Trả lời kiến nghị của cử tri

16/03/2018 | 07:31 GMT+7

Cử tri kiến nghị:

Hiện nay, nội dung chương trình, thời lượng giảng dạy chưa hợp lý, chương trình học chính khóa nặng; đề nghị tích hợp nội dung để giảm môn học phù hợp với khả năng học sinh; nghiên cứu chọn lọc nội dung cơ bản, cần thiết, phù hợp chuẩn kiến thức, kỹ năng theo chương trình. Cần xác định rõ quan điểm xây dựng nội dung “chương trình nâng cao” theo chiều sâu, đảm bảo học sinh nắm vững kiến thức, kỹ năng trên nền tảng của chuẩn chương trình, xác lập mới cơ chế biên soạn sách giáo khoa, mở rộng điều kiện biên soạn, ban hành tài liệu học tập, mở rộng danh mục thiết bị dạy học.

Bộ Giáo dục và Đào tạo trả lời:

Triển khai thực hiện Nghị quyết số 88 ngày 28/11/2014 của Quốc hội về đổi mới chương trình (CT), sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông (GDPT) (Nghị quyết 88), Bộ Giáo dục va Đào tạo đang xây dựng CT GDPT mới theo hướng tinh giản, hiện đại, thiết thực, phù hợp với lứa tuổi học sinh; tích hợp cao ở các lớp học dưới và phân hóa dần ở các lớp học trên. Ở cấp tiểu học và cấp trung học cơ sở thực hiện lồng ghép những nội dung liên quan với nhau của một số lĩnh vực giáo dục, một số môn học trong chương trình hiện hành để tạo thành môn học và chủ đề tích hợp để giảm tải, giảm kiến thức hàn lâm, trùng lặp.

Trong CT GDPT mới, ở cấp trung học phổ thông, ngoài các môn học bắt buộc và môn học lựa chọn còn có các chuyên đề học tập nhằm thực hiện yêu cầu phân hóa sâu, giúp học sinh tăng cường kiến thức và kỹ năng thực hành, vận dụng kiến thức giải quyết một số vấn đề của thực tiễn, đáp ứng yêu cầu định hướng nghề nghiệp. Học sinh được chọn một số chuyên đề học tập phù hợp với nguyện vọng của bản thân và điều kiện tổ chức của nhà trường.

Thực hiện chủ trương một CT nhiều SGK, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành quy định về tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, chỉnh sửa SGK, tiêu chuẩn tổ chức, cá nhân biên soạn SGK; quy định tổ chức và hoạt động của Hội đồng quốc gia thẩm định SGK; hướng dẫn việc lựa chọn SGK trong các cơ sở GDPT. Để chủ động trong xây dựng và triển khai CT GDPT mới, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức việc biên soạn một bộ SGK đủ các môn học theo CT GDPT mới. Ngoài bộ SGK mới do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức biên soạn, còn có SGK do các tổ chức, cá nhân biên soạn. SGK được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt cho phép sử dụng làm tài liệu dạy học chính thức trong các cơ sở GDP nếu được Hội đồng quốc gia thẩm định SGK biểu quyết nhất trí thông qua.

Về thiết bị dạy học, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ ban hành danh mục thiết bị dạy học tối thiểu theo CT mới. Trước mắt, các cơ sở GDPT chủ động tiến hành điều chỉnh, bố trí, sắp xếp nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng cơ sở vật chất, kỹ thuật của nhà trường đáp ứng yêu cầu CT mới, SGK mới; ưu tiên bố trí phòng học bộ môn, phòng thực hành, thí nghiệm; rà soát danh mục thiết bị giáo dục tối thiểu hiện hành, chỉ bổ sung những thiết bị thật sự cần thiết, trang bị thiết bị giáo dục ứng dụng kỹ thuật số để nâng cao hiệu quả sử dụng và tiết kiệm chi phí.

Cử tri kiến nghị:

Hiện nay, ở Thanh Hóa cũng như nhiều địa phương trong cả nước, tình trạng nông dân bỏ ruộng không canh tác, không thiết tha làm nông nghiệp ngày càng tăng. Tuy nhiên, khi cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chủ trương tích tụ ruộng đất để chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp sạch, ứng dụng công nghệ cao hoặc thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội thì rất khó khăn vì người dân giữ ruộng, đòi đền bù giá cao. Từ thực trạng này, vấn đề cần quan tâm là thay đổi tư duy và phương thức sản xuất nông nghiệp của người dân.

Cử tri cho rằng rất khó thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội vì người dân giữ ruộng, đòi đền bù giá cao.

Đề nghị nghiên cứu để có những cơ chế, chính sách khuyến khích tích tụ ruộng đất, đặc biệt là để người nông dân hăng hái góp vốn bằng quyền sử dụng đất cùng với doanh nghiệp sử dụng đất có hiệu quả mà nông dân vẫn không bị mất đất.

Bộ Tài nguyên và Môi trường trả lời:

Để đảm bảo việc phát triển nông nghiệp nông thôn, tạo điều kiện cho sản xuất nông nghiệp và quá trình tích tụ ruộng đất của hộ gia đình, cá nhân có hiệu quả, phù hợp với nền kinh tế và phát triển của đất nước trong giai đoạn hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang xây dựng đề án về “điều tra, đánh giá, đề xuất xây dựng cơ chế chính sách khuyến khích tích tụ, tập trung đất đai, phát huy tiềm năng đất đai cho phát triển kinh tế - xã hội” để sửa đổi, bổ sung chính sách quy định về hạn mức tích tụ đất nông nghiệp cho phù hợp. Hiện đề án đang được Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu để sớm đề xuất Chính phủ, Quốc hội xem xét theo thẩm quyền.

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>