Vui khi làm... trưởng ấp

02/04/2018 | 08:46 GMT+7

Chế độ phụ cấp thấp và phải thường xuyên bỏ việc nhà lo việc chung của ấp, của Nhân dân, nhưng nhiều trưởng ấp ở huyện Phụng Hiệp lại thấy vui.

Nói vậy là bởi có không ít trưởng ấp đã làm công việc này hàng chục năm qua mà chưa biết… chán. Sự năng nổ, nhiệt huyết của họ giúp nhiều mặt kinh tế, văn hóa, xã hội ở ấp phát triển qua từng năm; người dân rất tin tưởng, hài lòng.

Trưởng ấp Hùng (phải) rất khéo vận động người dân tham gia các phong trào ở ấp.

Trưởng ấp của tam nông

Thời mà ông Trần Văn Khá về làm Trưởng ấp Mỹ Quới B, thị trấn Cây Dương (vào năm 2000) thì người dân xứ này còn cực khổ lắm. Đa phần họ làm nông nhưng manh mún, nhỏ lẻ nên gặp khó về chủ động nguồn nước, quản lý sâu bệnh, cũng như việc thu hoạch và tìm đầu ra thị trường… Thấy cái khổ của dân và được sự đồng ý của Đảng ủy, UBND thị trấn Cây Dương, ông Khá nghĩ đến chuyện thành lập Tổ hợp tác trồng lúa tại ấp.

Ý tưởng đã có nhưng khi triển khai thực hiện chẳng mấy dễ dàng. Bởi nông dân thời ấy chưa biết nhiều về chuyện hợp tác, vả lại muốn tham gia thì phải đóng tiền làm đê bao, cống bọng nên nhiều người chưa sẵn sàng.

Không chịu thua, ông Khá ra sức tuyên truyền cho bà con hiểu về lợi ích khi tham gia tổ hợp tác, kết quả là 2 tổ hợp tác được thành lập sau đó. Rồi những vụ lúa đầu tiên theo mô hình hợp tác mang lại lợi nhuận cao hơn nhiều so với làm riêng lẻ, manh mún nên nhiều người mới tin lời Trưởng ấp Khá nói đúng. Họ tự nguyện đăng ký tham gia tổ hợp tác khiến số lượng thành viên của 2 tổ tăng lên nhanh chóng. Đến nay, có hơn 50 hộ gia đình tham gia 2 tổ hợp tác với tổng diện tích gần 90ha.

Là một trong những người đầu tiên nghe theo Trưởng ấp Khá tham gia vào tổ hợp tác, ông Lê Văn Danh khẳng định đó là một quyết định chính xác. Nhà ông Danh có 10 công ruộng, phải nuôi mấy đứa con nên khá vất vả vì làm lúa đâu có lời nhiều. Từ khi tham gia tổ hợp tác của ấp thì thu nhập cao hơn, cuộc sống cũng tạm ổn.

Lão nông này cho biết: “Cái lợi của tổ hợp tác là làm gì cũng đồng loạt và giống nhau, như sử dụng cùng một loại giống, bơm nước, gieo sạ, thu hoạch đều đồng loạt và bán lúa cũng cho cùng một thương lái. Cũng vì vậy mà chi phí sản xuất giảm. Đơn cử như nếu làm riêng lẻ thì chi phí bơm nước của mỗi hộ tốn khoảng 1 triệu đồng, nhưng khi bơm chung thì giảm xuống còn 700.000 đồng/công. Chưa kể là chi phí phun xịt thuốc diệt sâu, rầy cũng giảm hơn, do cùng làm đồng loạt nên dễ quản lý các loại dịch bệnh”.

Dù chưa thu hoạch nhưng ông Danh khoe vụ lúa hiện tại của các thành viên trong 2 tổ hợp tác sẽ thắng lớn, bởi năng suất lúa được dự đoán không dưới 1 tấn/công, cộng với giá lúa đang ở mức cao nên lợi nhuận có thể đạt 40 triệu đồng/ha.

Là con nhà nông chính gốc nên Trưởng ấp Khá thấu hiểu nỗi vất vả của nông dân nên luôn tìm cách cải thiện sinh kế cho bà con. Ngoài vận động thành lập 2 tổ hợp tác trồng lúa, gần 5 năm nay, ông còn kêu gọi các thành viên trong 2 tổ này thả nuôi cá (mè, rô phi) cũng tập trung trên ruộng lúa. Chỉ tốn tiền mua cá giống nên khi thu hoạch, mỗi hộ lời khoảng 7 triệu đồng/ha, góp phần cải thiện cuộc sống.

Nhà ông Khá có 8 công đất và cũng đang tham gia tổ hợp tác trồng lúa của ấp. Vì thường xuyên lo việc nước, việc dân nhưng chỉ nhận được mức phụ cấp quá ít nên kinh tế gia đình ông chẳng mấy khá giả. Khi hay tin thằng con trai út đậu vào một trường đại học ở Thành phố Hồ Chí Minh, ông bàn với vợ nếu túng thiếu quá chắc phải bán 4 công đất cho con ăn học. Nhưng mấy năm trôi qua, nhờ cố gắng lao động, sống tiết kiệm nên số đất nhà ông còn nguyên. Giờ đứa con cũng sắp ra trường, đôi vai ông nhẹ lo hơn hẳn.

“Nó ra trường và có việc làm rồi thì lòng tôi nhẹ lắm. Khi ấy, tôi sẽ toàn tâm toàn sức lo cho việc nước, việc dân tốt hơn nữa”, ông Khá nói.

Nhiều năm qua, ấp Mỹ Quới B liên tục được tái công nhận văn hóa, còn các chỉ tiêu kinh tế - xã hội do thị trấn giao hàng năm đều đạt cao, vậy mà Trưởng ấp Khá còn muốn cao hơn…

Trưởng ấp vì dân

Cùng ông Mai Chí Hùng, Trưởng ấp Long Phụng, xã Hiệp Hưng, chạy xe trên tuyến đường lót đan đoạn giáp với Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng mới thấy được sự tin tưởng, quý mến mà người dân dành cho ông.

Ai thấy ông cũng gọi, tay bắt mặt mừng, ríu rút hỏi đủ chuyện. Cũng dễ hiểu thôi, đã có thâm niên 20 năm làm Trưởng ấp nên hầu hết người dân đều hiểu rõ tính nết con người ông và quý ông nhất ở sự tận tụy, gần gũi, hết lòng vì dân.

Tuyến lộ giáp với Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng trước đây vốn là đường đất, nhà nào có tiền cũng ngại mua xe máy vì không đi đâu được vào mùa mưa. Không chỉ ở đây, hầu hết các tuyến đường trong ấp đều chịu chung… cảnh ngộ.

Khi làm Trưởng ấp, điều ông trăn trở nhất là phải xây dựng lộ làng để bà con đi lại thuận tiện hơn. Những năm qua, khi phong trào Nhà nước và Nhân dân cùng làm trong xây dựng giao thông nông thôn được phát động rộng rãi thì ông Hùng biết đây là cơ hội để “thay da đổi thịt” diện mạo giao thông nông thôn ấp nên tích cực vận động người dân đồng lòng với Nhà nước thực hiện. Điều đáng nói là hễ ông mở lời là người dân sẵn sàng ủng hộ ngay.

Như tuyến lộ giáp với Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng nêu trên được xây dựng cách đây 4 năm có dấu ấn rõ nét từ sự đóng góp của Nhân dân. Nhớ lại thời điểm làm tuyến lộ này, ông Phạm Văn Thu, ở ấp Long Phụng, nói: “Nghe ông Hùng vận động có lý có tình nên nhà tôi hiến đất, đắp ta-luy. Ở đây, trưởng ấp nói chuyện có uy tín nên chúng tôi tin tưởng làm theo’.

Hiện tại, khoảng 9km đường giao thông ở ấp Long Phụng được bê tông hóa và người dân nơi đây thường xuyên nhắc đến công lao của Trưởng ấp Hùng…

Không chỉ có xây dựng giao thông, chuyện gì có lợi cho dân thì ông Hùng đều cố gắng làm. Phần lớn người dân ở ấp Long Phụng gắn bó với nghề nông (lúa, mía…) từ bao đời nay, cuộc sống còn nhiều bấp bênh. Để cải thiện, cách đây 10 năm, ông vận động bà con mạnh dạn tham gia vào tổ hợp tác trồng lúa. Từ 1 tổ đầu tiên, đến nay đã thành lập được 4 tổ với phần lớn diện tích trồng lúa trên địa bàn đều tham gia mô hình. “Hiệu quả của tổ hợp tác đã được kiểm chứng khi chi phí sản xuất giảm, năng suất đạt cao hơn và đầu ra ổn định”, ông Hùng nói đầy phấn khởi.

Kinh tế gia đình ổn định cũng là điều kiện thuận lợi để ông toàn tâm toàn ý lo làm… trưởng ấp. Mỗi tuần, ông thường dành 3-4 ngày giải quyết công việc của ấp, nếu vào các đợt cao điểm như tuyển quân, bầu cử… thì ông đi suốt cả tuần. Ông chia sẻ rằng, chỉ cần 3-4 ngày không lo chuyện của ấp là lòng thấy bứt rứt và chân lại muốn… đi. “Chắc tôi ghiền làm trưởng ấp thật rồi”, ông Hùng hóm hỉnh.

***

Cả ông Khá và ông Hùng đều chia sẻ rằng họ vui khi làm… trưởng ấp, bởi làm được nhiều việc có lợi cho dân, cho nước. Điều đó thể hiện qua mỗi ông đã có hàng chục năm với vai trò này. Nhờ cung cách làm việc mà người dân nông thôn hay gọi là… đàng hoàng nên các ông được tín nhiệm và liên tục trúng cử trong các cuộc bầu cử trưởng ấp trước đây. Và chắc rằng, ở huyện Phụng Hiệp nói riêng, toàn tỉnh nói chung sẽ còn nhiều trưởng ấp tiêu biểu như ông Khá, ông Hùng...

Tích cực chuẩn bị công tác bầu cử trưởng ấp

UBND huyện Phụng Hiệp và UBMTTQ Việt Nam huyện vừa có dự thảo Kế hoạch liên tịch về việc tổ chức bầu cử trưởng ấp; chỉ định phó trưởng ấp, nhiệm kỳ 2018-2023; bầu thành viên Ban thanh tra nhân dân xã, thị trấn nhiệm kỳ 2018-2020. Yêu cầu đặt ra trong kế hoạch liên tịch là công tác này phải được thực hiện chặt chẽ, đúng quy trình, đúng luật định, an toàn và đạt kết quả tốt.

Bên cạnh đó, huyện còn có kế hoạch phát động thi đua với chủ đề: “Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Phụng Hiệp quyết tâm thực hiện thắng lợi công tác bầu cử trưởng ấp; chỉ định phó trưởng ấp, nhiệm kỳ 2018-2023; bầu thành viên Ban thanh tra nhân dân xã, thị trấn nhiệm kỳ 2018-2020”.

 

Bài, ảnh: TRƯỜNG SƠN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>