Bấp bênh số phận người di cư

19/05/2017 | 07:31 GMT+7

Dù đã được cảnh báo sẽ gặp nhiều rủi ro nhưng nhiều người di cư vẫn bất chấp vượt biển bằng những phương tiện thô sơ để đến vùng đất hứa châu Âu và không ít người trong số họ đã bỏ mạng trên Địa Trung Hải.

Người di cư chờ được cứu ở ngoài khơi bờ biển thuộc thị trấn Zawiyah (Libya).  Nguồn: AFP

Cao ủy Liên Hiệp Quốc về người tị nạn (UNHCR) vừa thông báo, có 11 người di cư đã thiệt mạng và gần 200 người khác mất tích khi hai chiếc thuyền chở họ bị chìm ở ngoài khơi Libya. Theo đó, một chiếc thuyền bằng cao su chở 132 người rời Libya để vượt Địa Trung Hải vào châu Âu. Chỉ vài giờ sau đó, chiếc thuyền này bắt đầu bị xì hơi và lật. Khoảng 50 người đã được một chiếc tàu chở hàng của Đan Mạch cứu sống và đưa họ đến Pozzallo, Sicily, miền Nam Italia. Những người còn lại bị trôi dạt vẫn chưa tìm được tung tích. Những người sống sót cho biết trong số những người mất tích có cả phụ nữ và trẻ em. Trong khi đó, thi thể của 10 phụ nữ và 1 trẻ em đã được tìm thấy trên bờ biển Zawiya, cách thủ đô Tripoli 50km về phía Tây.

Cùng thời gian này một vụ tai nạn tương tự cũng xảy ra. Theo những người sống sót, khi gặp nạn, chiếc thuyền chở họ chứa khoảng 170 người, bị lật do chở quá tải. Trong số những người mất tích có hơn 30 phụ nữ và 9 trẻ em. Lực lượng bảo vệ bờ biển và ngư dân Libya đã cứu sống được 7 người di cư trái phép, trong đó có 1 phụ nữ, ở ngoài khơi Tripoli.

Theo UNHCR, chưa tính số người thiệt mạng và mất tích trong 2 vụ chìm thuyền mới nhất này, từ đầu năm đến nay đã có hơn 1.150 người đã mất tích hoặc thiệt mạng khi đang trong hành trình di cư từ các nước Bắc Phi đến Italia. Như vậy theo thống kê chưa đầy đủ của UNHCR, số người rời khỏi Libya với mong muốn bắt đầu một cuộc sống mới ở châu Âu trong những tháng đầu năm 2017 tăng gần 50% so với cùng kỳ năm 2016.

Theo các tổ chức quốc tế, có đến một triệu người di cư, chủ yếu đến từ khu vực tiểu vùng Sahara của châu Phi, hiện đang ở Libya và có ý định thực hiện cuộc hành trình nguy hiểm vượt Địa Trung Hải để tới châu Âu, với hy vọng tìm kiếm cuộc sống tốt đẹp hơn. Khoảng 7.000-8.000 người di cư đã bị bắt và bị giam giữ tại Libya sau khi nhập cảnh trái phép vào nước này. Libya từ lâu đã trở thành nơi “trung chuyển” của dòng người di cư muốn tìm kiếm cuộc sống tốt đẹp hơn ở châu Âu. Những kẻ buôn lậu lợi dụng tình hình bất ổn an ninh và chính trị ở nước này kể từ sau cuộc chính biến năm 2011 để đẩy mạnh các hoạt động phi pháp như tổ chức đưa người di cư vượt biên trái phép. Từ đó, làn sóng người di cư trái phép cứ tăng dần theo thời gian và họ phải đối mặt với muôn vàn khó khăn.

Thực tế cho thấy, tìm đường đến châu Âu đã khó nhưng được trụ lại miền đất hứa này lại càng khó khăn hơn đối với người di cư. Bởi lẽ, hiện nay nhiều quốc gia Liên minh châu Âu (EU) đã tăng cường các biện pháp ngăn chặn người nhập cư. Gần đây, Ủy ban châu Âu đã công bố kế hoạch tăng cường trục xuất những người nhập cư trái phép, song sẽ vẫn hỗ trợ những người “thực sự có nhu cầu”. Ủy viên châu Âu phụ trách vấn đề nhập cư Dimitris Avramopoulos cho biết: “Mục tiêu của chúng tôi là giảm số lượng người di cư bất hợp pháp thông qua việc xác định rõ ràng những người nhập cư không cần được bảo vệ và những người không được phép ở lại EU, cũng như gửi đi thông điệp rằng họ không nên thực hiện một hành trình nguy hiểm như thế để vào châu Âu một cách bất hợp pháp”. Ngay cả Đức, một quốc gia tiếp nhận người di cư nhiều nhất, với gần 900.000 người năm 2015 và hơn 200.000 người năm 2016 thì tình trạng ngược đãi hoặc bài xích người di cư diễn ra thường xuyên. Trung bình, mỗi ngày ở Đức có 10 vụ bạo lực chống lại người nhập cư. Theo số liệu mới của Bộ Nội vụ Đức, năm 2016, nước này đã ghi nhận có hơn 3.500 vụ tấn công nhằm vào người tị nạn.

Người di cư tị nạn đến châu Âu đã, đang và sẽ đối mặt với nhiều rủi ro từ cái chết rình rập khi vượt Địa Trung Hải đến sự ngược đãi, xua đuổi của các quốc gia liên quan… nên số phận của họ quá bấp bênh, khó tìm được tia hy vọng nào ở miền đất hứa này. Đây cũng là nhận định chung của giới phân tích khi nói về họ. Giải pháp thỏa đáng cho người di cư vẫn còn là bài toán hóc búa chưa có lời giải.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>