Anh có dừng tiến trình Brexit ?

04/04/2019 | 08:23 GMT+7

Sáu triệu chữ ký kiến nghị Chính phủ rút lại Điều khoản 50 của Brexit đồng nghĩa với số người ủng hộ dừng Brexit tại Anh ngày càng gia tăng.

Người dân kiến nghị Chính phủ rút lại Điều khoản 50 Brexit. Nguồn: MP

Đây là con số kỷ lục, vượt hơn 4,5 triệu chữ ký kiến nghị yêu cầu tiến hành trưng cầu dân ý lần 2 hồi năm 2016 sau khi kết quả trưng cầu dân ý được công bố. Còn nhớ hồi năm 2016, người dân Anh đã bỏ phiếu rời Liên minh châu Âu (EU) hay còn gọi Brexit với tỷ lệ 52% thuận và 48% chống. Sau đó vào năm 2017, Thủ tướng Anh Theresa May đã kích hoạt Điều khoản 50 của Hiệp ước Lisbon và đưa ra thông báo Anh sẽ rời EU vào ngày 29-3-2019.

Vụ việc trên đã khiến dư luận Anh xôn xao. Mới đây, các nghị sĩ Anh đã đưa việc dừng lại tiến trình Brexit ra thảo luận, sau khi nhận được 6 triệu chữ ký của người dân. Tuy nhiên thảo luận này chỉ mang tính tượng trưng và không làm thay đổi được quyết định Brexit.

Trả lời kiến nghị này, Chính phủ Anh cho biết: “Sẽ không rút lại Điều khoản 50, đồng thời cho rằng, Anh cần phải tôn trọng kết quả của cuộc trưng cầu dân ý năm 2016 và làm việc cùng Quốc hội để thực hiện thỏa thuận đảm bảo Anh sẽ rời EU”.

Trong một diễn biến liên quan, Chủ tịch Hạ viện John Bercow đưa ra 4 đề xuất cần lựa chọn gồm: Anh ở trong liên minh thuế quan; quan hệ Anh - EU hậu Brexit theo mô hình Na Uy - EU hiện nay, hay còn gọi là đề xuất thị trường chung phiên bản 2.0; đề xuất trưng cầu dân ý và đề xuất cho phép Quốc hội quyền ngăn chặn Brexit không thỏa thuận. Tuy nhiên, cả 4 đề xuất lựa chọn thay thế cho thỏa thuận Brexit của Chính phủ Anh đưa ra bỏ phiếu tại Hạ viện tối 1-4 đều không nhận được số phiếu ủng hộ quá bán.

Theo kế hoạch, thỏa thuận Brexit của Thủ tướng Anh Theresa May có thể được đưa ra Hạ viện bỏ phiếu lần thứ tư trong tuần này.

Bộ trưởng phụ trách Brexit của Anh Stephen Barclay đề xuất, Anh có thể tránh được việc trì hoãn kéo dài Brexit và rời khỏi “ngôi nhà chung” đúng thời hạn 12-4 nếu Quốc hội Anh thông qua thỏa thuận Brexit trong cuộc bỏ phiếu lần thứ tư này. Ông khẳng định lập trường và quyết tâm đến cùng của Chính phủ Anh theo đuổi Brexit có thỏa thuận, với tuyên bố “giải pháp duy nhất hiện nay là tìm cách để Anh rời EU cùng với một thỏa thuận”.

Trong khi đó, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker cho biết, EU đã rất kiên nhẫn với Anh về Brexit, song sự kiên nhẫn này sắp hết. Trả lời phỏng vấn Đài truyền hình RAI của Italia, ông Juncker cho biết ông rất mong muốn nước Anh có thể đạt một thỏa thuận trong những ngày tới làm nền tảng cho việc rời khỏi EU. Ông cho biết thêm: “Đến nay, chúng tôi biết là Hạ viện Anh đã nói “không” với thỏa thuận Brexit, nhưng chúng tôi không biết họ sẽ nói “có” với cái gì”. Khi được hỏi một cuộc trưng cầu ý dân lần thứ hai có thể xảy ra hay không, ông Juncker cho biết đây là vấn đề của người Anh.

Giới phân tích cho rằng, mặc dù đã được gia hạn thời gian Brexit nhưng tiến trình này càng ngày càng đi vào ngõ cụt không lối ra. Chính trường Anh sẽ còn rối rắm hơn trong những ngày tới do Brexit gây ra.

Theo kế hoạch nếu đến ngày 10-4 tới, nếu không phê chuẩn thỏa thuận Brexit hoặc đưa ra bất cứ phương án thay thế nào hợp lý, Anh sẽ phải rời khỏi EU mà không có bất cứ thỏa thuận nào. Thủ tướng Anh Theresa May cho biết Chính phủ nước này sẽ xin gia hạn thêm Brexit qua thời hạn trên.

 

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>