Anh - EU “hết duyên nhưng còn nợ”

09/08/2017 | 08:26 GMT+7

Việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) hay còn gọi là Brexit đã và đang diễn ra theo tiến trình đàm phán, tuy nhiên cũng còn quá nhiều vấn đề vướng mắc được cho là “duyên nợ” giữa hai đối tác này vẫn chưa được giải quyết.

Nghĩa vụ tài chính của Anh đối với EU là vấn đề căng thẳng trong đàm phán Brexit. Nguồn: GETTY IMAGES

Theo đó, có quá nhiều vấn đề tranh luận chưa ngã ngũ giữa Anh và EU trong quá trình đàm phán. Trước tiên, là khoản phí Anh phải nộp cho EU để được Brexit theo tính toán của EU phải lên đến cả trăm tỉ bảng Anh. Gần đây, một số thông tin cho rằng, London đã đồng ý chi hơn 40 tỉ bảng Anh để có được cuộc đàm phán thương mại và việc Brexit. Tuy nhiên, mới đây Văn phòng Thủ tướng Anh tuyên bố London chỉ đồng ý trả tiền cho EU để được Brexit, song bác bỏ con số trên mà tờ Sunday Telegraph đưa ra trước đó. Việc London quyết định đưa ra đính chính nhằm trấn an lo ngại của dư luận Anh rằng chính phủ sẽ chấp nhận trả cho EU số tiền lớn nhằm có được thỏa thuận thương mại với EU.

Chính phủ Anh cho hay, vấn đề mức đóng góp tài chính của Anh cho EU cần một sự thỏa hiệp từ cả hai phía. Hiện cả Thủ tướng Anh Theresa May và Bộ trưởng phụ trách vấn đề Brexit David Davis đều nhất trí London sẽ trả tiền cho EU, song con số quyết định đưa ra phải công bằng giữa quyền lợi và nghĩa vụ của nước Anh hậu Brexit. Trong khi đó, EU cho rằng sẽ không chuyển sang bước đàm phán tiếp theo về quan hệ tương lai với Anh, nếu như vấn đề đóng góp tài chính của Anh vẫn chưa ngã ngũ.

Giới phân tích hiện vẫn tỏ ra ít lạc quan về triển vọng vòng đàm phán thứ 3 giữa 2 bên dự kiến diễn ra vào cuối tháng 8 này, do lập trường của Anh và EU còn rất khác biệt. Phái đoàn EU khẳng định rằng đàm phán cần phải đạt được “tiến bộ đầy đủ” trên các nội dung về thanh toán tài chính, quyền công dân và vấn đề biên giới với Ireland trước khi chuyển sang các vấn đề cốt lõi bàn về mối quan hệ thương mại giữa hai bên trong tương lai.

Trong khi đó, Anh muốn nhanh chóng thỏa thuận được về mối quan hệ thương mại với EU hậu Brexit, bởi quan ngại nếu không thể đạt được thỏa thuận, các mối quan hệ thương mại của nước này sau đó sẽ lệ thuộc và chịu sự chi phối theo quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới, khiến cả Anh và EU phải gánh các loại thuế và sẽ mất đi rất nhiều lợi thế cạnh tranh.

Trong một diễn biến liên quan, báo cáo mới nhất của Công ty tư vấn Oliver Wyman cho thấy, Anh có thể mất tới một nửa số việc làm, tương đương 40.000 vị trí trong lĩnh vực ngân hàng đầu tư trong vài năm tới nếu nước này tiếp tục theo đuổi những chính sách “cứng” trong Brexit. Bởi lẽ, hàng loạt các ngân hàng lớn như Citigroup, UBS và Barclays đã công bố kế hoạch chuyển hàng ngàn việc làm từ Anh sang các chi nhánh mới ở EU. Các công ty chuyên về dịch vụ tài chính đã phải trình kế hoạch điều chỉnh nhân sự do Brexit lên Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) về vấn đề này. Về mặt lý thuyết, các ngân hàng sẽ gặp khó khi đào thải nhân sự, nhưng đây được xem là cơ hội để mở rộng sự hiện diện của họ tại châu Âu. Những tác động đến thị trường việc làm trong bối cảnh hậu Brexit sẽ gây ảnh hưởng lớn không chỉ đến ngành ngân hàng Anh mà cả nền kinh tế nước này. Bởi lẽ, dịch vụ tài chính là một trong những ngành đóng góp nhiều nhất vào tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Anh. Riêng tại London, ngành này chiếm 22% GDP.

Ngoài ra, Anh cũng đang dự định giao trả lại các chất thải phóng xạ đến từ các nước như Đức, Italia và Thụy Điển cho EU. Giới chức nước này hy vọng việc nêu lên vấn đề liên quan đến kho dự trữ chất thải phóng xạ của Anh hiện nay sẽ giúp thuyết phục EU giữ lập trường hợp tác trong vấn đề hạt nhân. Thực tế, từ thập kỷ 1970 tới nay, Anh đã nhập khẩu chất thải hạt nhân từ các nước châu Âu và sau đó tái xử lý tại Nhà máy Sellafield ở Cumbria, nhà máy chuyên sản xuất urani và plutoni tái sử dụng và xử lý các chất thải phóng xạ. Gần 20% kho dự trữ plutoni của Anh có nguồn gốc từ nước ngoài. Theo giới quan sát, các quy định về hạt nhân hiện là một trong những thách thức lớn nhất trong giai đoạn đầu đàm phán Brexit, trong bối cảnh Anh muốn rút khỏi Cộng đồng nguyên tử châu Âu (Euratom).

Tuy nhiên, một thực tế khách quan là Anh vẫn muốn giữ lại mô hình văn hóa, kinh tế và xã hội như EU, đồng thời cũng muốn duy trì quyền tự do đi lại của công dân như lúc còn trong khối EU. Giới phân tích cho rằng, mặc dù Brexit là tất yếu phải xảy ra nhưng giữa Anh và EU còn quá nhiều vấn đề vướng mắc chưa thể giải quyết. Điều này được cho  là Anh và EU “đã hết duyên nhưng vẫn còn nợ”.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>