Trả lời kiến nghị của cử tri

09/06/2017 | 09:18 GMT+7

Đại biểu Đặng Thế Vinh (đứng), Phó Bí thư Tỉnh ủy, phát biểu góp ý kiến tại hội trường Quốc hội (Quốc hội khóa XIII).

Cử tri kiến nghị:

Kiến nghị Quốc hội tăng cường giám sát các cơ quan chức năng xử lý đúng pháp luật, nghiêm minh các vụ án tham nhũng.

Ủy ban Tư pháp trả lời:

Thời gian gần đây xảy ra nhiều vụ án tham nhũng gây thiệt hại lớn về kinh tế cho đất nước và gây tâm lý bức xúc cho người dân. Điển hình như vụ Trịnh Xuân Thanh, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang; vụ án tham nhũng tại Công ty in, thương mại và dịch vụ Agribank; vụ án tham nhũng tại Tổng công ty xây dựng đường thủy Việt Nam; vụ án Huỳnh Thị Huyền Như tham nhũng hơn 6.000 tỉ đồng; vụ án Phạm Công Danh tham nhũng hơn 9.000 tỉ đồng...

Bên cạnh đó, cử tri còn phản ánh những vấn đề xã hội quan tâm, nhân dân đang bức xúc về tình trạng tham nhũng ở nước ta ngày càng nghiêm trọng, xảy ra ở các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương, xuất hiện nhiều trong các cơ quan giải quyết những công việc liên quan trực tiếp đến lợi ích hàng ngày của nhân dân, cả trong các cơ quan bảo vệ pháp luật, gây ảnh hưởng lớn về chính trị, kinh tế, xã hội, là trở lực lớn đối với quá trình đổi mới đất nước và làm xói mòn lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.

Phòng, chống tham nhũng là nhiệm vụ quan trọng được Đảng, Nhà nước ta đặc biệt quan tâm và đã ban hành nhiều chính sách, áp dụng nhiều giải pháp để đấu tranh với vấn nạn này. Trong thời gian qua, nhiều vụ án tham nhũng lớn, gây thiệt hại nghiêm trọng về kinh tế được cơ quan chức năng phát hiện, đã và đang được xử lý nghiêm minh. Tuy nhiên, tình hình tham nhũng vẫn đang diễn biến phức tạp, xảy ra ở nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều lĩnh vực với tính chất, mức độ nghiêm trọng và chưa bị đẩy lùi.

Tiếp thu ý kiến của cử tri, thời gian tới, Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội nói chung và Ủy ban Tư pháp nói riêng sẽ tiếp tục tăng cường triển khai nhiều phương thức giám sát việc phòng, chống tham nhũng như: tăng cường chất vấn tại Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; giải trình tại Hội đồng Dân tộc và các ủy ban của Quốc hội đối với lĩnh vực mà mình phụ trách trong công tác phòng, chống tham nhũng; tổ chức đoàn giám sát tại các địa phương để tiến hành giám sát việc tổ chức thực hiện luật và chấp hành pháp luật trong phòng, chống tham nhũng, kể cả giám sát việc xử lý đối với một số vụ án tham nhũng cụ thể. Đặc biệt, theo dõi, giám sát việc các cơ quan chức năng tiến hành xét xử các đại án tham nhũng đã được cử tri nêu; hoàn thiện cơ chế để tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng... Trên cơ sở đó có đánh giá, làm rõ trách nhiệm của từng cá nhân, các cấp, các ngành, các địa phương đối với các hạn chế, yếu kém trong công tác phòng, chống tham nhũng, nhằm tạo sự chuyển biến tích cực để đạt được mục tiêu “từng bước ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng”.

Cử tri kiến nghị:

Quốc hội tăng cường giám sát để bảo đảm việc xét xử được công bằng, đúng pháp luật, hạn chế oan sai; yêu cầu ngoài trách nhiệm bồi thường của Nhà nước phải xác định trách nhiệm bồi hoàn của những người trực tiếp tham gia điều tra, truy tố, xét xử dẫn đến oan, sai.

Ủy ban Tư pháp trả lời:

Thực hiện quy định của Hiến pháp, Luật Tổ chức Quốc hội và Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội, hàng năm, Ủy ban Tư pháp đã chủ trì phối hợp với Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội tiến hành hoạt động giám sát việc chấp hành pháp luật của các cơ quan tư pháp (cơ quan điều tra, viện kiểm sát nhân dân, tòa án nhân dân, cơ quan thi hành án các cấp) và giám sát việc bồi thường cho người bị oan trong tố tụng hình sự theo quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước và các văn bản luật khác có liên quan. Qua hoạt động giám sát, Ủy ban Tư pháp đã kiến nghị các cơ quan tư pháp liên quan thực hiện nhiều biện pháp, khắc phục các hạn chế, thiếu sót, nâng cao chất lượng công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, hạn chế để xảy ra oan, sai; tăng cường giải quyết các đơn khiếu nại kêu oan. Nhiều vụ án oan đã được làm rõ, người bị oan đã được bồi thường theo quy định của pháp luật.     

Hoạt động giám sát của Ủy ban Tư pháp mặc dù đã rất cố gắng nhưng vẫn chưa đáp ứng được hết các yêu cầu của cử tri. Tiếp thu ý kiến của cử tri, Ủy ban Tư pháp sẽ tăng cường phối hợp với các cơ quan hữu quan để giám sát chặt chẽ hơn nữa việc chấp hành pháp luật của các cơ quan tư pháp, góp phần bảo đảm việc giải quyết vụ án công bằng, đúng pháp luật, hạn chế đến mức thấp nhất việc điều tra, truy tố, xét xử oan, sai; giám sát quá trình bồi thường cho người bị oan của cơ quan tiến hành tố tụng và xác định rõ trách nhiệm cá nhân của những người đã trực tiếp tiến hành tố tụng để xảy ra oan nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.

Nội dung khác

Ngoài các nội dung nêu trên, có ý kiến cử tri đề nghị Quốc hội tăng biên chế thẩm phán, thẩm tra viên, thư ký tòa án để đảm bảo việc giải quyết các loại án đúng hạn luật định và những nhiệm vụ mới được giao theo Hiến pháp năm 2013, Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014.

Ủy ban Tư pháp trả lời:

Ủy ban Tư pháp nhận thấy, thời gian qua, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội luôn quan tâm và tạo điều kiện tốt nhất cho tòa án nhân dân các cấp thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ, thẩm quyền theo quy định của Hiến pháp 2013, Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 và các luật, bộ luật về tư pháp (Bộ luật Dân sự năm 2015, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, Luật Tố tụng hành chính năm 2015, Luật Đất đai năm 2013...) mới được ban hành.

Để giải quyết yêu cầu trước mắt về biên chế thẩm phán tòa án nhân dân, ngày 01/7/2016, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 1278 giao, bổ sung số lượng thẩm phán cao cấp, thẩm phán trung cấp và thẩm phán sơ cấp cho tòa án các cấp. Thực hiện Kết luận số 64 ngày 28/5/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Nghị quyết số 39 ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã yêu cầu Tòa án nhân dân tối cao tổng kết việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về biên chế của Tòa án nhân dân các cấp và hoàn thiện Đề án vị trí việc làm, Đề án biên chế của ngành tòa án trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét quyết định số lượng biên chế hợp lý cho ngành tòa án đáp ứng yêu cầu thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao.

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>