Ý kiến của cử tri trước kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XIV

27/10/2017 | 08:10 GMT+7

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh cho biết, tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ tư Quốc hội khóa XIV, Đoàn tiếp xúc tại 18 đơn vị, địa phương, có 2.065 lượt cử tri tham dự, ghi nhận 165 lượt ý kiến, kiến nghị.

Đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh tiếp xúc cử tri xã Tân Tiến, thành phố Vị Thanh.

Trong đó, cử tri đồng thuận, phấn khởi, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, điều hành của Quốc hội, Chính phủ trong hoạt động đối nội, đối ngoại; đã có nhiều quyết sách quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh, bảo đảm tốt an sinh xã hội. Cử tri đánh giá cao trách nhiệm của người đứng đầu Chính phủ, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã tổ chức nhiều cuộc đối thoại, gặp gỡ trực tiếp cử tri, doanh nhân, công nhân, viên chức lao động cơ sở, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, kịp thời chỉ đạo, xử lý, tháo gỡ những khó khăn chính đáng của dân.

 Thông qua vai trò giám sát của đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND, giám sát, phản biện của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam các cấp, nhiều ý kiến, kiến nghị của cử tri được Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và chính quyền địa phương quan tâm giải quyết. Sau kỳ họp thứ ba đến nay, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tiếp nhận 29 văn bản trả lời của cơ quan, đơn vị Trung ương, nội dung trả lời được Đoàn đại biểu Quốc hội phối hợp cùng Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Báo Hậu Giang, Đài Phát thanh và Truyền hình Hậu Giang đăng tải đầy đủ, công khai.

Ngoài ra, cử tri trong tỉnh còn tiếp tục kiến nghị một số nội dung gửi đến kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XIV.

Cử tri phản ánh việc phê duyệt kế hoạch sử dụng đất năm 2017 tại một số tỉnh, thành còn chậm so với quy định, dẫn đến giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất theo kế hoạch bị ảnh hưởng. Công tác lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch chưa phù hợp về thời gian, nội dung với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội. Quy hoạch, kiến trúc đô thị thiếu đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, chưa thực sự chú ý tới yếu tố bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Công tác lấy ý kiến của nhân dân về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chưa thực sự chú trọng. Tình trạng quy hoạch không khả thi còn phổ biến, dẫn đến hiện nay trên cả nước vẫn còn hàng ngàn dự án “treo” chưa được thu hồi, gây lãng phí cho ngân sách nhà nước và tài sản của nhân dân. Việc xử lý các dự án “treo” sau khi thu hồi cũng gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, chưa có cơ chế, chính sách để hỗ trợ đối với những thiệt hại của dân. Kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan và các tỉnh, thành tiến hành rà soát, có biện pháp chấn chỉnh, đồng thời ban hành quy định về cơ chế và chính sách hỗ trợ thiệt hại cho người dân bị thiệt hại bởi quy hoạch không khả thi và dự án “treo”.

Cử tri kiến nghị Chính phủ cân nhắc đối với đề nghị của Bộ Tài chính về tăng thuế VAT vào thời điểm hiện nay là không phù hợp, vì người tiêu dùng bất kể thu nhập cao hay thấp đều phải đóng cùng một mức thuế VAT cho cùng một sản phẩm chịu thuế. Do vậy, gánh nặng thuế đối với mặt hàng tiêu dùng luôn chiếm một tỷ trọng cao hơn trong thu nhập của người thu nhập thấp. Đề nghị Chính phủ tăng cường công tác quản lý nhà nước trong việc thực hiện Luật Thuế giá trị gia tăng nhằm tránh thất thoát ngân sách đồng thời bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng.

Cử tri đánh giá cao việc xử lý các vụ án kinh tế, tham nhũng thời gian qua luôn được lãnh đạo Đảng, nhà nước quan tâm. Tuy nhiên, nhiều cử tri phản ánh bức xúc là một số vụ số tiền phải thi hành án lớn nhưng tài sản để bảo đảm thi hành không đủ thi hành nghĩa vụ mà bản án đã tuyên. Kết quả thu hồi tiền, tài sản trả lại cho ngân sách Nhà nước và các tổ chức, cá nhân trong các vụ án tham nhũng còn nhiều hạn chế, tiến độ giải quyết còn chậm. Kiến nghị Chính phủ và các ngành chức năng có biện pháp chấn chỉnh, khắc phục hạn chế trên, đồng thời công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng về việc thu hồi tài sản trả lại ngân sách nhà nước trong các vụ án kinh tế, tham nhũng để cử tri và nhân dân biết.

Kiến nghị Chính phủ quy hoạch lại ngành chăn nuôi, trồng trọt theo vùng miền cho sát thực tế, phù hợp với điều kiện tự nhiên của từng địa phương, đồng thời làm tốt công tác dự báo thị trường, định hướng cho nông dân sản xuất tránh tình trạng “trồng - chặt” theo phong trào hoặc ứ thừa rớt giá phải “giải cứu” như hiện nay. Cần có các chính sách hỗ trợ người chăn nuôi để khắc phục khó khăn trước mắt; triển khai có hiệu quả Đề án nâng cao chất lượng giống vật nuôi và chính sách hỗ trợ chăn nuôi nông hộ giai đoạn 2015-2020. Nhà nước cần có chính sách, giải pháp để đầu tư cho sản xuất nông nghiệp hiệu quả hơn, thực hiện tốt chính sách bảo hiểm trong nông nghiệp; có chính sách khuyến khích, hỗ trợ và tạo điều kiện để phát triển nhanh kinh tế hợp tác, hợp tác xã trong thời gian tới.

Kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan, UBND cấp tỉnh tăng cường công tác phối hợp trong dự báo thị trường, tìm đầu ra cho xuất khẩu lúa gạo; có chính sách ưu tiên nghiên cứu ứng dụng khoa học kỹ thuật sản xuất các loại giống tốt, chất lượng cao, có khả năng kháng sâu bệnh, thích hợp với biến đổi khí hậu; có chủ trương thí điểm các sàn giao dịch lúa gạo, mời thầu thu mua gạo cạnh tranh đối với các doanh nghiệp nước ngoài giúp nông dân tiêu thụ lúa chất lượng cao.

Đề nghị Chính phủ sớm có chủ trương thống nhất cho các tỉnh, thành phố mua bảo hiểm y tế cho lực lượng dân quân tự vệ, công an viên thường trực luân phiên trực tại ban chỉ huy quân sự, công an cấp xã; có chủ trương hỗ trợ bảo hiểm y tế cho người trực tiếp thờ cúng liệt sĩ, người trực tiếp phụng dưỡng Mẹ Việt Nam anh hùng; thân nhân của thương binh, bệnh binh để bảo đảm công bằng hơn đối với hộ nghèo.

Kiến nghị Bộ Y tế tiến hành tổng kiểm tra các cơ sở khám, chữa bệnh đông y trên cả nước, truy xuất nguồn gốc các loại dược liệu, tá dược sử dụng trong khám và điều trị bệnh tại các cơ sở khám, chữa bệnh đông y để bảo đảm quản lý chặt chẽ hơn.

Cử tri đề nghị Bộ Y tế bổ sung thêm danh mục thuốc bảo hiểm y tế tại trạm y tế tuyến xã nhằm phục vụ tốt hơn nhu cầu khám, chữa bệnh cho nhân dân đồng thời bảo đảm quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm y tế.

Đảng, Quốc hội, Chính phủ cần kiên quyết và đổi mới mạnh mẽ cải cách hành chính, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu quả trong toàn hệ thống chính trị và các tổ chức hội đặc thù nhằm giảm gánh nặng ngân sách cho chi thường xuyên, ưu tiên đầu tư phát triển một cách hợp lý…

T.T tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>