Bài toán người di cư từ Mexico vào Mỹ: Chưa có lời giải thỏa đáng

24/07/2019 | 08:15 GMT+7

Mặc dù làn sóng người di cư từ Mexico vào Mỹ có phần hạ nhiệt, nhưng xem ra Washington vẫn còn nhiều bất đồng quan điểm với các quốc gia liên quan.

Người di cư trèo qua bức tường biên giới Mexico - Mỹ, gần cửa khẩu El Chaparral ở Tijuana, bang Baja California, Mexico, ngày 25-11-2018. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo đó, trong tháng 6 vừa qua chỉ có khoảng 100.000 người di cư tới khu vực biên giới Mexico - Mỹ để tìm đường vào Mỹ, giảm 1/3, so với trước đó. Làn sóng người di cư vào Mỹ qua ngõ này đã làm cho hai quốc gia có những bất đồng sâu sắc khiến phía Mỹ lên tiếng đe dọa áp thuế đối với hàng xuất khẩu của Mexico. Đồng thời Washington cũng đã mạnh tay với Mexico trong việc điều động nhân lực, vật lực tại vùng biên giới này buộc Mexico có giải pháp ngăn chặn dòng người tị nạn vào Mỹ.

Ngoài việc điều động thêm 2.100 binh sĩ tới biên giới phía Nam với Mexico, Lầu Năm Góc còn thực hiện nhiều chính sách liên quan nhằm đối phó với làn sóng người di cư. Đây cũng là lần thứ ba Washington điều động binh sĩ tới biên giới để ngăn chặn làn sóng người di cư. Còn nhớ hồi tháng 4-2018, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã điều lực lượng Vệ binh quốc gia tới biên giới với Mexico, và 6 tháng sau đó cử thêm binh sĩ tại ngũ nhằm giải quyết dòng người di cư từ các nước Trung Mỹ tìm cách vào nước này. Hiện có khoảng 4.500 binh lính và binh sĩ thuộc lực lượng Vệ binh quốc gia Mỹ hoạt động tại khu vực biên giới với Mexico. Đáng quan ngại, chỉ tính trong tháng 5 vừa qua, lực lượng chức năng Mỹ đã bắt giữ hơn 130.000 người nhập cư trái phép vào nước này, cao nhất tính theo tháng trong 13 năm qua.

Nhằm giải quyết vấn đề người di cư vào Mỹ, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã gây sức ép với Quốc hội để có nguồn kinh phí xây tường biên giới Mỹ - Mexico. Vấn đề này cũng làm nóng nghị trường Mỹ trong thời gian dài. Theo đó, biên giới Mỹ - Mexico dài hơn 3.000km và đi qua 4 bang California, Arizona, New Mexico, Texas của Mỹ. Một phần của biên giới được dựng hàng rào từ những năm 1990. Biên giới Mỹ - Mexico đi qua nhiều loại địa hình, từ đồi núi cho đến sông, biển. Để xây dựng phần còn lại, ông Trump đã yêu cầu Quốc hội chi hơn 5 tỉ USD, mặc dù lúc mới nhậm chức, ông nhiều lần khẳng định chi phí xây dựng bức tường sẽ do Mexico chi trả. Trong khi đó, đảng Dân chủ tuyên bố chỉ có thể đồng ý với con số tối đa là 2 tỉ USD.

Sau nhiều lần tranh cãi, hồi cuối tháng 6 rồi, Hạ viện Mỹ đã thông qua gói tài chính trị giá 4,5 tỉ USD nhằm giải quyết thực trạng số người di cư gia tăng mạnh dọc khu vực biên giới giữa nước này với Mexico.

Từ những động thái liên quan trên, sức ép làn sóng người di cư đã được cải thiện. Mới đây, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã ghi nhận “những tiến bộ đáng kể” của Mexico trong việc ngăn chặn dòng người di cư vào Mỹ. Đây là kết quả bước đầu của thỏa thuận giữa Mỹ và Mexico nhằm giảm lượng người di cư từ Trung Mỹ vượt qua lãnh thổ Mexico để tới Mỹ. Đổi lại Washington sẽ không áp thuế trả đũa với Mexico nhằm tránh cho nước này phải thảo luận về quy chế “nước thứ 3 an toàn” cho người di cư. Điều này đồng nghĩa với việc tình trạng người di cư vào Mỹ đã được cải thiện. Như vậy về mặt lý thuyết, Mexico đã tránh được việc áp đặt thuế lên hàng hóa của nước này vào Mỹ.

Tuy nhiên, từ thực tế việc người di cư bị ngăn chặn và ngược đãi ở biên giới Mỹ - Mexico, Nghị viện châu Âu (EP) lại lên án cách đối xử của Mỹ đối với người di cư tại khu vực biên giới này. EP bày tỏ quan ngại về “các điều kiện kinh khủng”, trong đó người di cư và người xin tị nạn, đặc biệt là trẻ em, phải chịu đựng khi bị giam giữ tại các cơ sở của Mỹ.

Mặc dù Đại sứ Mỹ tại Liên minh châu Âu (EU), ông Gordon Sondland phản đối và cho rằng EP đã có một tuyên bố không chính xác, đồng thời khẳng định Washington đang tìm cách bảo vệ những người xin tị nạn hợp pháp, trong khi răn đe “những người xin tị nạn không hợp pháp và vô căn cứ”, nhưng tuyên bố trên của EP đã khiến cho Mỹ khó xử. Do đó, nhiều khả năng làn sóng người di cư sẽ tiếp tục vào Mỹ vì lời kêu gọi nhân đạo của EP và Washington chắc chắn sẽ gặp không ít khó khăn trong thời gian tới.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>