Tiến bộ của công nghệ đã giúp rất nhiều cho nghề báo

11/06/2018 | 09:50 GMT+7

Chỉ với dụng cụ... hành nghề là máy ảnh kỹ thuật số, máy tính xách tay có kết nối 3G, 4G là phóng viên có thể tác nghiệp mọi lúc, mọi nơi và truyền tải nhanh chóng hình ảnh, thông tin về sự kiện mình phụ trách. Đó là ưu thế của nghề báo thời công nghệ.

Phóng viên Báo Hậu Giang ứng dụng sự tiến bộ của công nghệ để xử lý thông tin.

Trong ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 (ngày 22-5-2016), một nhóm phóng viên Báo Hậu Giang được phân công xuống địa bàn các huyện, thị, thành để phản ánh không khí bầu cử, tình hình an ninh trật tự, tâm tư, nguyện vọng của cử tri.

Ngày đó, kết quả hàng giờ, hình ảnh về công tác bầu cử ở các địa phương liên tục được phóng viên cập nhật gởi về và chỉ sau vài phút đã được cập nhật trên Báo Hậu Giang online. Nhiều bạn đọc hôm đó chỉ cần ngồi ở nhà mở Báo Hậu Giang online là có thể biết được tình hình, kết quả bầu cử toàn tỉnh.

Những người từng công tác tại Báo Hậu Giang thời gian đầu khi tờ báo mới thành lập thấy những dòng thông tin trên đánh giá đó là từ bước… nhảy vọt trong ứng dụng công nghệ thông tin của đội ngũ người làm báo ở đơn vị.

Nhà báo Lê Hùng, cựu phóng viên Báo Hậu Giang, hiện đang công tác tại Báo Tài nguyên và Môi trường, cho biết, thời đó cả cơ quan chỉ có mấy cái máy vi tính để bàn, còn máy ảnh, máy tính xách tay cũng rất hiếm. Đặc biệt là mạng internet chưa được phổ biến rộng rãi như bây giờ nên khi tác nghiệp vùng sâu, vùng xa không thể chuyển thông tin ngay về cho cơ quan. “Bây giờ đã khác, tôi thấy phóng viên Báo Hậu Giang trang bị đầy đủ thiết bị cần thiết nên khi được cử đi họp, tiếp xúc cử tri tại xã vùng sâu thì có thể cập nhật thông tin ngay tại cơ sở, phỏng vấn, chụp ảnh gửi về tòa soạn thông qua wifi, 3G, 4G trong thời gian ngắn”, anh Hùng nói.

Rõ ràng, sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin và mạng xã hội đã giúp nghề báo có nhiều chuyển biến tích cực.

Phóng viên Long Giang, Đài PT&TH Hậu Giang, cho biết, người làm báo cần có kiến thức trên nhiều lĩnh vực để bình luận, phân tích, so sánh làm nổi bật vấn đề muốn đề cập. Nhưng với rất nhiều chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; chính sách, phong trào của địa phương thì phóng viên khó có thể nhớ hết. Và khi ấy, internet chính là trợ thủ đắc lực cho việc tra cứu.

Bên cạnh đó, mạng xã hội như facebook, zalo,… cũng đã giúp người làm báo nhanh hơn, nhạy hơn và có kỹ năng khai thác thông tin đa dạng. Dường như phóng viên, nhà báo nào cũng có facebook, zalo. Các trang mạng xã hội này giúp người làm báo dù ở một chỗ vẫn có nhiều thông tin nên việc nắm bắt các vấn đề nóng, được xã hội quan tâm cũng nhanh hơn.

Chưa kể là nhờ sự tiện ích của mạng xã hội, các phóng viên, nhà báo từ khắp các cơ quan báo chí trên toàn quốc có thể trao đổi nghiệp vụ, học hỏi kinh nghiệm; đồng thời có thể chia sẻ thông tin về những vấn đề thời sự.

Mặt khác, trong thời đại công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ như hiện nay thì độc giả cũng có thể trở thành những người cung cấp thông tin. Chẳng hạn khi phát hiện một vụ tai nạn giao thông hay cháy xảy ra ở nơi nào đó, người dân có thể dùng điện thoại di động kết nối mạng internet cập nhật thông tin trên mạng xã hội. Nhà báo, phóng viên có thể dựa vào đó trực tiếp xuống hiện trường để ghi nhận, phản ánh kịp thời. Cho nên nếu biết khai thác hiệu quả thông tin trên các trang mạng xã hội sẽ giúp nghề báo có nhiều thuận lợi.

Ở góc độ khác, sự phát mạnh mẽ của công nghệ cũng dẫn tới sự tranh đua của các cơ quan báo chí về độ… nóng của thông tin. Để khẳng định “thương hiệu” của mình và sức hút với độc giả, các tờ báo luôn tìm mọi cách phản ánh nhanh nhất thông tin và có thể… lục lọi khắp mọi nơi, nhất là ở các trang mạng xã hội. Chính từ đây, nhiều hệ lụy của sự tiến bộ đối với nghề báo cũng nảy sinh. Vì muốn cạnh tranh về độ… nóng của thông tin nên một số nhà báo, phóng viên và lãnh đạo cơ quan báo chí cho đăng tải những thông tin… lượm lặt trên mạng xã hội mà chưa rõ nguồn gốc, độ chính xác. Điều này đòi hỏi nhà báo phải có trình độ lẫn bản lĩnh để thẩm định thông tin.

Chưa hết, bên cạnh những phóng viên làm nghề có tâm, trực tiếp sâu sát cơ sở để phản ánh kịp thời, chính xác thông tin tới bạn đọc thì không ít người làm báo chỉ biết cắm cúi vào các bài viết của người khác để cóp nhặt và biến thành… bài viết của mình, đây là điều nên tránh. Vì một khi có thói quen này sẽ khiến người làm báo ít chịu đi thực tế, thiếu tư duy, sáng tạo dẫn đến… mòn bút.   

Nhiều người làm báo kỳ cựu chia sẻ, việc khai thác những tiện ích thời công nghệ là nên làm nhưng cốt lõi nhất với mỗi người làm báo là phải không ngừng rèn giũa bản thân về mọi mặt; không ngại khó, ngại khổ, biết lăn xả vào thực tế để khai thác, phản ánh những thông tin đắt giá có tác động sâu rộng đến đời sống xã hội.

Đã làm báo, đã sống trong thời đại công nghệ phát triển thì buộc những người làm báo không có cách nào khác ngoài việc tận dụng tối đa những tiện ích mà công nghệ thông tin, mạng xã hội đem lại. Nhưng cũng nhớ cho rằng, kiến thức và đạo đức người làm báo mới quan trọng nhất!

TRƯỜNG SƠN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>