Vị thanh hình thành và phát triển: Các loài thực vật đặc hữu của vùng đất Vị Thanh

30/07/2021 | 09:39 GMT+7

Khi Mạc Cửu lập 7 xã vùng vịnh Xiêm La, dù dân cư đã sống rải rác theo các bờ sông Cái Lớn, Cái Tư, nhưng nhìn chung thảm thực vật bao trùm vẫn là các loại cây rừng hoang dã theo dạng rừng ngập nước, phù hợp điều kiện sinh thái nước ngọt, mặn, lợ. Tại địa bàn Vị Thanh xưa và nay, phổ biến, nhiều nhất vẫn là các loại cây.

Lục bình và dừa nước trên sông Nước Đục, đoạn qua địa bàn xã Tân Tiến, thành phố Vị Thanh.

Cây tràm

Loại cây gỗ cao từ 4-5m, vỏ màu xám, nhiều lớp, dễ róc, lá xanh, dài mọc so le. Bông tràm màu vàng, là thức ăn khoái khẩu của loài ong. Người khẩn hoang thường làm nghề “ăn ong”, mật ong từ bông tràm rất có giá trị kinh tế, là dược liệu quý chữa được nhiều loại bệnh. Đây là loại cây dễ mọc, có thể dùng làm cột nhà hay vật dụng hoặc làm củi chụm. Rừng tràm Hỏa Lựu - Vị Thanh nối tiếp đoạn cuối rừng U Minh về phía Đông, ven sông Cái Lớn, Cái Tư. Bên kia kinh Xà No, trên đất phường IV có con rạch dài khoảng 2.000m, rộng 10m, gọi là gạch Tràm Cửa. Nơi đây là con đường mòn trong khu rừng tràm rậm rạp, đất mềm do các lớp lá rơi xuống, hoai mục phía trên, hai bên đường che khuất bởi các nhánh lá tràm, thuận lợi cho thú rừng qua lại đến rạch Cái Nhum gần đó uống nước. Đường mòn lâu ngày bị voi, trâu rừng giẫm đạp lún xuống thành rạch chảy ra cửa rừng nên dân quen đặt gọi Tràm Cửa.

Ngày nay, tại vùng đất phèn, trũng thuộc các xã Hỏa Lựu, Hỏa Tiến, Tân Tiến vẫn còn một ít rừng tràm do nông dân trồng lấy gỗ, khai thác làm cây cừ đóng móng nền nhà.

Cây dừa nước

Sinh sống tự nhiên theo triền, bãi sông Cái Lớn, Cái Tư, Hốc Hỏa, Nước Trong, Nước Đục. Thời xưa dừa nước mọc thành rừng nên khu vực này có thể gọi là “vương quốc dừa nước”. Nó dễ sống dựa trên vùng đất nước mặn, lợ, ngọt, phèn. Do sự rậm rạp, rừng dừa nước luôn là chỗ ẩn nấp tốt, an toàn cho những toán nghĩa quân Nguyễn Trung Trực, hoặc trở thành căn cứ hoạt động của lực lượng cách mạng thời chống Pháp, chống Mỹ.

Từ xưa, người đi khẩn hoang đã biết dùng lá dừa nước để lợp nhà, bằng cách xé ra phơi khô hoặc chằm lại thành tấm. Có thể nói, sau cây lúa, cây dừa nước mang lại nguồn lợi khá nhiều cho cư dân. Xem lại tư liệu xưa, đất trồng dừa nước thời nhà Nguyễn, bị đánh thuế cao hơn đất ruộng. Thời kháng Pháp, lúc có chính quyền cách mạng quản lý gắt gao rừng dừa nước không cho tự do khai phá.

Qua nhiều thời gian, cây dừa nước đã thành thảm thực vật đặc trưng gần gũi nơi vùng sinh thái Tây sông Hậu - Bắc bán đảo Cà Mau, qua lời ca dao:

Mắm trước, đước sau, tràm theo sát

Sau hàng dừa nước mái nhà ai.

Cây nhum

Tên sách vở gọi là “thiết tung”, mỗi bụi nhum có từ 4-5 cây. Thân nhum có nhiều gai, thớ gỗ đen, thịt chắc nên dân gian hay dùng làm cột nhà, lầu, gác. Xưa mấy cụ đồ nho xẻ thân nhum ra thành ván để viết lên câu đối. Tại các đồn lũy, căn cứ người ta lấy cây nhum vót chông đặt quanh vùng. Trái nhum đơm từng quầy như cau, có thể làm thực phẩm nấu canh hay xào với tôm thịt.

 Giữa nội thị xã Vị Thanh, thời xưa có một nhánh của rạch Cái Tư chạy vô, gọi là rạch Cái Nhum, sau khi hình thành chợ làng, cũng gọi là chợ Cái Nhum. Thời kháng chiến cho tới năm 1975, nhiều cán bộ chiến sĩ cách mạng vẫn còn thấy những bụi nhum trong vườn tạp ở khu vực Ổ Sấu - Ba Doi, giáp đất Gò Quao (Kiên Giang).

Vị Thanh - Hỏa Lựu ngày nay không còn dấu tích cây nhum nào, nhưng thỉnh thoảng người ta đào đất, thường bắt gặp cây nhum bị vùi lấp lâu đời.

Cây mật cật

Vùng Long Mỹ, Vị Thanh xưa mọc đầy cây mật cật, nhất là các khu rừng ven sông, vườn tạp gần nhà. Ngày nay, mật cật được dùng làm cây kiểng trang trí. Mật cật còn có tên gọi là trúc mây, họ cau thường mọc thành bụi, lá kép chân vịt màu xanh bóng đậm. Ngày nay, thỉnh thoảng khi đào đất, dân trong vùng phát hiện nhiều lớp lá mật cật bị chôn vùi, tạo thành lớp than bùn. Lá mật cật dùng chằm nón lá xài rất lâu.

Dây choại (hoặc dây chại)

Loại cây như dây leo, thường mọc xen trong rừng tràm Vị Thanh, Long Mỹ hay Lung Ngọc Hoàng. Xưa choại để già dùng làm dây buộc để lợp nhà, đan sậy làm đăng bắt cá. Đọt choại non nấu canh, luộc ăn rất ngon bởi chất nhờn, giòn, vị lạ. Tại vùng căn cứ kháng chiến, dây choại đã trở thành loại thực phẩm giúp cán bộ, chiến sĩ qua những lúc khó khăn. Giờ đây, choại hoang không còn nữa nên người ta phải vun trồng, bởi nó mang lại hiệu quả kinh tế, trở thành đặc sản trong các nhà hàng lớn.

Cây sắn

Trong các vườn tạp ở thôn quê Vị Thanh, thỉnh thoảng người ta bắt gặp những cây sắn mọc xen. Sắn là loại cây to, cao, mọc thẳng. Gỗ sắn già dùng làm cột nhà, đóng ghe xuồng chắc, bền. Đặc biệt, vỏ cây sắn vắt nước nhuộm lưới, nhuộm quần áo xài bền, lâu. Trái sắn chín màu tím sẫm, vị ngọt, chua, ăn được.

Cây bần

Xưa nay vẫn là loại cây hoang, thường mọc ở các bãi bồi ven vùng sông Vị Thanh - Hỏa Lựu. Bần cũng chịu được sinh thái mặn, ngọt, lợ. Thân cây to, có thể cao tới 15-20m, cành lá xum xuê. Trái bần ăn sống có vị chua - chát, nhiều người dùng nấu canh, bông bần đẹp màu trắng. Bần không mang lại nguồn lợi kinh tế, nhưng có tác dụng giữ đất bãi bồi phù sa hoặc chắn gió. Khi trái chín, rụng xuống, trôi theo thủy triều, hột phát tán mọc lan trên bãi bùn ven sông.

Ngày nay, quanh bãi, bờ sông, rạch Vị Thanh vẫn còn nhiều cây bần. Theo truyền thuyết, khi vua Gia Long bôn tẩu tại một cồn ở đất Bến Tre, được dân cho ăn quả bần, ngài khen ngon và đặc tên cây bần là thủy liễu.

Cây lục bình

Đây là loại cây đặc trưng, sống nổi trôi trên sông nước, mương vườn nhà ở miền Tây Nam bộ, chịu được nước ngọt và nước lợ. Hiện nay còn tồn tại khá nhiều tại các bờ vịnh ven sông Cái Lớn, Cái Tư, Cái Su cùng nhiều kinh, rạch nhỏ. Do cành lá có cuống, đưa lá nhỏ lên cao giống lọ lục bình nên dân gian gọi là cây lục bình.

Lục bình thường mọc thành bụi, thành giề. Hoa lục bình màu tím nhạt, có nét đẹp hoang dã. Cây lục bình xưa dùng để làm thức ăn cho heo hoặc phân hữu cơ. Trong thời hiện đại, cây lục bình trở thành nguyên liệu làm giỏ, bán cho du khách, góp phần cho ngành đan đát thủ công phát triển.

Ngoài các loại cây lấy gỗ, cây có giá trị kinh tế nêu trên - Vùng đất Vị Thanh còn có các loại cây khác vừa có tác dụng giữ bờ, vừa mang lại nguồn lợi thực phẩm như: Cây tra, bàng, xộp, gừa, rau mác, đế, ô rô, sậy, cóc kèn, bình bát…

VỊ THANH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>