Bán đảo Triều Tiên - “Chảo dầu đang sôi”

12/05/2017 | 08:51 GMT+7

Mặc dù tân Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in có xu hướng xích lại gần Triều Tiên nhưng các quốc gia liên quan gần đây liên tục áp đặt lệnh trừng phạt lên Bình Nhưỡng làm cho tình hình tại đây càng thêm nóng.

Các binh sĩ Hàn Quốc tham gia cuộc tập trận Đại bàng non cùng binh sĩ Mỹ. Nguồn: AFP

Ngay sau khi Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in nhậm chức, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có cuộc điện đàm với ông nhằm chia sẻ vấn đề hạt nhân của Triều Tiên. Tại cuộc điện đàm, hai bên đã nhất trí sẽ hợp tác chặt chẽ trong nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên. Tổng thống Trump đã mời nhà lãnh đạo Hàn Quốc sang thăm Mỹ trong thời gian sớm nhất. Sở dĩ, vấn đề hạt nhân của Triều Tiên được ông Trump quan tâm hàng đầu khi điện đàm với ông Moon bởi lẽ vị tổng thống này có xu hướng xích lại gần với Triều Tiên, đồng thời cũng có những bất đồng với Mỹ trong việc triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao (THAAD) tại Hàn Quốc. Chính điều này đã làm cho Washington lo ngại trong bối cảnh Triều Tiên liên tục thách thức các lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Quốc và gia tăng phát triển vũ khí hạt nhân, nhằm đối phó với Mỹ và đồng minh. Trong đó, phải kể đến vai trò quan trọng của Hàn Quốc, một đồng minh thân cận lâu đời của Mỹ tại bán đảo Triều Tiên.

Trong một phản ứng liên quan, Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) cho biết, đã thành lập một đơn vị đặc biệt chuyên đánh giá về mối đe dọa vũ khí hạt nhân của Triều Tiên. Theo đó, CIA đã lập ra trung tâm sứ mệnh đầu tiên tập trung vào một quốc gia đơn lẻ, thu hút các nguồn lực từ một loạt các đơn vị để thu thập và phân tích thông tin về vũ khí hạt nhân và công nghệ tên lửa đạn đạo tầm xa của Bình Nhưỡng, vốn có thể mở rộng mối đe dọa quân sự ra khắp khu vực Thái Bình Dương. Giám đốc CIA Mike Pompeo nhấn mạnh: “Việc thành lập Trung tâm Sứ mệnh Triều Tiên cho phép chúng tôi hợp nhất và chỉ đạo có chủ đích hơn các nỗ lực của CIA chống lại những mối đe dọa nghiêm trọng đối với Mỹ và các đồng minh bắt nguồn từ Triều Tiên”. Bên cạnh đó, Mỹ cũng đã và đang gia tăng lệnh trừng phạt mới nhằm vào Triều Tiên, đồng thời tiến hành tập trận chung với Hàn Quốc nhằm tấn công Bình Nhưỡng. Mới đây, Mỹ đã diễn tập sơ tán sớm công dân ở Hàn Quốc, coi đây là một “bước khởi đầu của một cuộc chiến tranh xâm lược Triều Tiên”. Hành động này chủ yếu để cảnh báo, khiến Triều Tiên hoảng sợ, vì Mỹ đã từng tiến hành những cuộc diễn tập như vậy trong bí mật. Những động thái trên cho thấy, Mỹ không loại trừ phương án tấn công quân sự để ngăn chặn Bình Nhưỡng phát triển năng lực hạt nhân.

Trong khi đó, mới đây Triều Tiên đã cáo buộc một nhóm khủng bố, được Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA) và Cơ quan Tình báo Hàn Quốc hậu thuẫn, âm mưu ám sát nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Hãng Thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) đăng tải, Bộ An ninh quốc gia Triều Tiên cho rằng các cơ quan tình báo của Seoul và CIA đã “ngấm ngầm thực hiện một âm mưu xấu xa”, liên quan tới “các chất hóa sinh” không xác định, nhằm ám sát nhà lãnh đạo trẻ của quốc gia này trong các dịp lễ long trọng tại thủ đô Bình Nhưỡng. Bộ An ninh quốc gia Triều Tiên cũng đồng thời đe dọa phát động tấn công vào các cơ quan tình báo của Hàn Quốc và Mỹ, khẳng định từ thời điểm này, cuộc tấn công chống khủng bố kiểu Triều Tiên sẽ được bắt đầu để đối phó với các tổ chức tình báo nước ngoài. Bình Nhưỡng cũng tuyên bố sẵn sàng đáp trả không thương tiếc nếu Mỹ có hành động gây hấn. Những tuyên bố trên diễn ra trong bối cảnh Triều Tiên chuẩn bị thực hiện vụ thử hạt nhân lần thứ 6 bất cứ lúc nào, làm gia tăng quan ngại ở khu vực Đông Á.

Giới quan sát nhận định, căng thẳng ở bán đảo Triều Tiên giống như chảo dầu đang sôi. Những hành động khiêu khích cũng như đáp trả của các bên liên quan ví như thêm củi, lửa làm cho nó càng nóng thêm. Muốn hạ nhiệt không còn giải pháp nào khác hơn là bớt lửa để dầu nguội dần. Giải pháp khả thi để bớt lửa không ai khác hơn là các quốc gia liên quan lựa chọn.

Trong 11 năm qua, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đã áp đặt 6 lệnh trừng phạt nhằm vào Triều Tiên, trong đó có 2 nghị quyết đưa ra vào năm 2016 nhằm gia tăng sức ép liên quan đến chương trình phát triển hạt nhân và tên lửa của nước này. Tuy nhiên, các chuyên gia của Liên Hiệp Quốc gần đây cho rằng, các biện pháp này có ít tác động bởi vì không được thực hiện một cách nghiêm túc.

 

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>