Vị Thanh: Hình thành và phát triển

Thị trấn Vị Thanh có bước phục hồi sau giai đoạn khó khăn

10/02/2023 | 11:02 GMT+7

Vượt qua những khó khăn ban đầu sau ngày giải phóng, giai đoạn 1982-1986, thị trấn Vị Thanh đã có những bước phục hồi, tình hình kinh tế - xã hội phát triển khởi sắc hơn.

Nhằm giải quyết căn cơ nạn ngập úng, giai đoạn 1982-1986, thị trấn vận động nhân dân làm thủy lợi, đào các con kinh nhánh để thoát nước.

Tháng 9-1982, thị trấn Vị Thanh phải đối phó với trận lũ lớn, gây ngập úng nhiều nơi. Trước tình hình cấp bách đó, được sự đồng ý của Huyện ủy Vị Thanh, Đảng bộ thị trấn Vị Thanh quyết định phát động nhân dân phá một đoạn Quốc lộ 61, bề ngang 6m để thoát nước. Để đảm bảo lưu thông, phải bắc cầu tạm.

Nhằm giải quyết căn cơ nạn ngập úng, thị trấn tiếp tục vận động nhân dân làm thủy lợi, đào các con kinh nhánh nối ra kinh Gốc Mít, kinh Ba Liên và đào con kinh Bốn Thước. Nhờ vậy đã cải tạo được “cánh đồng chết” từ bao đời nay, góp phần phát triển nông nghiệp, mùa màng bội thu, tạo điều kiện giúp các hộ dân về vùng kinh tế mới tại cánh đồng Robert (cánh đồng này nay thuộc huyện Vị Thủy).

Từ các chính sách gỡ khó của cấp trên, nhất là về “khoán sản phẩm”, đến những năm 1984-1986, lĩnh vực công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, bước đầu vượt qua khó khăn, một số xí nghiệp quốc doanh về cơ khí vận tải có khả năng sản xuất các nông cụ, sửa chữa các loại máy móc ghe, tàu, máy kéo và máy xay xát... Trên địa bàn, còn có Xí nghiệp sản xuất Xi măng của Quân khu 9, Xí nghiệp dược phẩm, hợp tác xã làm mành trúc, cơ sở dệt vải, sản xuất dầu dừa, chế biến gỗ và nhiều nhà máy xay xát... Tất cả thu hút hàng trăm lao động, giải quyết việc làm cho một bộ phận thanh niên. Đáng chú ý là để khắc phục tình trạng thiếu điện sinh hoạt và sản xuất, lãnh đạo thị trấn đã tranh thủ cấp trên và ngành chức năng, kéo được đường dây điện 15kW từ Một Ngàn về, tạo không khí phấn chấn, vui mừng khắp xóm ấp.

Đối với nông nghiệp, công cuộc cải tạo cũng mang lại kết quả bước đầu: Năm 1984, thị trấn hoàn thành cải tạo nông nghiệp, đúng theo kế hoạch. Thực hiện chủ trương “khoán sản phẩm cuối cùng đến nhóm và người lao động”, theo Chỉ thị 100 của Ban Bí thư Trung ương tạo được sự chuyển biến tích cực. Diện tích, năng suất, sản lượng lúa đều tăng. Đời sống nhân dân đảm bảo cải thiện. Năm nào, thị trấn Vị Thanh cũng đạt chỉ tiêu huy động lương thực cấp trên giao.

 Tuy vậy, nhiều hệ lụy từ chủ trương “tập trung, quan liêu, bao cấp” vẫn còn khá nặng nề, nạn “ngăn sông, cấm chợ”, ngăn trở lưu thông hàng hóa, tạo điều kiện cho thị trường chợ đen hoành hành. Dù đã có các cửa hàng quốc doanh, hợp tác xã, nhưng chưa giải quyết được nạn khan hiếm vật tư nông nghiệp và các nhu yếu phẩm.

Để giải quyết, nhà nước cho thực hiện trao đổi hàng 2 chiều; lấy giá lúa làm chuẩn để định giá các mặt hàng khác. Nhà nước thu mua nông sản phải dựa trên cơ sở thỏa thuận với nông dân, đảm bảo 3 lợi ích: nhà nước, tập thể và gia đình. Tuy vậy, nhà nước vẫn thống nhất quản lý giá, độc quyền kinh doanh lương thực, hàng xuất khẩu và các nông sản chủ yếu với chính sách giá cả hợp lý.

Năm 1985, thị trấn Vị Thanh tiếp thu và thực hiện Nghị quyết của Trung ương Đảng lần thứ 8 (khóa V) về “giá - lương - tiền”, nhằm xóa bỏ cơ chế “tập trung, quan liêu, bao cấp”. Ngày 14-9-1985, thị trấn tiến hành đổi tiền lần thứ 2 đạt kết quả tốt. Theo đó, mức đổi là 10 đồng cũ, lấy 1 đồng mới. Nhưng việc phát hành tiền có mệnh giá lớn 500 đồng, 100 đồng, 50 đồng, 10 đồng phát sinh tình trạng thiếu tiền nhỏ, gây khó khăn trong giao dịch.

Trong giai đoạn này, thị trấn Vị Thanh đã có nhiều nỗ lực nhằm giải quyết, nâng cấp đô thị và hạ tầng nông thôn. Tình hình chung, do thiếu vốn đầu tư nên rất ít công trình quy mô đáng kể.

Trong lĩnh vực văn hóa - xã hội, với mục tiêu làm thay đổi bộ mặt thị trấn và xây dựng nông thôn mới, con người mới xã hội chủ nghĩa, Đảng ủy, UBND thị trấn có những chỉ đạo thiết thực chăm lo đời sống nhân dân, nhất là giải quyết việc làm, ăn, ở đi lại học hành, chữa bệnh, giải trí.

Hoạt động dạy và học tại các điểm trường cấp I, II và III dần đi vào nề nếp; giảm dần 3 ca, tăng số phòng học kiên cố. Có đến 80% con em trong độ tuổi được đến trường, hoàn thành tốt xóa mù chữ trong dân. Đối với học sinh trường cấp III, năm 1986 có 891 em, thu hút cả học sinh ngoài địa bàn đến học. Lần đầu tiên, thị trấn mở điểm trường mẫu giáo.

Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân ngày càng nâng cao chất lượng. Các ấp đều có tổ y tế, với y sĩ và hộ sinh. Trên địa bàn, Sở Y tế Hậu Giang xây dựng mô hình “viện - trường” (bệnh viện - trường trung cấp y tế), phong trào văn nghệ quần chúng, thông tin cổ động, xây dựng nếp sống mới, câu lạc bộ, giáo dục truyền thống, đài truyền thanh, thể dục thể thao đều khắp, nâng cao đời sống văn hóa ở cơ sở. Về cung cấp nhu yếu phẩm, mỗi hộ gia đình ở thị trấn đảm bảo tiêu chuẩn: 4 lít dầu lửa/quý, 1,5kg xà bông/tháng, và 5m vải may mặc người/năm.

Nhìn chung ở giai đoạn đầu xây dựng quê hương, thị trấn Vị Thanh gặp khá nhiều khó khăn, thiếu thốn. Công cuộc cải tạo và xây dựng chủ nghĩa xã hội tại địa phương, tạo được một số thành tựu; đáp ứng yêu cầu lương thực, thực phẩm cho nhân dân. Khó khăn chồng chất, nhưng thị trấn đã biết phát huy thuận lợi từ điều kiện sẵn có để vượt qua khủng hoảng, tìm phương hướng đi lên một cách linh hoạt, với sự vận dụng sáng tạo để thoát ra khỏi bế tắc.

VỊ THANH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>