Bao giờ Sudan hết bạo lực ?

14/06/2019 | 07:20 GMT+7

Mặc dù Liên minh vì Tự do và Thay đổi đã chấp nhận chấm dứt chiến dịch “bất tuân dân sự” và nối lại các cuộc đàm phán về việc thành lập một ủy ban chuyển tiếp tối cao nhưng bạo lực ở Sudan vẫn chưa có hồi kết.

Người biểu tình tập trung tại Khartoum, Sudan, ngày 31-5. Ảnh: AFP/TTXVN

Đặc phái viên Thủ tướng Ethiopia, ông Mahmour Drir, người đóng vai trò trung gian hòa giải giữa quân đội và người biểu tình đối lập tại Sudan, cho biết Liên minh vì Tự do và Thay đổi - phe đối lập chủ chốt tại quốc gia châu Phi này đã chấp nhận chấm dứt chiến dịch “bất tuân dân sự” kể từ ngày 12-6 và nối lại các cuộc đàm phán về việc thành lập một ủy ban chuyển tiếp tối cao.

Động thái này được đánh giá là bước đột phá lớn giúp hạ nhiệt giao tranh giữa quân đội chính phủ và phe đối lập. Cũng theo ông Drir, Hội đồng Quân sự Chuyển tiếp (TMC) tại Sudan đã đồng ý trả tự do cho các tù nhân chính trị như một biện pháp xây dựng lòng tin giữa các bên.

Trước đó, các cuộc đàm phán giữa TMC và liên minh gồm các nhóm biểu tình và đối lập cũng đã diễn ra nhiều lần nhưng cuối cùng đều thất bại. Mới đây, hôm 3-6, cuộc đàm phán ngừng bạo lực giữa các bên liên quan ở Sudan đã sụp đổ hoàn toàn sau vụ giải tán bằng bạo lực đối với một cuộc biểu tình khiến hàng trăm người thiệt mạng. Hệ lụy của vụ việc trên đã khiến các nhóm biểu tình tại Sudan đã phát động một chiến dịch “bất tuân dân sự” trên quy mô toàn quốc từ ngày 8-6 cho đến ngày 11-6. Chiến dịch “bất tuân dân sự” bắt đầu đã làm cho hầu hết doanh nghiệp tại Sudan đã dừng hoạt động và người dân không tham gia vào bất cứ một hoạt động xã hội nào.

Mặc dù TMC và Liên minh vì Tự do và Thay đổi đã tạm thời thỏa thuận chấm dứt biểu tình và gây rối an ninh trật tự nhưng tình hình bạo lực nhiều khả năng vẫn phát sinh. Trước thực trạng trên, Liên minh châu Phi (AU) kêu gọi các quốc gia liên quan chấm dứt can thiệp vào Sudan bởi quốc gia này đang phải đối mặt với tình hình bất ổn chính trị nghiêm trọng. Chủ tịch Ủy ban AU, ông Moussa Faki Mahamat cho rằng, sự cần thiết phải tìm kiếm những giải pháp do người Sudan làm chủ đạo đối với cuộc khủng hoảng chính trị đang diễn ra tại quốc gia nằm ở giao điểm giữa Vùng Sừng châu Phi và Trung Đông này. Tuyên bố cũng “khuyến khích các bên tại Sudan tiến hành mọi biện pháp chính trị và an ninh cần thiết để mở đường cho sự khôi phục nhanh chóng các cuộc đàm phán nhằm đạt được đồng thuận về sự chuyển tiếp hướng tới một chính quyền dân sự”.

Mới đây, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (LHQ) cũng đã mạnh mẽ lên án tình trạng bạo lực thời gian qua ở Sudan, kêu gọi chính quyền quân sự và phong trào biểu tình đối lập tại nước này tìm ra giải pháp cho cuộc khủng hoảng hiện nay. Người phát ngôn của Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres kêu gọi các bên đối địch tại Sudan nối lại đối thoại chính trị. Ông cũng hối thúc các bên hợp tác để đảm bảo chuyển giao quyền lực một cách hòa bình và duy trì hòa bình lâu dài trên cả nước.

Trong một động thái liên quan, AU đã bỏ phiếu đình chỉ Sudan tham gia mọi hoạt động trong khối cho đến khi một chính phủ dân sự được thành lập. Quyết định được đưa ra sau khi bạo lực gia tăng trong tuần này giữa lực lượng TMC và các phe nhóm biểu tình nhằm đòi chuyển giao quyền lãnh đạo đất nước. Động thái này sẽ tạo sức ép mạnh mẽ để Sudan đẩy nhanh tiến trình bàn giao quyền lực về tay chính quyền dân sự.

Kể từ tháng 12-2013 đến nay, bạo lực ở Sudan đã làm cho hàng chục nghìn người thiệt mạng, hơn 4 triệu người mất nhà cửa, khoảng 2,2 triệu người đã phải lánh nạn sang các quốc gia láng giềng.

 

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>