Ai chủ mưu tấn công những cơ sở y tế ở Syria ?

31/07/2019 | 17:37 GMT+7

Nhiều cơ sở y tế, trong đó có cả những cơ sở y tế của các tổ chức nhân đạo bị tấn công tại Syria làm hư hại hoàn toàn khiến cho Liên Hiệp Quốc (LHQ) quan ngại.

Khói bốc lên sau một cuộc không kích tại tỉnh Idlib, Syria ngày 19-7-2019. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo báo cáo của LHQ, hiện đã có ít nhất 14 cơ sở y tế do LHQ bảo trợ ở Tây Bắc Syria đã bị phá hủy hoặc hư hại kể từ tháng 4 năm nay. Trong khi đó, Đại sứ của Syria tại LHQ Bashar Ja’afari cũng thông tin, 119 bệnh viện và các cơ sở y tế của nước này đã bị quân khủng bố chiếm đóng và không còn phục vụ mục đích y tế hoặc được coi là khu vực dân sự nữa theo luật nhân đạo.

Trước những diễn biến đáng quan ngại trên, 10 trong tổng số 15 nước ủy viên Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ, bao gồm 3 ủy viên thường trực Mỹ, Anh và Pháp, đã yêu cầu Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres cho phép điều tra các vụ tấn công vào các cơ sở y tế do LHQ bảo trợ ở Tây Bắc Syria. Đồng thời các nước ủy viên HĐBA cũng kêu gọi ông Guterres điều tra lý do vì sao cơ chế được gọi là giảm trừ xung đột lại thất bại trong việc ngăn ngừa các cuộc tấn công. Người phát ngôn của Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres, ông Farhan Haq cho biết Tổng Thư ký LHQ đã tiếp nhận yêu cầu và sẽ cân nhắc quyết định.

Tuy nhiên, nhiều khả năng 2 trong số 5 nước ủy viên thường trực của HĐBA LHQ là Nga và Trung Quốc sẽ phủ quyết việc điều tra này. Bởi lẽ, Nga và Trung Quốc ủng hộ Tổng thống Syria Bashar al-Assad trong suốt 8 năm xảy ra xung đột ở Syria. Ngược lại Mỹ và một số quốc gia phương Tây lại ủng hộ phiến quân và xem ông Assad như chiếc gai trong mắt nên muốn lật đổ từ lâu. Do vậy về mặt quan điểm đã đối lập hoàn toàn tại HĐBA LHQ.

Trong một diễn biến liên quan, Nga và Syria khẳng định các lực lượng của họ không nhằm vào các cơ sở hạ tầng dân thường và đặt dấu hỏi về công tác kiểm chứng nguồn thông tin của LHQ khi cho rằng đã xảy ra những vụ tấn công vào các cơ sở y tế.

Thực tế, chiến sự ở Syria thời gian gần đây đã có phần hạ nhiệt mà phần thắng đã nghiêng hẳn về phe Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Tuy nhiên, những cuộc giao tranh đẫm máu vẫn còn xảy ra làm nhiều người thương vong. Theo đó, kể từ cuối tháng 4-2019, Chính phủ Syria dưới sự hỗ trợ của Nga đã mở cuộc tổng tiến công khu vực Tây Bắc nước này, trong đó có tỉnh Idlib và một số vùng lân cận thuộc các tỉnh Aleppo, Hama và Latakia, nhằm truy quét các phần tử khủng bố. Những cuộc xung đột đã làm hơn 730 dân thường thiệt mạng.

Trước đó, hồi tháng 9-2018, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã ký kết thỏa thuận nhằm ngăn chặn một chiến dịch tấn công quy mô lớn của quân Chính phủ Syria vào Idlib. Ước tính có 3 triệu người sống ở Idlib và vùng lãnh thổ liền kề do phiến quân chiếm giữ. Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của LHQ (OCHA) ngày 26-7 cho hay trên 400.000 người dân tại Tây Bắc Syria đã phải đi lánh nạn trong 3 tháng qua trong bối cảnh tình hình chiến sự gia tăng tại khu vực do phiến quân kiểm soát này.

Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, kể từ năm 2011 đến nay, xung đột nổ ra ở Syria đã khiến hơn 370.000 người thiệt mạng và hàng triệu người dân nước này phải đi lánh nạn. Đáng quan ngại là hầu hết những người dân đi lánh nạn đều sống tại tỉnh miền Nam Idlib, khu vực đang nằm dưới quyền kiểm soát của nhóm phiến quân Hayat Tahrir al-Sham, và tỉnh miền Bắc Hama. Đây là hai tỉnh bị tác động nặng nề do xung đột gây ra. Gần 75% số người đi lánh nạn đang sống bên ngoài các trại tị nạn. OCHA đồng thời bày tỏ quan ngại về việc các trung tâm y tế và trường học bị tấn công trong các cuộc xung đột sẽ gây cản trở cho công tác nhân đạo.

Như vậy, cho dù Tổng Thư ký LHQ có đồng thuận đề xuất điều tra những vụ tấn công vào các cơ sở y tế thì cũng sẽ gặp khó khăn nếu bị phủ quyết của Nga và Trung Quốc. Do vậy, để tìm ra ai chủ mưu đứng sau các vụ tấn công vào các cơ sở y tế trên là bài toán khó vẫn chưa có lời giải.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>