Australia đón năm mới hoành tráng dù cháy rừng khốc liệt

02/01/2020 | 07:11 GMT+7

Phần lớn các khu vực của Australia chào đón năm mới 2020 trong điều kiện thời tiết nắng nóng và cháy rừng kỷ lục.

Các vụ cháy rừng chưa từng thấy ở Australia đã hoành hành tại nước này trong nhiều tháng qua. Ảnh: TWITTER

Australia là một trong những quốc gia đón năm mới 2020 sớm nhất thế giới, sau Samoa và New Zealand,

Dù có nhiều ý kiến tranh cãi, nhưng nhiều nơi vẫn tổ chức đón chào năm mới với màn pháo hoa rực rỡ. Thành phố Melbourne đã tổ chức chương trình mang tên “Reach for the Stars” (tạm dịch: Vươn tới những vì sao). Hơn 14 tấn pháo hoa được sử dụng cho chương trình này. Để bảo đảm an ninh, hơn 500 nhân viên bảo vệ, 118 sĩ quan và 22 nhân viên giám sát khu vực được tuyển dụng cho lễ mừng năm mới. Có tới 5km hàng rào được thiết lập trên toàn thành phố.

Hội đồng thành phố cho biết, chương trình giúp gây quỹ cho các dịch vụ khẩn cấp của đội cứu hộ ứng phó với các vụ cháy rừng ở Victoria, NSW, Queensland và phía Tây Australia. Đến nửa đêm, hơn 700.000 USD đã được người dân và du khách quyên góp.

Khác với thành phố Melbourne, thủ phủ Hobart của bang Tasmania  phải trải qua một ngày nóng nhất trong lịch sử hơn 120 năm trở lại đây. Đáng chú ý, nhiệt độ tại Hobart, thủ phủ bang cực Nam của Australia, đạt mức nóng nhất trong hơn 1 thế kỷ, vượt qua con số kỷ lục 40,6 độ C từng được ghi nhận vào tháng 1-1897.

Trong khi đó, nhiệt độ tăng cao, gió lớn và cháy rừng dữ dội đang hoành hành tại Victoria. Chính quyền bang này khuyến cáo khoảng 30.000 người dân và khách du lịch nên rời khỏi khu du lịch cắm trại Lakes Entry để đảm bảo an toàn trước khi cháy rừng lan rộng thêm và các tuyến đường trong khu vực đóng cửa. Nguy cơ hỏa hoạn hiện được dự báo là cực kỳ nghiêm trọng tại 7 trong số 9 khu vực của bang Victoria và đe dọa đóng cửa đường cao tốc Princes, tuyến đường chính trong khu vực.

Thủ hiến bang Victoria Daniel Andrew hôm 31-12-2019 cho biết, chính quyền lo ngại cho sự an toàn của 4 người mất tích. Khoảng 5.000 người tại Mallacoota đã hướng ra bờ biển và sẵn sàng nhảy xuống nước giữa lúc gió to làm bùng phát đám cháy lan về phía thị trấn này. Hàng ngàn người đang ở trên đường dốc thuyền với chăn len và chứng kiến đám cháy rừng tấn công thị trấn.

Theo truyền thông địa phương, người dân ở khu vực cho biết đã mặc sẵn áo phao trong trường hợp phải nhảy xuống biển để tránh đám cháy. Nhiệt độ ở các khu vực cháy rừng có thể lên đến hàng trăm độ C, sẵn sàng cướp đi sinh mạng của bất kỳ ai ở gần đó trước khi ngọn lửa tiếp cận họ. Theo cơ quan xử lý tình trạng khẩn cấp bang Victoria, nhảy xuống biển thoát thân là lựa chọn cuối cùng.

Phó thủ hiến bang New South Wales đã kêu gọi hủy bỏ màn pháo hoa đêm giao thừa ở Sydney để ủng hộ các tình nguyện viên tham gia chữa cháy rừng đến nay đã kiệt sức. Tuy nhiên, chương trình trình diễn pháo hoa mừng năm mới vẫn được tiến hành theo kế hoạch.

Các vụ cháy rừng chưa từng thấy ở Australia đã hoành hành tại nước này trong nhiều tháng qua nhưng đợt nắng nóng và gió to gần đây đã gây ra thảm họa mới. Tính đến nay đã có 10 người thiệt mạng trong các đợt cháy rừng ở Australia. Ngọn lửa cũng phá hủy hơn 1.000 ngôi nhà và thiêu rụi 3 triệu héc-ta đất.

Cuộc khủng hoảng cháy rừng ở Australia được cho là hệ quả của tình trạng hạn hán và biến đổi khí hậu kéo dài, nhưng tình hình đã diễn biến tồi tệ hơn từ ngày 30-12-2019 với gió mạnh kéo đến và nhiệt độ tăng cao trên khắp cả nước - lên đến 47 độ C ở miền Tây Australia và 40 độ C ở nhiều vùng miền khác, bao gồm ở hòn đảo ôn đới Tasmania.

Các nhà khoa học cáo buộc biến đổi khí hậu là tác nhân khiến cho mùa cháy rừng ở Australia kéo dài và khắc nghiệt hơn. Thủ tướng Scott Morrison thừa nhận mối liên hệ giữa cháy rừng và biến đổi khí hậu, song tiếp tục giữ lập trường ủng hộ ngành khai thác than mang lại lợi nhuận lớn cho Australia, cũng như loại trừ những hành động tiếp theo để giảm lượng khí thải.

NGUYỄN TẤN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>