Ai tấn công hóa học tại Douma ?

10/04/2018 | 08:40 GMT+7

Diễn biến mới đây tại Douma được dự báo sẽ tiềm ẩn những hệ quả khó lường đối với tình hình tại Syria cũng như khu vực Trung Đông.

Hình ảnh do phe đối lập Syria tung ra về nạn nhân của vụ tấn công hóa học ở Đông Ghouta. Ảnh: RAWABETCENTER 

Vụ tấn công hóa học xảy ra tại thị trấn Douma đã giết chết ít nhất 49 người trong khi quân đội chính phủ bác bỏ cáo buộc đứng sau vụ việc. Tổ chức y tế Syria - Mỹ cho biết bên cạnh số người thiệt mạng còn có hơn 500 người nhập viện vì khó thở sau khi hít phải khói độc. Trước đó, hình ảnh thi thể các nạn nhân, trong đó có nhiều trẻ em bị sùi bọt mép, lan truyền trên mạng kèm những lời cáo buộc quân đội chính phủ tấn công bằng vũ khí hóa học tại Douma. Đây là thị trấn duy nhất ở vùng Đông Ghouta do phe nổi dậy kiểm soát sau khi bị quân chính phủ đẩy lùi tại nhiều khu vực.

Cáo buộc vũ khí hóa học tại Syria đưa ra trong bối cảnh Chính phủ Syria đang thắng lớn với việc đạt được thỏa thuận với nhóm phiến quân cuối cùng kiểm soát Đông Ghouta, gần với thủ đô Damascus. Cán cân của các cường quốc can dự vào cuộc nội chiến Syria cũng đang có sự thay đổi lớn, với việc Nga và Iran đóng vai trò không thể thiếu đối với tiến trình chính trị tại Syria, trong khi Mỹ bắt đầu đề cập khả năng rút quân khỏi Syria “để dành việc chăm lo đất nước này cho người khác”. Tuy nhiên, với cáo buộc Chính phủ Syria sử dụng vũ khí hóa học có thể thay đổi cục diện hiện nay.

Phản ứng trước thông tin tấn công vũ khí hóa học tại Syria, Mỹ cảnh báo nếu Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc không hành động về Syria, Mỹ sẽ có hành động đơn phương. Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố Tổng thống Syria Bashar al-Assad sẽ phải “trả giá đắt” vì đã thực hiện vụ tấn công nghi là sử dụng vũ khí hóa học nhằm vào dân thường, đồng thời chỉ trích việc Nga và Iran hậu thuẫn chính quyền Tổng thống Assad.

Theo giới quan sát, Mỹ có thể sẽ thực hiện một vụ tấn công quân sự nhằm vào các căn cứ của Chính phủ Syria, tương tự với bước đi của Mỹ dội bom một căn cứ không quân của Chính phủ Syria sau cáo buộc tấn công vũ khí hóa học vào năm ngoái.

Đáng lo ngại hơn nữa đó là giải pháp quân sự của Mỹ có sự tham gia của nhiều nước với việc Mỹ huy động quân đội nước ngoài tới Syria. Trong cuộc điện đàm với Tổng thống Mỹ Donald Trump mới đây, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron lên án vụ tấn công bằng vũ khí hóa học, đồng thời cam kết sẽ có biện pháp phản ứng chung và mạnh mẽ.

Giới quan sát nhận định, Mỹ sẽ không dễ dàng thực hiện một chiến dịch không kích vào căn cứ của Syria giống năm 2017. Nga không chỉ tuyên bố bảo vệ Tổng thống Assad trong một vụ tấn công mà còn trả đũa chống lại lợi ích của Mỹ trong khu vực. Nga cũng nâng cấp hệ thống phòng thủ phòng không của quân đội Syria.

Bộ Ngoại giao Nga nhấn mạnh, những cáo buộc của Mỹ là hành động khiêu khích nguy hiểm, đồng thời cho rằng mục đích của việc phát tán thông tin vô căn cứ này bao che cho thế lực khủng bố và tìm cách biện hộ cho khả năng huy động lực lượng nước ngoài tới Syria. Bộ Ngoại giao Iran cũng khẳng định, các tuyên bố về việc sử dụng vũ khí hóa học là “lời bào chữa” cho một cuộc tấn công quân sự tại Syria.

Hồi năm 2013 và 2017, phương Tây cũng cáo buộc chính quyền của Tổng thống Assad tấn công vũ khí hóa học. Nhưng cuối cùng đã không đưa ra được một đòn trừng phạt nào mang tính quyết định. Song không ít ý kiến lại cho rằng, nếu cáo buộc chính quyền Syria tấn công vũ khí hóa học tại Douma trong lúc này, thì nó sẽ để lại một loạt những câu hỏi không có lời giải. Tại sao Chính phủ Syria lại phải tấn công vũ khí hóa học tại Douma, khi ngày chiến thắng của họ được cho chỉ là câu chuyện thời gian? Tấn công hóa học, liệu Tổng thống Al Assad có được gì? Tổng thống Mỹ Trump vừa tuần trước tuyên bố muốn rút quân khỏi Syria. Trong khi Thái tử Saudi Arabia, quốc gia đối địch hàng đầu với chính quyền Syria, mới đây cũng thừa nhận, việc Tổng thống Al Assad tiếp tục tại vị đã là một thực tế không thể bác bỏ.

LONG TẤN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>