Anh sẽ bỏ phiếu thỏa thuận Brexit

09/01/2019 | 07:55 GMT+7

Thời điểm để chính thức Brexit đã cận kề nhưng Anh vẫn loay hoay tìm cách để Quốc hội bỏ phiếu đồng thuận.

Toàn cảnh cuộc họp Hạ viện Anh tại thủ đô London ngày 19-12-2018. Ảnh: AFP/TTXVN

Đài BBC dẫn các nguồn chính phủ cho biết, Thủ tướng Anh Theresa May sẽ tổ chức cuộc bỏ phiếu tại Quốc hội từng bị trì hoãn về dự thảo thỏa thuận nước này rời Liên minh châu Âu (EU), còn gọi là Brexit, vào ngày 15-1 tới. Thủ tướng May buộc phải hoãn cuộc bỏ phiếu về dự thảo trên hồi tháng 12-2018, sau khi bà cho rằng văn kiện này sẽ bị đại đa số phản đối.

Thông tin đưa ra trong bối cảnh hơn 200 nghị sĩ từ các đảng chính trị khác nhau đã ký một bức thư gửi Thủ tướng Theresa May kêu gọi tránh một kịch bản Brexit không có thỏa thuận. Theo các nghị sĩ, Brexit không có thỏa thuận sẽ làm nhiều người bị mất việc.

Thỏa thuận Brexit đã được Thủ tướng May nhất trí với EU, tuy nhiên văn bản này vấp phải sự phản đối của nhiều nghị sĩ Anh, do điều khoản “chốt chặn cuối cùng”, tức là kế hoạch dự phòng cho biên giới Ireland, giúp duy trì biên giới mở giữa vùng Bắc Ireland thuộc Anh và Cộng hòa Ireland sau Brexit. Theo thỏa thuận, Anh sẽ ở lại trong liên minh thuế quan EU cho đến khi hai bên nhất trí được với nhau về một giải pháp thay thế khác nhằm tránh xảy ra đường biên giới cứng giữa bắc Ireland (Anh) và Cộng hòa Ireland. Dù điều khoản này đã góp phần quan trọng giúp Anh và EU khơi thông thế bế tắc trong đàm phán và đi đến thỏa thuận, nhưng đây lại là vấn đề khiến văn kiện gặp trắc trở ở trong nước.

Trong một động thái liên quan, mới đây Thủ tướng Anh Theresa May cho biết Anh sẽ đưa ra các đề xuất bổ sung về vấn đề Bắc Ireland và trao cho Quốc hội vai trò lớn hơn trong bối cảnh chính phủ đang tìm kiếm thêm các đảm bảo từ EU về thỏa thuận Brexit của bà. Bà May nhấn mạnh: “Chúng tôi chắc chắn sẽ đề xuất các biện pháp cụ thể về Bắc Ireland. Chúng tôi sẽ đưa ra các đề xuất về một vai trò lớn hơn của Quốc hội... và chúng tôi sẽ tiếp tục tìm kiếm thêm các đảm bảo và cam kết từ EU liên quan đến mối quan ngại mà các nghị sĩ đã bày tỏ”.

Về mặt lý thuyết, hiện có hai lựa chọn cho các nghị sĩ Anh. Một là, thông qua dự thảo thỏa thuận Brexit của chính phủ; hai là, rời EU đúng ngày đã định mà không có thỏa thuận. Nếu kịch bản thứ nhất được lựa chọn thì Brexit sẽ dễ dàng vì EU đã đồng thuận. Tuy nhiên, nếu thực hiện Brexit cứng (Brexit không đạt thỏa thuận), cắt đứt đột ngột liên kết giữa song phương, sẽ để lại những hậu quả nặng nề về kinh tế và thương mại với cả Anh và EU. Đáng quan ngại là nếu Brexit không có thỏa thuận, Anh sẽ không được bất cứ ưu ái nào trong quan hệ thương mại với EU và ngược lại. Mặt khác, người dân Anh và các nước EU sẽ không được tự do qua lại nên sẽ gặp trở ngại rất lớn.

Vương quốc Anh sẽ chính thức rời “mái nhà chung” EU vào ngày 29-3-2019, nhưng các nghị sĩ nước này vẫn chia rẽ sâu sắc về những điều khoản thỏa thuận mà Thủ tướng May và EU nhất trí hồi tháng trước. Do vậy, cuộc bỏ phiếu sắp tới tại Hạ viện là trở ngại cuối cùng song cũng khó khăn nhất mà Thủ tướng May phải vượt qua trong lộ trình Brexit. Cho dù kịch bản nào được lựa chọn Anh vẫn phải Brexit đúng thời gian theo thỏa thuận.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>