Trả lời kiến nghị của cử tri

03/11/2017 | 06:08 GMT+7

Cử tri kiến nghị:

Cử tri băn khoăn trước tình hình sản xuất nông nghiệp của người dân gặp nhiều khó khăn do biến đổi khí hậu, thời tiết thay đổi bất thường. Do đó, đề nghị cần có chính sách hỗ trợ cây giống, con giống cho nông dân, nhất là người dân ở vùng bị ảnh hưởng của thiên tai, vùng sâu, vùng xa. Cử tri được biết, hiện nay giá các loại trái cây không ổn định khi vào vụ thu hoạch rộ do nhiều nguyên nhân khác nhau, kiến nghị tiến hành quy hoạch lại diện tích cây ăn trái, có giải pháp giúp nông dân chuyển giao khoa học kỹ thuật, hướng dẫn nông dân kỹ thuật trồng cây ăn trái theo hướng sản phẩm sạch, thân thiện môi trường, hỗ trợ nông dân đăng ký chỉ dẫn địa lý, đăng ký thương hiệu, quảng bá thương hiệu, tìm đầu ra ổn định cho trái cây.

Cử tri băn khoăn trước tình hình sản xuất nông nghiệp đang gặp nhiều khó khăn do biến đổi khí hậu.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trả lời:

1. Biến đổi khí hậu là một trong những thách thức lớn nhất đối với nhân loại, tác động nghiêm trọng đến sản xuất và đời sống của người dân. Ở nước ta, biến đổi khí hậu đã ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất nông nghiệp trong những năm qua. Để hạn chế rủi ro cho sản xuất nông nghiệp, Chính phủ đã ban hành các chính sách hỗ trợ cây giống, con giống cho nông dân nói chung và nông dân vùng chịu ảnh hưởng của thiên tai nói riêng, cụ thể:

- Quyết định số 2194 ngày 25/12/2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Đề án giống cây nông lâm nghiệp, giống vật nuôi và giống thủy sản đến năm 2020”, hỗ trợ sản xuất giống gốc, giống đầu dòng để người dân có điều kiện sử dụng giống tốt, giống đúng chất lượng, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất, nâng cao đời sống.

- Nghị định số 02/2017 ngày 09/01/2017 của Chính phủ về “Cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh”. Nhà nước sẽ hỗ trợ một phần chi phí giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản hoặc một phần chi phí sản xuất ban đầu để người dân khôi phục sản xuất.

- Ngoài ra, quỹ dự trữ quốc gia còn hỗ trợ giống cây trồng, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y... mỗi khi các địa phương bị thiên tai, dịch hại... theo quy định của Luật Dự trữ quốc gia.

2. Đối với sản xuất trái cây, thời gian qua, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành và địa phương triển khai thực hiện nhiều giải pháp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho ngành hàng phát triển ổn định, cụ thể là:

-  Về  quy hoạch

+ Ngày 02/02/2012, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 124 phê duyệt “Quy hoạch tổng thể phát triển sản xuất ngành nông nghiệp đến năm 2020 và tầm nhìn 2030”, trong đó có định hướng diện tích trồng cây ăn quả theo vùng kinh tế.

+ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Quyết định số 1648 ngày 17/7/2013 “Quy hoạch vùng cây ăn quả chủ lực trồng tập trung và định hướng rải vụ một số cây ăn quả ở Nam bộ đến năm 2020”; Quyết định số 5392 ngày 26/12/2016 “Quy hoạch vùng trồng cây thanh long đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”;

+ Hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang tiến hành xây dựng “Quy hoạch phát triển cây ăn quả chủ lực toàn quốc đến năm 2025, tầm nhìn 2030”, dự kiến phê duyệt năm 2018.

- Về  chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân

+ Cây ăn quả được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chọn là sản phẩm chủ lực và đầu tư cao cho công tác nghiên cứu khoa học và khuyến nông. Bộ ưu tiên các hoạt động nghiên cứu khoa học và khuyến nông đối với các loại cây ăn quả chủ lực trồng tập trung, đồng bộ từ chọn tạo giống đến hoàn thiện, chuyển giao vào sản xuất các quy trình canh tác tiên tiến, quy trình kỹ thuật xử lý ra hoa, quy trình quản lý dịch hại, công nghệ xử lý, bảo quản, chế biến...

+ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thành lập Ban Chỉ đạo sản xuất rải vụ thu hoạch cây ăn quả chủ lực trồng tập trung vùng Nam bộ để chỉ đạo các địa phương thực hiện kế hoạch lịch thời vụ sản xuất 5 loại cây ăn quả chủ lực (thanh long, xoài, chôm chôm, sầu riêng và nhãn). Bộ cũng chỉ đạo các đơn vị tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện kỹ thuật rải vụ thu hoạch trái cây để tăng hiệu quả kinh tế cho người sản xuất.

+ Thực hiện Nghị định số 02/2010 ngày 08/01/2010 của Chính phủ về khuyến nông, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các địa phương đã xây dựng nhiều mô hình sản xuất áp dụng khoa học công nghệ mới, trong đó có các mô hình cây ăn trái để người dân tham quan học tập và nhân rộng.

+ Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 01/2012 ngày 09/01/2012 về một số chính sách hỗ trợ áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt trong nông nghiệp. Hiện nay, chính sách này thuộc Chương trình mục tiêu “Tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp và phòng, chống giảm nhẹ thiên tai, ổn định đời sống dân cư” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 923 ngày 28/6/2017, làm cơ sở để các địa phương triển khai, thực hiện.

- Về đăng ký chỉ dẫn địa lý, đăng ký thương hiệu, quảng bá thương hiệu, tìm đầu ra ổn định cho trái cây

Hàng năm, thông qua Chương trình xúc tiến thương mại, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đều có các hoạt động quảng bá sản phẩm nông lâm thủy sản Việt Nam, trong đó có mặt hàng trái cây tại các thị trường thế giới. Đồng thời, tiến hành đàm phán giải quyết các rào cản kỹ thuật với các nước nhập khẩu trái cây để mở cửa thị trường. Hiện nay, một số nước đã cho phép nhập khẩu trái cây của Việt Nam như ASEAN, EU, Trung Đông, Đông Âu và Canada cho phép nhập các loại quả tươi; Trung Quốc nhập thanh long, dưa hấu, chôm chôm, xoài, vải, nhãn, chuối và mít; Hoa Kỳ nhập thanh long, chôm chôm, nhãn, vải, vú sữa; Nhật Bản, Hàn Quốc, Newzealand nhập thanh long, xoài; Úc nhập thanh long, xoài, vải...

Đối với việc xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý: Hiện nay, đã xây dựng được một số thương hiệu quốc gia về cây ăn trái như bưởi Năm Roi, thanh long Bình Thuận... Thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ phối hợp với các địa phương nghiên cứu, xây dựng thương hiệu với từng sản phẩm cụ thể của các địa phương.

Trên đây là trả lời của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đối với kiến nghị của cử tri tỉnh Hậu Giang.

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>