Anh và EU vào vòng 2 đàm phán chia tay

18/07/2017 | 07:39 GMT+7

Ngày 17-7 (theo giờ địa phương), Anh và Liên minh châu Âu (EU) chính thức bắt đầu bước vào vòng hai đàm phán về việc Anh rời khỏi EU (còn gọi là Brexit) tại Brussels, Bỉ. Vòng đàm phán này sẽ kéo dài trong 4 ngày (đến ngày 20-7).

Anh và EU bước vào vòng 2 cuộc đàm phán Brexit từ ngày 17-7. Ảnh: FT Montage

Tại vòng đàm phán này, Bộ trưởng phụ trách vấn đề Brexit của Anh David Davis thảo luận với Trưởng đoàn đàm phán châu Âu về Brexit Michel Barnier; tiếp theo là cuộc gặp của các nhà điều phối và các nhóm thương lượng. Ba nhóm đàm phán này sẽ thảo luận về quyền của công dân, giải pháp tài chính giữa Anh và EU, những vấn đề liên quan tới Bắc Ireland và nhiều vấn đề riêng rẽ khác. Các cuộc đàm phán về việc Anh rời EU chính thức được khởi động từ ngày 19-6 vừa qua. Hai bên đã nhất trí được về các vấn đề ưu tiên, lịch trình và cách thức tổ chức đàm phán. Theo đó, các cuộc đàm phán sẽ được tổ chức 1 lần/tháng trong thời gian từ ngày 17-7 đến ngày 9-10 năm nay, mục tiêu đặt ra là đến mùa thu, hai bên sẽ chuyển sang giai đoạn đàm phán về các nội dung liên quan đến quan hệ thương mại trong tương lai giữa Liên minh châu Âu với Anh.

Khối này sẽ chỉ bắt đầu thảo luận về quan hệ trong tương lai với Anh, trong đó có thỏa thuận thương mại, sau khi hai bên đạt được “tiến bộ” trong những vấn đề trên, có thể vào cuối năm nay. Theo yêu cầu các cuộc đàm phán phải kết thúc vào tháng 10-2018 để tất cả các bên có thời gian phê chuẩn hiệp ước cuối cùng vào tháng 3-2019.

Trước khi vòng đàm phán này bắt đầu, chính phủ Anh cũng đã tính toán về sự cần thiết của một giai đoạn chuyển tiếp trước khi Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), còn gọi là Brexit. Trước đó, ngày 13-7, Chính phủ của Thủ tướng May đã công bố dự luật rút khỏi Liên minh châu Âu, còn gọi là “Luật hủy bỏ”, nhằm chính thức chấm dứt quy chế thành viên của Anh trong EU. Về lý thuyết, việc Anh rời Liên minh châu Âu sẽ chính thức diễn ra vào tháng 3-2019. Dự luật cũng chấm dứt quyền tối cao của Tòa án Tư pháp châu Âu (ECJ) ở Anh, đồng thời nêu chi tiết cách thức Chính phủ Anh chuyển đổi khoảng 12.000 quy định và luật của EU hiện nay thành luật pháp Anh, qua đó giúp giữ nguyên luật pháp ở nước này sau Brexit.

Sau quyết định Brexit tại Anh trong một năm qua, mặc dù tác động về kinh tế và tài chính chưa thực sự rõ ràng, nhưng nước Anh đang đối mặt với những thách thức nghiêm trọng. Theo các chuyên gia, điều này đang đặt tương lai nước Anh cũng như cả tiến trình Brexit vào bất ổn xa hơn. Với chi tiêu tiêu dùng giảm, tăng trưởng đình trệ, lương tuần giảm, lạm phát tăng, hiện có mối lo ngại thật sự rằng thất bại trong việc đạt được một thỏa thuận với các đối tác châu Âu sẽ ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế Anh.

Còn quá sớm để đánh giá tác động thực sự của Brexit đối với cả Anh và Liên minh châu Âu. Tuy nhiên, với tất cả những gì đã xảy ra trong năm qua, đặc biệt là bất ổn chính trị mà Anh đang phải đối mặt, có thể nói Brexit là một canh bạc chính trị và kinh tế chưa mang nhiều lợi ích cho nước Anh. Thay vào đó, có nhiều dấu hiệu cho thấy nó đang tác dụng ngược lại, tác động không nhỏ đến sự an ninh, ổn định và thịnh vượng của Anh cũng như suy yếu vai trò và ảnh hưởng của nước này trên thế giới.

LONG TẤN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>