Trả lời kiến nghị của cử tri

14/07/2017 | 07:40 GMT+7

Cử tri kiến nghị:

Theo quy định tại Điều 5, Điều 37 Nghị định 43 ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai về việc sáp nhập văn phòng đăng ký đất đai cấp huyện trực thuộc văn phòng đăng ký đất đai của sở tài nguyên và môi trường hiện bộc lộ nhiều khó khăn, gây phiền hà cho nhân dân.

Cụ thể: Đối với thủ tục cấp đất lần đầu sẽ thuộc thẩm quyền xử lý của UBND cấp huyện; còn đối với thủ tục về cấp đổi, cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (CNQSDĐ), đăng ký biến động sau khi cấp giấy chứng nhận sẽ chuyển đến văn phòng đăng ký đất đai tỉnh giải quyết, trong đó, nhiều hồ sơ phải chuyển cho tỉnh nhưng được trả về nhiều lần vì còn sai sót. Tốn thời gian, trễ hẹn hồ sơ chính là nguyên nhân khiến người dân không hài lòng. Theo quy định, thời gian gửi hồ sơ qua đường bưu điện đến văn phòng đất đai tỉnh phải được giải quyết kết quả trong 5 ngày là không thực hiện được, nhiều hồ sơ kéo dài vài tháng gây bức xúc cho nhân dân. Trong khi đó, trước khi có Nghị định số 43 thì những hồ sơ đất đai thường được giải quyết đúng hạn, trong thời gian 3 ngày. Nếu thuộc cấp huyện giải quyết như trước đây, sai sót chỗ nào được các bộ phận liên quan giải đáp, tư vấn kịp thời cho dân, có khi chỉ trong một buổi đã giải quyết xong. Còn thủ tục như hiện nay, hồ sơ tồn đọng rất nhiều. Do đó, kiến nghị Chính phủ sớm sửa đổi, bổ sung Nghị định số 43 quy định như thủ tục và quy trình cấp giấy CNQSDĐ trước đây: Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất (QSDĐ) cấp huyện do UBND huyện quản lý sẽ thuận lợi hơn trong thực hiện Luật Đất đai năm 2013 và phục vụ người dân tốt hơn.

Cấp giấy CNQSDĐ cho người dân ở thành phố Vị Thanh.

Bộ Tài nguyên và Môi trường trả lời:

Việc thành lập văn phòng đăng ký đất đai đã được pháp luật đất đai năm 2013 quy định trên cơ sở thực tế (tổng kết đề án thí điểm kiện toàn hệ thống văn phòng đăng ký QSDĐ thành một cấp trực thuộc sở tài nguyên và môi trường) và trên cơ sở khoa học, phù hợp với xu hướng thế giới.

Mô hình văn phòng đăng ký đất đai có ưu điểm là hoạt động đăng ký đất đai có sự quản lý, điều hành tập trung, thống nhất trong phạm vi đơn vị hành chính cấp tỉnh, tránh tình trạng phân tán trong quản lý đất đai và nâng cao tính chuyên nghiệp trong các tác nghiệp chuyên môn về đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận. Quy trình giải quyết công việc được thực hiện thống nhất, thuận tiện trong vận hành cơ sở dữ liệu đất đai và tổ chức thực hiện một cách linh hoạt trong phạm vi toàn tỉnh, thành phố; bảo đảm đúng thời gian, nâng cao chất lượng dịch vụ công, góp phần giảm bớt tình trạng nhũng nhiễu trong giải quyết thủ tục.

Khi hoạt động theo mô hình văn phòng đăng ký đất đai, việc thực hiện thủ tục đăng ký, cấp giấy chứng nhận vẫn là nhân lực của văn phòng đăng ký đất đai và các chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai nên không ảnh hưởng đến thời gian thực hiện các bước công việc của thủ tục đến trước khi trình ký giấy chứng nhận và từ đó không bị tác động bởi thẩm quyền ký giấy chứng nhận.

Việc thành lập văn phòng đăng ký đất đai là bước cải tiến trong cải cách thủ tục hành chính lĩnh vực cấp giấy CNQSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, cụ thể như: Số lượng thủ tục hành chính trong cấp giấy chứng nhận đối với nơi đã thành lập văn phòng đăng ký đất đai giảm xuống chỉ còn 41 thủ tục so với 62 thủ tục ở nơi chưa thành lập văn phòng đăng ký đất đai. Về thời gian thực hiện thủ tục đăng ký, cấp giấy chứng nhận: Theo quy định của Luật Đất đai năm 2003 thì thời gian cấp giấy chứng nhận lần đầu là không quá 50 ngày làm việc, cấp đổi giấy chứng nhận không quá 20 ngày làm việc (Điều 12, Nghị định số 88 ngày 19/10/2009 của Chính phủ về cấp giấy CNQSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất).

Theo Luật Đất đai năm 2013 thì thời gian tương ứng của các thủ tục nêu trên đã giảm xuống còn 30 ngày và 10 ngày (Điều 61 của Nghị định số 43 ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai) và tiếp tục được giảm xuống còn 7 ngày đối với trường hợp cấp đổi giấy chứng nhận (Nghị định số 01 ngày 06/01/2017). Việc đơn giản hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực cấp giấy chứng nhận như đã nêu nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn, giảm bớt chi phí cho người dân và doanh nghiệp.

Tuy nhiên, trong thời gian mới thành lập văn phòng đăng ký đất đai không thể tránh khỏi những khó khăn ban đầu như ý kiến của cử tri đã nêu, nhất là đối với địa phương chưa hoàn thiện cơ sở dữ liệu đất đai và địa bàn rộng. Để giảm thiểu áp lực cho các địa phương về trình tự, thủ tục luân chuyển hồ sơ và cơ quan ký giấy chứng nhận, thời gian qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu cho Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai (Nghị định số 01 ngày 06/01/2017), trong đó bổ sung quy định việc cho phép sở tài nguyên và môi trường được ủy quyền cho văn phòng đăng ký đất đai cấp giấy CNQSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đối với trường hợp người sử dụng đất thực hiện quyền và khi cấp đổi, cấp lại giấy chứng nhận (khoản 23, Điều 2 của Nghị định này). Việc bổ sung quy định sẽ giải quyết các vướng mắc trong thực tiễn như cử tri đã nêu nhằm phục vụ tốt hơn nữa cho tổ chức và người dân trong quá trình thực hiện các thủ tục hành chính về đất đai, tài sản gắn liền với đất.

Về phản ánh của cử tri về tình trạng chậm trễ hồ sơ tại tỉnh Hậu Giang, Bộ Tài nguyên và Môi trường xin ghi nhận và sẽ có kế hoạch thanh tra, kiểm tra cụ thể tại địa phương này.

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>