Trả lời kiến nghị của cử tri

30/06/2017 | 08:42 GMT+7

Đại biểu Quốc hội Đặng Thế Vinh (đứng), Phó Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang, phát biểu tại hội trường Quốc hội.

Cử tri kiến nghị:

Cử tri rất bức xúc trước thực trạng tham nhũng, lãng phí xảy ra ngày càng nhiều, chưa được đẩy lùi. Tài sản trong các vụ án được thu hồi rất ít. Cử tri kiến nghị Chính phủ có giải pháp xử lý mạnh mẽ, quyết liệt và nghiêm khắc hơn, đồng thời tài sản thu hồi trả lại ngân sách nhà nước cần công khai để dân biết.

Thanh tra Chính phủ trả lời:

Trong những năm gần đây, việc thu hồi tài sản tham nhũng đã có tiến triển. Tỷ lệ thu hồi năm sau cao hơn năm trước. Tuy nhiên, hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng còn thấp. Đây là vấn đề mà Việt Nam cũng như nhiều nước trên thế giới đang phải đối mặt khi giải quyết vấn nạn này.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng khó khăn, vướng mắc trong thu hồi tài sản tham nhũng, trong đó có nguyên nhân về thể chế, chính sách như một số quan điểm, chủ trương của Đảng về thu hồi tài sản tham nhũng chưa được thể chế hóa kịp thời; các quy định của pháp luật về thu hồi tài sản tham nhũng phần lớn mang tính nguyên tắc, quy định trách nhiệm của từng cơ quan và quan hệ phối hợp giữa các cơ quan chưa rõ ràng; việc nội luật hóa các quy định về thu hồi tài sản theo Công ước Liên Hiệp Quốc về chống tham nhũng còn chậm.

Bên cạnh đó, tội phạm tham nhũng thuộc nhóm tội có độ ẩn cao cả về hành vi phạm tội và tài sản bị chiếm đoạt. Kẻ phạm tội luôn có xu hướng che giấu, tẩu tán, hợp pháp hóa những tài sản do tham nhũng mà có dẫn đến khó khăn cho việc truy tìm, thu hồi tài sản.

Việc thu hồi tài sản tham nhũng luôn phải tuân thủ các quy định của pháp luật hiện hành. Do đó, để thu hồi triệt để tài sản tham nhũng, làm triệt tiêu động cơ kinh tế của tội phạm tham nhũng, qua đó ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng tham nhũng thì việc hoàn thiện chính sách, pháp luật theo hướng tăng cường, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thu hồi tài sản là yêu cầu cấp thiết. Trong quá trình chuẩn bị để sửa đổi, bổ sung Bộ luật Tố tụng hình sự; Luật Tương trợ tư pháp; Luật Phòng, chống tham nhũng, các cơ quan của Chính phủ cũng đã nghiên cứu đề xuất, kiến nghị nhiều nội dung liên quan đến việc thu hồi tài sản do phạm tội mà có nói chung và thu hồi tài sản tham nhũng nói riêng. Chính phủ cũng đang trình Quốc hội sửa đổi toàn diện Luật Phòng, chống tham nhũng, từ đó đề xuất những biện pháp mạnh mẽ hơn để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng nói chung và thu hồi tài sản tham nhũng nói riêng.

Cử tri kiến nghị:

Đề nghị xem xét đưa môn học ngoại ngữ vào giảng dạy tại các trung tâm giáo dục thường xuyên là môn học chính thức, vì hiện nay môn học này ở trung tâm giáo dục thường xuyên không phải là môn học bắt buộc, do đó ảnh hưởng đến việc học viên thi tuyển vào các trường đại học, cao đẳng có yêu cầu ngoại ngữ là môn thi bắt buộc.

Bộ Giáo dục và Đào tạo trả lời:

Chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT nhằm tạo cơ hội học tập cho thanh niên và người lớn không có điều kiện học tập ở các trường THPT có thể tiếp tục theo học chương trình giáo dục thường xuyên cấp này để đạt được trình độ THPT.

Mục tiêu của chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT nhằm giúp học viên củng cố và phát triển những kết quả giáo dục trung học cơ sở, hoàn thiện học vấn phổ thông, giúp học viên làm tốt hơn những công việc đang làm hoặc có thể tiếp tục học nghề, trung cấp, cao đẳng và đại học.

Chương trình giáo dục thường xuyên cấp này bao gồm:

Bảy môn bắt buộc: toán, vật lý, hóa học, sinh học, ngữ văn, lịch sử và địa lý áp dụng đối với tất cả các đối tượng và tất cả các vùng, miền trong toàn quốc.     

Ba môn học khuyến khích là: giáo dục công dân, tin học và ngoại ngữ. Trong số 3 môn học khuyến khích, Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định và hướng dẫn giao quyền chủ động cho các sở giáo dục và đào tạo tùy theo điều kiện cụ thể của địa phương như cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên và nhu cầu của học viên quy định số môn học tại địa phương mình.          

Phần kiến thức nâng cao dành cho học viên tự chọn thuộc 8 môn, trong đó có môn tiếng Anh. Học viên nào có nhu cầu nâng cao trình độ có thể tự chọn phần kiến thức nâng cao của một số môn học trong số 8 môn để có thể học và đủ điều kiện dự thi vào các trường cao đẳng, đại học.

Do đặc điểm của học viên bổ túc THPT với trình độ nhận thức, năng lực và điều kiện còn hạn chế nên Bộ Giáo dục và Đào tạo đã quy định chỉ học 7 môn bắt buộc để học viên có thể có kết quả học tương đương với học ở trường THPT. Thực tế hiện nay, do nhu cầu và nguyện vọng của người học, điều kiện về đội ngũ giáo viên, nhiều địa phương đã quy định học viên học tại các trung tâm giáo dục thường xuyên đều phải học 9 môn bắt buộc, trong đó có môn tiếng Anh.     

Khi thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ xem xét đề xuất môn ngoại ngữ có thể là môn học bắt buộc trong chương trình giáo dục thường xuyên.

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>