AU phản đối Tổng thống Trump vì phân biệt chủng tộc

18/01/2018 | 07:50 GMT+7

Vì một phát ngôn kỳ thị chủng tộc, Liên minh châu Phi (AU) đã buộc Tổng thống Mỹ Donald Trump phải xin lỗi các quốc gia liên quan.

Tổng thống Mỹ Donald Trump. Nguồn: AFP/TTXVN

Trong một cuộc họp kín bàn về bảo vệ người nhập cư đến từ các nước châu Phi, Haiti và El Salvador cùng các nghị sĩ tại Nhà Trắng, mới đây Tổng thống Donald Trump đã đặt vấn đề vì sao Mỹ phải bảo vệ người nhập cư từ “những nước thối nát” và “bẩn thỉu” (tiếng Anh: shithole) hơn là nước phát triển như Na Uy. Tuyên bố trên đã lan truyền đến tai các nước liên quan nên đã gây ra làn sóng phản đối mạnh mẽ từ AU. Đại sứ các nước châu Phi tại Liên Hiệp Quốc (LHQ) đã lên án mạnh mẽ phát biểu của ông Trump, đồng thời kêu gọi nhà lãnh đạo này rút lại phát biểu cũng như đưa ra lời xin lỗi. AU cũng yêu cầu Tổng thống Mỹ, không chỉ xin lỗi với những người châu Phi, mà còn với tất cả những người thuộc dòng máu châu Phi trên toàn cầu.

Tổng Thư ký AU, bà Ebba Kalondo, cho rằng những ngôn từ khiếm nhã của Tổng thống Trump khi bình luận về các nước châu Phi là sự phân biệt chủng tộc không thể chối cãi, gây tổn hại tới thực tế lịch sử là rất nhiều người dân nô lệ châu Phi đã tới Mỹ để lao động và nước Mỹ ngày nay là một minh chứng rõ ràng về việc những người di cư có thể tạo dựng nên một đất nước, một dân tộc.

Phái đoàn AU tại LHQ cho biết, họ đã “vô cùng kinh ngạc và lên án mạnh mẽ những phát biểu thái quá, mang đậm tính phân biệt chủng tộc và bài ngoại của Tổng thống Mỹ”. Đồng thời, AU cũng thể hiện sự quan tâm đến xu hướng thời gian tới của chính quyền Mỹ đối với châu Phi và người gốc Phi. Tuy vậy, tuyên bố chung của AU cũng gửi lời cảm ơn đến người dân Mỹ thuộc mọi tầng lớp xã hội - những người đã lên án bình luận của Tổng thống Mỹ, và khẳng định lại cam kết với các giá trị và nguyên tắc của đa phương, đa dạng và sự bình đẳng của các quốc gia.

Theo các chuyên gia và các nhà ngoại giao, bình luận của Tổng thống Mỹ có thể sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến các công ty của nước này đang hoạt động tại một trong những khu vực có tốc độ tăng trưởng cao nhất thế giới, làm phức tạp thêm những nỗ lực chống khủng bố và hợp tác an ninh của Bộ Quốc phòng Mỹ tại châu lục này.

Mỹ hiện có khoảng hơn 6.000 binh sĩ đang được triển khai tại 53 nước châu Phi, nơi họ đang tập trung ngăn chặn các nhóm cực đoan và những hoạt động bất hợp pháp, cũng như gìn giữ hòa bình, viện trợ nhân đạo và ứng phó với thảm họa. Một phần trong số những binh sĩ này đồn trú tại căn cứ quân sự của Mỹ ở Djibouti. Quân đội Mỹ cũng tham gia vào công tác đào tạo và tư vấn ở các nước châu Phi khác.

Trong một động thái liên quan, mới đây Chính phủ Nigeria đã triệu tập Đại sứ Mỹ Stuart Symington để yêu cầu giải thích về những phát biểu của Tổng thống Donald Trump cho rằng nhiều người tị nạn tại châu Phi và Haiti đến từ những quốc gia “bẩn thỉu”. Ngoại trưởng Nigeria Geoffrey Onyeama xác nhận rằng Đại sứ Symington đã được triệu tập, tuy nhiên ông Onyeama không cung cấp thông tin chi tiết.

Trước đó, Botswana đã triệu Đại sứ Mỹ tại nước này tới để phản đối. Đảng cầm quyền Đại hội Dân tộc Phi (ANC) tại Nam Phi đã ra tuyên bố bác bỏ các bình luận của Tổng thống Trump, đồng thời khẳng định nước Mỹ cũng đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn nội tại như hàng triệu người thất nghiệp, không được tiếp cận các dịch vụ y tế cũng như giáo dục.

LHQ cũng chỉ trích phát biểu “gây sốc, đáng xấu hổ và phân biệt chủng tộc” của Tổng thống Trump.

Về phần mình, ông chủ Nhà Trắng bác bỏ cáo buộc đã đưa ra lời lăng mạ nêu trên. Trên mạng xã hội Twitter, ông Trump cho biết ông đã sử dụng ngôn từ cứng rắn tại cuộc họp về nhập cư nhưng không dùng những từ ngữ như bị tố cáo. Khi được hỏi: “Tổng thống nói gì với những người nói rằng ông là một người phân biệt chủng tộc?”, ông Trump trả lời: “Tôi không phải người phân biệt chủng tộc. Tôi là người ít phân biệt chủng tộc nhất mà các bạn từng phỏng vấn. Đó là điều tôi có thể nói”.

Những phát ngôn gần đây của ông Trump suy cho cùng đúng với tính cách của nhà lãnh đạo này. Ngay từ khi mới nhậm chức, ông đã nhiều lần phát ngôn “trước sau bất nhất” làm mất lòng nhiều quốc gia. Giới chuyên môn cho rằng khả năng tâm thần kinh ông có vấn đề tuy nhiên điều này chưa có cơ sở. Còn phát ngôn gần đây thật sự là sự kỳ thị, lăng mạ không đáng có của ông Trump với các nước AU. Nhiều khả năng các nước AU sẽ phản đòn mạnh mẽ để chống đối ông Trump nếu như vị lãnh đạo này không xin lỗi như lời đề nghị. Điều này sẽ gây bất lợi không nhỏ đối với Tổng thống Donald Trump và cả nước Mỹ.

Tuy nhiên, về mặt sĩ diện thật khó có thể buộc ông Trump xin lỗi. Do vậy sẽ càng xoáy sâu thêm mâu thuẫn giữa Mỹ và AU trong tương lai.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>