Ấn Độ ngày càng khăng khít với Mỹ

09/07/2020 | 07:32 GMT+7

Tuyên bố rút quân khỏi điểm nóng nhưng mâu thuẫn giữa Trung Quốc và Ấn Độ vẫn là bài toán khó giải.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (hàng đầu, giữa) trong một chuyến thăm không thông báo tới căn cứ quân sự ở biên giới với Trung Quốc. Ảnh: AP

Trung Quốc và Ấn Độ vừa cho rút quân khỏi địa điểm từng xảy ra đụng độ đẫm máu ở khu vực biên giới đang tranh chấp giữa hai nước trên dãy Himalaya hôm 15-6. Đây là kết quả bước đầu trong thỏa thuận giữa các quan chức cấp cao hai nước. Theo đó, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã thảo luận vấn đề biên giới với Cố vấn an ninh quốc gia Ấn Độ Ajit Doval và đi đến nhất trí bảo đảm việc binh lính rút quân dọc đường phân ranh thực tế (LAC) càng sớm càng tốt.

Ấn Độ và Trung Quốc có chung đường biên giới dài khoảng 4.000km. Hai nước láng giềng này thỉnh thoảng vẫn xảy ra xung đột về chủ quyền lãnh thổ, dù đã tiến hành nhiều cuộc đàm phán nhằm giải quyết các tranh chấp.

Căng thẳng leo thang ở khu vực dãy Himalaya từ tháng 5 khi New Delhi và Bắc Kinh cáo buộc lẫn nhau xâm phạm đường LAC. Tình hình trở nên đặc biệt nghiêm trọng khi binh sĩ hai nước ẩu đả dữ dội ở thung lũng Galwan gần đây, khiến ít nhất 20 quân nhân Ấn Độ thiệt mạng và nhiều binh sĩ Trung Quốc cũng thương vong. Hai bên đã triển khai thêm lính và khí tài quân sự tới các “điểm nóng” ở biên giới ngay sau đó.

Trước đó, Ấn Độ đã triển khai các đơn vị đặc nhiệm Para đóng ở nhiều địa điểm khác nhau lên khu vực Ladakh, sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ tác chiến trong trường hợp cần thiết. Các đơn vị đặc nhiệm này từng đóng vai trò then chốt trong cuộc tấn công phẫu thuật tiêu diệt các trại huấn luyện khủng bố đặt ở Pakistan hồi năm 2017 và có thể sẽ là công cụ hiệu quả trên mặt trận đối đầu với Trung Quốc trong trường hợp cấp bách.

Cùng thời gian này, Trung Quốc cũng đã triển khai một lực lượng binh sĩ đáng kể đến khu vực biên giới nhằm đối phó với Ấn Độ.

Giới phân tích nhận định, tranh chấp biên giới Ấn - Trung diễn ra căng thẳng gần đây sẽ là nguy cơ dẫn đến chiến tranh giữa hai nước nếu như các bên liên quan thiếu kiềm chế.

Trong một diễn biến liên quan, gần đây quan hệ giữa Ấn Độ và Mỹ ngày càng ấm lên khiến Trung Quốc lo lắng. Theo Báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP), từ lâu Bắc Kinh luôn đề phòng trước sự ủng hộ của Washington giành cho New Delhi. Các nhà phân tích Trung Quốc cho rằng sự thay đổi trong mối quan hệ Ấn - Mỹ chỉ đạt được đến mức độ giới hạn. Tuy nhiên, theo diễn biến một vài tuần trở lại đây, Mỹ và Ấn Độ đang nỗ lực khăng khít hơn dự đoán, đặc biệt là sau khi xảy ra vụ đụng độ bạo lực giữa binh sĩ Trung Quốc và Ấn Độ tại vùng Ladakh trên dãy Himalaya.

Mới đây, trong một cuộc điện đàm với người đồng cấp Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã bày tỏ “sự ủng hộ của Washington tới New Delhi trong thời điểm khủng hoảng”. Ông Pompeo cũng cam kết Mỹ sẽ cung cấp cho Ấn Độ các thông tin tình báo về hoạt động của Trung Quốc dọc biên giới. Hồi cuối tháng 5, Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng đề nghị đứng ra hòa giải để giảm căng thẳng biên giới giữa Ấn Độ và Trung Quốc nhưng không được chấp thuận.

Theo ông Madhav Nalapat, giáo sư địa chính trị tại Viện Đại học Manipal (Ấn Độ), Mỹ dần trở thành một đối tác đáng tin cậy hơn đối với nước này khi nói về xung đột biên giới. Trong khi đó, Nga tìm cách thuyết phục Ấn Độ cần kiên nhẫn để sau đó Bắc Kinh sẽ thay đổi quan điểm.

Giáo sư Nalapat kết luận: “Tại Ấn Độ, cuộc đua giành ảnh hưởng là sự cạnh tranh giữa tình bạn lâu năm với Nga và tình bạn mới với Mỹ. Các sự kiện diễn ra tại biên giới kể từ tháng 5 đã thay đổi sự cân bằng này theo hướng lợi thế đang nghiêng về phía Mỹ”.

Từ những diễn biến gần đây cho thấy, mâu thuẫn giữa Ấn Độ với Trung Quốc ngày một gia tăng khiến New Delhi ngày càng khăng khít hơn với Mỹ. Đây cũng là động thái vì lợi ích quốc gia mà Ấn Độ đang theo đuổi.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>