mô hình, điển hình tiên tiến trong lao động, sáng tạo, dân vận khéo, phòng, chống tội phạm, xây dựng NTM, khám chữa bệnh…”.

Đạt được nhiều kết quả nhưng không thể phủ nhận việc tổ chức các phong trào thi đua có nơi còn mang nặng tính hình thức hoặc chạy theo thành tích, nội dung, hình thức tổ chức các phong trào thi đua chưa thực sự đổi mới, thiếu tính sáng tạo. Mặt khác, công tác phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân rộng điển hình tiên tiến có nơi còn mang tính hình thức, thiếu thuyết phục, không có sức thu hút nhiều đối tượng học tập, làm theo.

Về những giải pháp trong thời gian tới, ông Nguyễn Minh Trí nói: “Tỉnh sẽ tiếp tục tổ chức phát động các phong trào thi đua yêu nước sâu rộng trong toàn bộ hệ thống chính trị; chú trọng triển khai, thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua do Thủ tướng Chính phủ phát động và các phong trào thi đua đặc thù của tỉnh. Tiếp tục quán triệt, tuyên truyền tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thi đua ái quốc: “Càng khó khăn thì càng phải thi đua”. Đồng thời, bố trí ổn định, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác thi đua, khen thưởng; tổ chức tập huấn nghiệp vụ công tác thi đua, khen thưởng để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ phụ trách công tác này”.

Song song với phát động các phong trào thi đua, công tác khen thưởng được tỉnh thực hiện đúng theo quy định của Luật Thi đua - Khen thưởng và các văn bản hướng dẫn thi hành. Việc xét khen thưởng được đảm bảo dân chủ, công khai, công bằng, chính xác và kịp thời.

Các phong trào thi đua do UBND tỉnh phát động luôn chú trọng xây dựng tiêu chí khen thưởng cụ thể, mang tính định lượng. UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương quan tâm khen thưởng đối tượng là nông dân, công nhân, chiến sĩ, người lao động trực tiếp và công chức, viên chức không giữ chức vụ quản lý. Từ đó, tỷ lệ khen thưởng đối với người trực tiếp lao động sản xuất, làm công tác chuyên môn dần tăng lên.

 

Bài, ảnh: TRƯỜNG SƠN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>