Anh cải tổ nội các đối phó khủng hoảng chính trị

13/06/2017 | 07:47 GMT+7

Sau thất bại ở cuộc bầu cử sớm diễn ra vào ngày 8-6 vừa qua, Thủ tướng Anh Theresa May đã tiến hành cải tổ nội các ở hầu hết các vị trí chủ chốt trong chính phủ nhằm đối phó với khủng hoảng chính trị, lấy lại uy tín, tuy nhiên đây là việc làm khó.

Thủ tướng Anh Theresa May trong phiên họp công bố nội các mới, ngày 11-6. Nguồn: PA

Theo kết quả thăm dò của Ipsos MORI/GfK, Đảng Bảo thủ chỉ giành được 314 ghế, thiếu 12 ghế để đạt đủ đa số quá bán 326/650 ghế. Theo sau là Công đảng với 266 ghế, tăng 34 ghế so với khóa trước. Trong khi đó, kết quả thăm dò này cũng cho thấy Đảng Quốc gia Scotland (SNP) giành được 34 ghế, giảm 22 ghế, còn Đảng Dân chủ Tự do có thể có 14 ghế, tăng 6 ghế. Với kết quả này, trước mắt Đảng Bảo thủ và cá nhân bà May sẽ là gặp không ít khó khăn khi lên cầm quyền. Sau bầu cử, đã có không ít lời kêu gọi bà May từ chức, đặc biệt từ phía thủ lĩnh Jeremy Corbyn của Công đảng.

Từ tình huống trên, có thể diễn ra 2 kịch bản: một là Đảng Bảo thủ sẽ phải tìm cách liên minh với các đảng nhỏ hơn để lập chính phủ liên minh, hai là Đảng Bảo thủ tự đứng ra thành lập chính phủ nhưng trong trường hợp này sẽ chỉ là một chính phủ thiểu số. Dù bất cứ kịch bản nào diễn ra thì khó khăn đặt ra cũng rất lớn và chính trường Anh dự đoán sẽ có nhiều biến động trong thời gian tới. Tác động trước tiên và chắc chắn sẽ diễn ra, là khó khăn trong quá trình đàm phán Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) hay còn gọi là Brexit sẽ không thể tránh khỏi. Thực tế, cho dù chính phủ nào cũng sẽ không làm thay đổi quyết định Brexit. Bởi lẽ, các đảng phái tại Anh, dù là Đảng Bảo thủ hay Công đảng, cũng đều coi Brexit là việc đã rồi và khả năng lật ngược quyết định Brexit là không thể xảy ra. Trên thực tế, cử tri Anh cũng quan tâm nhiều đến các vấn đề nội bộ của nước Anh như an sinh xã hội, y tế, và đặc biệt là an ninh hơn là chủ đề Brexit. Tuy nhiên, Đảng Bảo thủ do bà May đứng đầu lại theo quan điểm cứng rắn, còn phía Công đảng đối lập đang muốn có một cách tiếp cận mềm dẻo hơn đối với Brexit. Mặt khác, quá trình Brexit từ trước đến nay do Đảng Bảo thủ đảm trách nên nếu thay đổi đảng cầm quyền thì Anh sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong đàm phán với EU.

Để đối phó với những thất bại trên và muốn xác lập uy tín của mình, mới đây Thủ tướng Anh Theresa May đã quyết định cải tổ nội các một cách rộng rãi. Quyết định này được đưa ra sau khi hai cố vấn hàng đầu của bà là 2 đồng Chánh văn phòng Nội các đều tuyên bố từ chức. Theo đó, những vị trí thay đổi gồm Bộ trưởng Phát triển quốc tế, Giao thông, Y tế, Bộ trưởng phụ trách xứ Wales, Bộ trưởng Cộng đồng, Tư pháp, Giáo dục, Thương mại… Động thái này được kỳ vọng sẽ giúp bà May gánh vác được các trọng trách quan trọng, bao gồm cả tiến trình đàm phán Brexit, theo đúng kế hoạch. Thủ tướng May cũng khẳng định quyết định cải tổ nội các được đưa ra trong thời điểm quan trọng của đất nước khi mà người dân cần đến sự ổn định và chắc chắn từ chính phủ. Nội các mới sẽ tiếp tục công việc của mình, với quá trình thương thảo về Brexit, dự kiến sẽ khởi động trong 1 tuần nữa, cũng như giải quyết một số vấn đề xã hội hiện nay, như sức khỏe tinh thần, giáo dục cho giới trẻ hay khủng hoảng nhà ở.

Trước mắt, Thủ tướng May đang nỗ lực thành lập chính phủ thiểu số với sự ủng hộ của Đảng Hợp nhất Dân chủ (DUP) ở Bắc Ireland. Bà May cam kết tiếp tục phối hợp với đảng này “vì lợi ích của toàn thể Vương quốc Anh”, đồng thời khẳng định sẽ cùng thực thi các cam kết về Brexit, và trong 5 năm tới sẽ xây dựng một chính phủ mà trong đó không ai cũng như không cộng đồng nào bị “bỏ lại phía sau”.

Giới phân tích nhận định, quyết định bầu cử sớm ở Anh là một “canh bạc” thất bại của bà May. Bởi lẽ, theo dự định của bà May, Đảng Bảo thủ sẽ thắng tuyệt đối dưới sự ủng hộ của toàn dân thì việc nắm quyền và điều hành đất nước sẽ có tốt hơn. Tuy nhiên, kết quả hoàn toàn ngược lại. Từ đó mâu thuẫn nội bộ Anh đã tồn tại từ khi trưng cầu dân ý về Brexit đến nay càng bộc lộ rõ nét. Mặt khác, khủng bố đã và đang diễn ra ở Anh theo chiều hướng ngày càng xấu hơn. Do vậy, nước Anh hiện đang rơi vào tình trạng khủng hoảng chính trị nặng nề. Điều này sẽ khó giải quyết trong thời gian ngắn khi chưa có sự đồng thuận của các phe phái liên quan.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>