Trả lời kiến nghị của cử tri

06/04/2018 | 07:29 GMT+7

Cử tri kiến nghị:

Qua các phương tiện thông tin đại chúng cử tri được biết, Bộ Tài chính đã công bố định hướng sửa đổi, bổ sung 5 dự án luật về thuế, với đề xuất tăng mức thu thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân đến thuế giá trị gia tăng (GTGT)... Lý do đề xuất tăng thuế GTGT, Bộ Tài chính cho rằng mức thuế GTGT hiện tại 10% là tương đối thấp, không phù hợp với thông lệ quốc tế, khó đảm bảo an toàn cho nền tài chính quốc gia.

Cử tri đề nghị Chính phủ cần tăng cường công tác quản lý nhà nước trong việc thực hiện Luật Thuế GTGT nhằm tránh thất thoát NSNN đồng thời bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng.

Cử tri nêu ý kiến về việc tăng thuế GTGT vào thời điểm hiện nay là không phù hợp, vì người tiêu dùng bất kể thu nhập cao hay thấp đều phải đóng cùng một mức thuế GTGT cho cùng một sản phẩm chịu thuế. Do vậy, gánh nặng thuế đối với mặt hàng tiêu dùng luôn chiếm một tỷ trọng cao hơn trong khi thu nhập của người thu nhập thấp. Đề nghị Chính phủ tăng cường công tác quản lý nhà nước trong thực hiện Luật Thuế GTGT nhằm tránh thất thoát ngân sách Nhà nước (NSNN) đồng thời bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng.

Bộ Tài chính trả lời:

1. Về đề xuất tăng thuế GTGT:

Thuế GTGT là thuế gián thu thu vào hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng tại Việt Nam và hiện đã có gần 170 nước áp dụng.

Luật Thuế GTGT được Quốc hội thông qua vào năm 1997 (thay thế Luật Thuế doanh thu) và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/1999. Luật đã quy định 3 mức thuế suất: 5%, 10% và 20% (không kể mức thuế suất thuế GTGT 0% áp dụng đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu). Để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân từ ngày 01/01/2004, Luật quy định chỉ còn 2 mức thuế suất: thuế suất ưu đãi 5%, thuế suất phổ thông 10% và thuế suất 0% đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu.

Trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu sụt giảm nhanh nên tỷ lệ huy động cho NSNN từ thuế, phí cũng giảm nhanh và sự sụt giảm trong nguồn thu này đang được bù đắp bởi nợ công. Trên thế giới, trình trạng nợ công tăng cao khiến các nước, kể cả các nước phát triển, tiến hành cơ cấu lại thu NSNN theo hướng tăng cường nguồn thu từ thuế gián thu (thuế GTGT và thuế tiêu thụ đặc biệt) để bù đắp cho nguồn thu giảm do giảm thuế thu nhập và giảm thuế nhập khẩu để thực hiện các cam kết quốc tế.

Về mức thuế suất: Thống kê mức thuế suất thuế GTGT của 112 nước, có 88 nước có mức thuế suất từ 12% đến 25% (trong đó 56 nước có mức thuế suất từ 17% đến 25%), còn lại 24 nước phổ biến ở mức hơn 10%.

 Mức thuế suất trung bình theo khu vực như sau: Thuế suất thuế GTGT trung bình toàn cầu là 16%; ở châu Á là 10,9%; Liên minh châu Âu là 21,5%; Trung Âu và Nga là 18,6%; châu Mỹ là 14%. Thuế suất thuế GTGT ở Việt Nam hiện thấp hơn mức trung bình của khu vực và thế giới.

Thực hiện Nghị quyết số 07 của Bộ Chính trị ngày 18/11/2016 về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại NSNN, quản lý nợ công để bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững và Nghị quyết số 25/2016 của Quốc hội ngày 9/11/2016 về kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016-2020, trong đó có giải pháp tăng tỷ trọng thu nội địa, điều tiết hợp lý giữa thuế gián thu và thuế trực thu, Bộ Tài chính đã đề xuất lộ trình tăng thuế suất thuế GTGT từ mức 10% lên mức 11% vào năm 2019 và tăng lên mức 12% vào năm 2020.

Do thuế GTGT là thuế gián thu và đối tượng chịu thuế GTGT là hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng tại Việt Nam (phạm vi tác động rộng) nên việc điều chỉnh tăng thuế suất thuế GTGT sẽ tác động đến người tiêu dùng, cụ thể:

Theo Ngân hàng Thế giới: Đề xuất tăng thuế GTGT lên 12% sẽ tăng chỉ số CPI (chỉ số giá tiêu dùng) một lần trong khoảng 0,06-0,39%, do đó lạm phát do tăng CPI ở mức thấp này không phải là vấn đề đáng lo ngại. Tuy nhiên, nếu duy trì thuế suất thuế GTGT thấp sẽ mang lại lợi ích cho người giàu nhiều hơn người nghèo vì 20% hộ gia đình nghèo nhất chỉ trả khoảng 9% tổng số thu thuế GTGT. Trong khi đó, 20% hộ gia đình giàu nhất trả gần 40% tổng số thu thuế GTGT. Điều này có nghĩa là nếu một hộ nghèo tiết kiệm được trung bình 10.000 đồng do thuế suất thuế GTGT thấp thì hộ giàu tiết kiệm được 40.000 đồng. Vì vậy, thuế suất thuế GTGT thấp sẽ mang lại lợi ích cho người giàu nhiều hơn người nghèo.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Bộ KH&ĐT): Đối với đề xuất tăng 2% thuế suất thuế GTGT sẽ tác động tăng chỉ số giá lên 2,28% và giảm mức tăng trưởng GDP 0,5% (Bộ KH&ĐT đánh giá tăng ngay từ mức 10% lên mức 12%).

Bộ Tài chính thấy rằng, để giảm tác động của việc tăng thuế đến người có thu nhập thấp thì Chính phủ cần tiếp tục chi hỗ trợ về an sinh xã hội như: Chi cho giáo dục, y tế, chi đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng,... để số tiền thu thuế GTGT tăng thêm có thể đem lại lợi ích nhiều hơn so với số tiền thuế họ phải trả thêm. Hiện nay, Chính phủ đã có những chính sách hỗ trợ như: Hỗ trợ tiền điện cho các hộ nghèo, hộ chính sách xã hội 49.000 đồng/tháng; hỗ trợ xây dựng nhà ở cho các hộ nghèo, hộ chính sách xã hội; hỗ trợ người đơn thân, người cao tuổi thuộc hộ nghèo, người cao tuổi không có trợ cấp bảo hiểm xã hội, người tàn tật,... mức hỗ trợ từ 180.000-720.000 đồng/tháng; chính sách hỗ trợ tham gia bảo hiểm y tế đối với người nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi, người cận nghèo, học sinh, sinh viên; miễn học phí cho học sinh, sinh viên là người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo và hộ cận nghèo học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học và nhiều chính sách an sinh xã hội khác.

Nội dung đề xuất sửa Luật Thuế GTGT đang trong quá trình gửi ý kiến bộ, ngành, địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp và toàn thể nhân dân, trên cơ sở đó, Bộ Tài chính sẽ tiếp thu, giải trình các ý kiến tham gia để gửi cơ quan thẩm định và báo cáo Chính phủ trình Quốc hội đưa vào chương trình sửa luật theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

2. Về đề nghị tăng cường công tác quản lý nhà nước trong việc thực hiện Luật Thuế GTGT nhằm tránh thất thoát NSNN:

Để ngăn ngừa các hành vi gian lận về khai thuế, hoàn thuế GTGT đảm bảo thu đúng, thu đủ, thu kịp thời vào NSNN, những năm qua, Bộ Tài chính đã triển khai quyết liệt một số giải pháp sau:

- Đã tăng cường thực hiện giám sát chặt chẽ việc hoàn thuế GTGT, đặc biệt là hoàn thuế GTGT qua biên giới đất liền nhằm thực hiện đúng pháp luật về hoàn thuế GTGT nhưng vẫn đảm bảo giải quyết hồ sơ hoàn thuế GTGT đúng hạn (tỷ lệ hồ sơ được giải quyết hoàn thuế GTGT đúng hạn trên 90%). Đồng thời, Bộ Tài chính cũng thường xuyên rà soát, nắm bắt kịp thời đối tượng có rủi ro cao về thuế để đưa vào diện theo dõi, quản lý thuế.

- Về quản lý hóa đơn: Ngành thuế đã thực hiện thí điểm sử dụng hóa đơn điện tử có mã xác thực của cơ quan thuế và tiến tới áp dụng hóa đơn điện tử trên phạm vi toàn quốc. Việc triển khai hóa đơn điện tử vừa góp phần giảm thời gian, chi phí về hóa đơn cho doanh nghiệp, vừa góp phần hạn chế các hành vi gian lận về hóa đơn (hóa đơn giả, lập hóa đơn khống).

- Để góp phần ngăn chặn gian lận trong việc kê khai, khấu trừ thuế GTGT, Luật Thuế GTGT đã quy định điều kiện khấu trừ thuế GTGT đầu vào là phải thực hiện thanh toán qua ngân hàng (hiện hành quy định ở mức 20 triệu đồng trở lên), sắp tới Bộ Tài chính đề xuất giảm xuống mức thấp hơn (dự kiến ở mức 5 triệu đồng trở lên phải thanh toán qua ngân hàng).

- Bộ Tài chính đã chỉ đạo Tổng cục Thuế tập trung thanh tra, kiểm tra thuế đối với những doanh nghiệp có rủi ro cao về thuế, rủi ro cao về hoàn thuế và rủi ro cao trong sử dụng hóa đơn, chứng từ bất hợp pháp hoặc các doanh nghiệp có dấu hiệu chuyển giá, doanh nghiệp giao dịch qua ngân hàng có dấu hiệu đáng ngờ và thanh tra những doanh nghiệp trong các lĩnh vực tài nguyên khoáng sản, phân phối bán lẻ, du lịch...

Bên cạnh công tác quản lý thuế để khai thác tốt nguồn thu, chống thất thu thuế, toàn ngành thuế đang tập trung cải cách thủ tục hành chính theo Nghị quyết 19 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và Nghị quyết 36a của Chính phủ về Chính phủ điện tử; triển khai các chương trình hỗ trợ để mang lại sự thuận tiện nhất cho người nộp thuế.

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>